(GD&TĐ) - Bên trong Trường THCS và THPT Triều Tiên tại thủ đô Tokyo, không gian hoàn toàn khác biệt: Phía trên bảng đen treo chân dung của các nhà lãnh tụ Triều Tiên Kim Il Sung và Kim Jong Il; khi các lớp học kết thúc, nữ sinh trong váy đỏ truyền thống jeogori và nam sinh áo vest đen cổ tròn đổ túa ra cổng trường…
Bên trong lớp học Triều Tiên ở Nhật Bản |
Ngôi trường này và khoảng 70 trường khác giống như vậy đang tồn tại ở Nhật Bản được coi là “di sản bất thường” của mối quan hệ khó khăn giữa Nhật Bản và Bắc Triều Tiên. Một số lớn người dân từ bán đảo Triều Tiên đến hoặc được mang đến Nhật trong thời gian đế quốc Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên giai đoạn từ 1905 - 1945. Vào cuối Thế chiến II, khoảng 700.000 người đã ở lại Nhật mà không trở về quê hương, mảnh đất bị cuộc chiến tranh Triều Tiên chia đôi thành 2 quốc gia. Họ trở thành những người không quốc tịch trong 20 năm cho tới năm 1965, khi Nhật Bản công nhận Hàn Quốc, nghĩa là người gốc Triều Tiên tại Nhật có thể trở thành người Hàn Quốc. Những người gốc Triều Tiên còn lại mặc nhiên được coi là người Bắc Triều Tiên và họ cũng như con cái sau đó vào học các trường Bắc Triều Tiên. Những trường học này có ý nghĩa duy trì sự kết nối với quê hương chứ không mang vai trò giáo dục ý thức hệ.
Tuy nhiên, học sinh trong các trường Bắc Triều Tiên được giáo dục những nội dung tương đối khác biệt. Học sinh được dạy rằng cha ông được đưa tới Nhật làm lao động khổ sai thời chiến; Washington và đồng minh “con rối” tại Seoul đã khởi phát chiến tranh Triều Tiên… Trong nhiều năm, tiếng nói chỉ trích của Nhật Bản coi các trường này là “cái gai” trong lòng nước Nhật và tìm cách đóng cửa chúng. Ngay vào thời điểm hiện tại, nguy cơ đóng cửa hoàn toàn có thể xảy ra.
Chính phủ Nhật đã loại các trường này khỏi chương trình đài thọ học phí trường học từ cách đây 2 năm. Ví dụ như trường THCS và THPT Triều Tiên tại Tokyo đã bị cắt hỗ trợ 63.000 USD hàng năm. Hiệu trưởng Shin cho biết trường sẽ vẫn tồn tại nhưng với nhiều trường khác thì khó mà tồn tại nổi.
Có thể nói, trường học Triều Tiên tại Nhật Bản là “nạn nhân” của mối quan hệ xấu giữa Chính phủ Nhật với Hiệp hội người Triều Tiên tại Nhật (tổ chức được gọi là Chongryon) – tổ chức vẫn bị cáo buộc có liên quan trong vụ bắt cóc hơn 10 công dân Nhật vào những năm 1970 và 1980. Nhật Bản vẫn đòi Triều Tiên trao lại công dân còn sống như phía Bắc Triều Tiên nói rằng họ đều đã chết.
Kể từ sau nỗ lực bình thường hóa quan hệ thất bại năm 2002 và 2004, cộng với hàng loạt vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, mối quan hệ đặc biệt xấu trở lại. Văn phòng của Hiệp hội tại trung tâm Tokyo bị niêm phong để thu hồi khoản vay gần 63 nghìn tỉ yên.
Không chỉ gặp khó khăn kinh tế, các trường Triều Tiên tại Nhật cũng khó khăn trong tuyển sinh. Hàng nghìn người Triều Tiên đã từ bỏ quốc tịch để trở thành công dân Nhật. Tuyển sinh tại trường của Shin đã giảm xuống còn 600 học sinh từ mức đỉnh điểm 2.300 học sinh vào cuối những năm 1960. Phụ huynh đóng góp 80% chi phí của trường; phần tiền hỗ trợ từ Triều Tiên, từng là nguồn tài chính quan trọng, đã cạn kiệt. Sonia Ryang, giảng viên Đại học Iowa, nhận xét: Sẽ là đáng tiếc nếu những trường học Triều Tiên mất đi bởi đó là nơi phụ huynh Triều Tiên khao khát giáo dục di sản cha ông cho con cái họ.
Bảo Chi (Tổng hợp)