Đánh đổi những tiếng cười mua vui trong chốc lát, bạn trẻ sử dụng loại bóng này không lường được rằng đằng sau đó có thể sẽ là hậu quả khôn lường. Để hạn chế tiến tới xóa bỏ hiện tượng này, các cơ quan chức năng cần sớm có những biện pháp kịp thời nhằm quản lý tốt việc mua bán và sử dụng chất khí nguy hại dùng để bơm vào bóng cười.
Thú vui nguy hại
Đi dọc những tuyến phố đi bộ của Hà Nội như Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện... chúng tôi gặp hình ảnh những người trẻ mải mê với thú tiêu khiển mới: Chơi bóng cười. Không hiếm người sử dụng bóng cười bộc lộ mình đang sống trong cảm giác đê mê, lâng lâng sau mỗi lần hít. Tại các điểm bán và chơi bóng cười, những người bán bóng sử dụng dụng cụ là bình khí nén nhỏ, những hộp nhựa đựng bóng và một số ống sắt. Khi sử dụng bóng cười, chất khí nitrous oxide trong quả bóng này khiến người hút vào có cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười. Chỉ cần dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng hít khí trong đó rồi lại thổi ngược ra cho quả bóng to lên. Cứ như vậy lặp lại khoảng 4 - 5 lần sẽ khiến người dùng cảm thấy phấn khích và cười liên tục.
Với giá từ 30.000 - 50.000 đồng, bóng cười cũng được bán công khai tại các quán bar, hay quán cà phê. Do bóng cười hiện nay đang không bị cấm, nên nó cũng được bán một cách công khai trên các trang mạng Internet. Chúng tôi thử gõ cụm từ “dịch vụ bán bóng cười” trên mạng Internet, liền gặp rất nhiều trang rao vặt, mạng xã hội chào hàng. Liên hệ tới một số điện thoại bán bóng cười qua mạng, chúng tôi liền nhận được lời giới thiệu hàng cùng với giá bán buôn được đưa ra là 6,5 triệu đồng/bình 20kg (ước tính sẽ bơm được 1.000 quả bóng).
Trong khi người bán khẳng định đó là thứ chơi an toàn. Nhiều bạn trẻ sử dụng loại bóng này thì cho rằng, hít bóng cười là thể hiện đẳng cấp của một dân chơi. Thú chơi này nó vừa giúp giảm stress, vừa mang lại những trận cười sảng khoái, vui vẻ và sự hứng thú. Lê Dương, 19 tuổi vừa tuôn những tràng cười vô thức, vừa cho biết: “Em dùng bóng cười này cùng với bạn bè, chỉ mong để xả stress thôi. Mỗi lần hít bóng trong người có cảm giác hơi choáng. Em cũng không biết nó có độc không, nhưng chắc là không vì cảm giác phê phê chỉ tác dụng trong vài phút sau khi hít bóng rồi tự hết”.
Mối lo mới
Một bộ phận giới trẻ đang quan tâm đi tìm sự phấn khích, tiếng cười, ảo giác với bóng cười, cho rằng nó không gây độc hại, thì họ không biết rằng thứ mang lại cảm giác sảng khoái tức thời đó là hợp chất hóa học N2O, hay còn gọi là khí cười. Một loại khí mà theo nhiều chuyên gia y tế, nếu sử dụng thường xuyên có thể gây nguy hại đến sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng. Bóng cười hay còn gọi là funky ball, thực chất là quả bóng bay được bơm khí nitrous oxide (N2O). Loại bóng cười này được biết du nhập vào nước ta từ năm 2010, nhưng nó chỉ thực sự trở thành cơn sốt trong giới trẻ từ một vài năm trở lại đây.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Thông, nguyên Trưởng bộ môn Dược lý, Trường Đại học Y Hà Nội, sở dĩ gọi N2O là khí cười bởi có giả thuyết cho rằng, nó tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười. Hiện nay, khí cười thường được sử dụng trong nha khoa như một chất gây tê, giảm đau yếu. Sử dụng khí cười với tần suất lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, nhất là hệ thần kinh. Nếu hít nhiều sẽ gây nôn ói, rối loạn chuyển hóa cơ thể, thậm chí tạo cảm giác hưng phấn ảo, rất giống với cảm giác phê ma túy, sử dụng nhiều có thể sẽ gây nghiện. Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp, khí gây cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác. Đáng chú ý, việc hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy...
Nếu những người mắc bệnh về tim mạch hay hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp mà hít phải N2O lâu sẽ rất nguy hiểm vì nó có thể dẫn tới ngừng thở. Có thể nói, đây là khí gây mê tác động đến thần kinh, nếu lạm dụng thì thần kinh cứ bị tác động, kích thích liên tục để gây hưng phấn sẽ gây mỏi mệt cho hệ thần kinh. Tùy theo cơ địa của từng người sẽ gây ra hiện tượng như lờ đờ, dở thức dở ngủ làm cho thần kinh ngoại biên cũng như thần kinh thực vật giảm hoạt động, bị trơ hoặc mệt mỏi, rất có thể nguy hại đến tính mạng. Đó là những hậu quả do lạm dụng quá và không thể kiểm soát được nồng độ khí mà người ta bơm vào bóng cho người dùng. Dù chưa có trường hợp tử vong liên quan đến việc sử dụng khí cười một cách quá độ, nhưng việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe là điều vô cùng cần thiết, vì vậy không nên lạm dụng khí cười để thỏa mãn bản thân.
Theo các chuyên gia y tế, tất cả những chất gây ảo giác là khí N2O, hay LSD, dù hiện nay chưa có trong quy định chất cấm sử dụng ở Việt Nam nhưng những chất này là chất gây ảo giác. Nó khiến cho người sử dụng bị hoang tưởng, lạc vào một thế giới khác và trong lúc hoang tưởng đó họ rất dễ trở thành tội phạm. Điều nguy hiểm hơn nữa là những chất này có thể gây nghiện, và dù sau này có được điều trị chữa trị thì nó vẫn có nguy cơ gây nhớ, hồi tưởng lại dẫn tới người sử dụng có ham muốn sử dụng lại.
Bóng cười đang trở thành một trào lưu nguy hại trong giới trẻ. Dẫu biết rằng “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, nhưng mua tiếng cười bằng chính sự nguy hiểm đến sức khỏe của mình thì có lẽ các bạn trẻ nên suy nghĩ lại. Và để hạn chế tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần sớm có những biện pháp kịp thời nhằm quản lý tốt việc mua bán và sử dụng chất khí nguy hại này.