(GD&TĐ) - Ô nhiễm không khí đã trở thành tai họa của hàng triệu người sống ở các thành phố châu Á, gây nguy hiểm cho trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và những người có các vấn đề về tim mạch, hô hấp - các chuyên gia cho biết.
Người dân Singapore đang gánh chịu mức ô nhiễm kỷ lục |
“Mức ô nhiễm ở một số nơi tại Trung Quốc, Ấn Độ và vài nơi khác ở châu Á đặc biệt cao và có tác động lớn tới sức khỏe. Đây là một hiểm họa thực sự chưa được đánh giá đúng mức trước đây” - ông Bob O’Keefe thuộc viện Health Effects (HEI) (một cơ quan nghiên cứu phi lợi nhuận của Mỹ) cho biết.
Tuần này, Singapore đã phải gánh chịu mức độ ô nhiễm môi trường kỷ lục bắt nguồn từ những đám cháy rừng ở nước láng giềng Indonedia.
Hồi tháng 1, ô nhiễm ở Bắc Kinh đã trở nên trầm trọng và bệnh viện của thành phố đã phải tiếp nhận số bệnh nhân tăng lên 20%.
Vào tháng 8/2012, Hong Kong đã trải qua đợt ô nhiễm cao nhất từ trước tới đây, khiến cho chính quyền phải cảnh báo những người dễ bị tổn thương, sức khỏe yếu nên ở trong nhà.
HEI ước tính, khoảng 3,2 triệu người trên thế giới đã chết sớm vì không khí ô nhiễm ở ngoài trời vào năm 2010. Trong đó, số người chết ở Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 2,5 triệu.
Số người chết ở Trung Quốc đã tăng lên 1/3 trong 20 năm qua, tuy nhiên vấn đề ô nhiễm chỉ chiếm một phần lý do. Khi Trung Quốc trở nên thịnh vượng, công dân có tuổi thọ cao hơn thì người dân lại dễ bị mắc các bệnh tim, hô hấp từ ô nhiễm không khí.
Một nghiên cứu của Tạp chí Biến đổi khí hậu ước tính: Các đám cháy rừng ở Đông Nam Á đã giết chết thêm 15.000 người mỗi năm bằng việc khiến ô nhiễm không khí trong khi xảy ra hiện tượng thời tiết El Nino - thời điểm mà đất khô hơn thường gây cháy ngoài tầm kiểm soát.
Một điều tra của Mỹ thấy rằng 3 triệu trẻ sơ sinh tại 9 quốc gia ở Bắc, Nam Mỹ, châu Âu, châu Á và Australia cho thấy: Có mối liên hệ rõ ràng giữa ô nhiễm không khí và trẻ sơ sinh nhẹ cân (thấp hơn 2,5kg) và hiện tượng này sẽ tạo ra các vấn đề về sức khỏe sau này.
Hà Châu (Theo AFP)