Tại các thành phố lớn, hệ thống các bảo tàng được nâng cấp và phát triển. Tuy nhiên ở trên thực tế, bên cạnh vấn đề xây dựng về cơ sở vật chất hệ thống các bảo tàng, thì việc kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống bảo tàng hiện nay vẫn là vấn đề nan giải.
Thực trạng nguồn nhân lực tại các bảo tàng
Theo con số thống kê mới đây, hiện nay nước ta có 154 bảo tàng, trong đó có 123 bảo tàng công lập, 31 bảo tàng ngoài công lập, có bảo tàng có thể sánh được với các bảo tàng của các quốc gia có sự nghiệp bảo tàng phát triển.
Về nguồn nhân lực, trên thực tế tại Việt Nam cũng đã hình thành được một đội ngũ cán bộ chuyên môn đông đảo, được đào tạo có hệ thống, với hơn 2.300 công chức, viên chức và người lao động, trong đó có hơn 1.800 người có trình độ đại học, 200 người có trình độ trên đại học.
Tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên môn, số lượng, nguồn nhân lực bảo tàng vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống các bảo tàng trên cả nước. Về chất lượng, hệ thống bảo tàng đang thiếu những người có trình độ chuyên môn sâu.
Mới đây tại Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực hệ thống bảo tàng Việt Nam”, ông Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam - cho biết:
Một số bảo tàng lớn đã có các phương tiện kỹ thuật bảo quản hiện vật theo chất liệu. Chẳng hạn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia có phương tiện kỹ thuật bảo quản hiện vật khảo cổ chất liệu đồng và gốm; Bảo tàng Hồ Chí Minh
có phương tiện bảo quản tài liệu giấy, ảnh, vải; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bảo quản tốt các tác phẩm hội họa chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa… nhưng lại thiếu các chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực bảo quản hiện vật.
Không chỉ thiếu về lượng, yếu về chất, nguồn nhân lực bảo tàng còn phân bố không đồng đều, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Với những bảo tàng lớn hoặc nằm ở các vị trí trung tâm như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hà Nội… có 70 - 90% cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, trong khi tỷ lệ này ở những bảo tàng tỉnh, vùng sâu, vùng xa chỉ chiếm 20 - 40%.
Phải tăng cường về đội ngũ
Rõ ràng để nâng cao chất lượng hệ thống các bảo tàng tại Việt Nam thì vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và hướng dẫn viên cho công tác tại bảo tàng phải được đẩy mạnh.
Ông Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, nước ta mới quan tâm đào tạo bậc đại học ngành bảo tàng từ khoảng 20 năm trở lại đây.
Những năm đầu, việc đào tạo này thuộc một chuyên ngành của khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), sau này chủ yếu do khoa Di sản văn hóa của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh thực hiện.
Các cơ sở đào tạo khác chưa có những chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về bảo tàng nên trong nguồn nhân lực bảo tàng hiện có nhiều người được đào tạo từ những chuyên ngành khác…
Hơn nữa hàng năm sinh viên chọn học ngành bảo tàng cũng ít hơn các ngành khác. Một số bảo tàng, do kinh phí hạn hẹp nên chưa quan tâm đến công tác đào tạo lại và đào tạo nâng cao cho cán bộ.
Mức lương thấp nên cũng không thu hút được cán bộ có nhiệt huyết, đam mê cống hiến cho sự nghiệp bảo tàng. Những khó khăn trên chính là những rào cản khiến cho hệ thống bảo tàng của nước ta hoạt động chưa thực sự có hiệu quả.
Trong thời đại kinh tế tri thức, yêu cầu của xã hội cũng ngày càng cao và khắt khe. Các nhu cầu đó lại xuất phát từ công chúng, khách tham quan - những người trực tiếp sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của bảo tàng.
Như vậy, người sản xuất ra sản phẩm bảo tàng, người cung cấp dịch vụ bảo tàng muốn theo kịp trình độ dân trí và nhu cầu khách tham quan thì nhất thiết phải được đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho xứng đáng.