(GD&TĐ) - Tuần qua, việc tuyển sinh đầu cấp đã bắt đầu “nóng” lên ở các địa phương trong cả nước. “Nóng” là do ngày xét tuyển đã cận kề; nhưng có lẽ “nóng” nhất là số học sinh (HS) vào lớp một tăng đột biến. Đây chính là lứa HS “heo vàng” ra đời cách đây sáu năm (2007).
Ảnh minh họa/internet |
Tại TP.HCM, theo ghi nhận của Sở GD&ĐT, năm nay có trên 108.000 trẻ vào lớp một, trong khi số HS lớp năm ra trường khoảng 88.000, như vậy có nghĩa TP.HCM phải chuẩn bị 20.000 chỗ học tăng thêm ở bậc tiểu học. Nếu tính bình quân 40 chỗ học/lớp thì TP.HCM phải chuẩn bị thêm 500 phòng học. Còn không chuẩn bị kịp thì phải áp dụng giải pháp nâng sỉ số HS trong lớp hoặc tái xuất hiện lớp học ca ba. Tại Hà Nội, tình hình cũng căng thẳng không kém với khoảng 11.000 HS lứa “heo vàng” tăng thêm.
Tại các địa phương khác cũng gặp tình trạng bùng nổ lứa HS “heo vàng” tương tự. Mức độ “nóng” ở các địa phương này cũng không hề kém. Chẳng hạn ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), theo ông Phạm Văn Băng, cán bộ phụ trách mảng phổ thông Phòng GD&ĐT Biên Hòa, dự báo số HS vào lớp một năm nay tăng mạnh. “Ở phường Trảng Dài, nếu không mượn được thêm phòng học thì dứt khoát sẽ có ít nhất 10 lớp phải học… ca bốn trong năm học tới”, ông Băng nói (theo báo Đồng Nai).
Như vậy, các cháu “heo vàng” sướng đâu chưa thấy, đã chịu hai lần khổ. Lần đầu phải chịu cảnh quá tải phòng sinh cách đây sáu năm; lần này chịu cảnh quá tải phòng học. Và phụ huynh các cháu trong những ngày này có lẽ cũng khổ theo!
Trước tình hình bùng nổ “heo vàng” này, ngành GD các địa phương có giải pháp như thế nào?
Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng GD Tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết: “Dù Sở hàng năm đều dự báo trước số lượng HS vào lớp một, kết hợp đẩy mạnh việc xây dựng trường lớp (chỉ tính 4 tháng đầu năm 2013 đã có 22 dự án đưa vào khởi công xây dựng), nhưng do các đặc điểm riêng về tình hình nhập cư trên địa bàn nên khả năng bùng nổ sỉ số vẫn khá lớn. Tuy nhiên, thành phố cam kết đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả HS có hộ khẩu TP” (trả lời báo SGGP). Như vậy, HS diện tạm trú, KT3 thì chưa bảo đảm có chỗ học, mà số HS diện này ở TP.HCM không hề nhỏ. Tuy nhiên, ông Điệp trấn an năm học 2013 - 2014 TP.HCM sẽ có thêm 573 phòng học mới. “Do đó, không có tình trạng thiếu chỗ học cho trẻ vào lớp một như dư luận lo ngại”, ông Điệp nói.
Còn tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu toàn bộ 29 quận, huyện công khai ngay từ đầu tháng 6 kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp, thay vì chỉ thông tin đến phụ huynh 15 ngày trước khi tuyển sinh. TP cũng yêu cầu các trường phối hợp với các xã, phường, thị trấn điều tra số trẻ ở độ tuổi trên địa bàn, phân tuyến tuyển sinh hợp lý. Qua đó đảm bảo đủ chỗ cho HS, tránh tình trạng quá tải ở một số trường. Các trường tuyển sinh theo đúng tuyến đã quy định và tuyệt đối không được tuyển sinh trước thời gian quy định.
Nghe những người có trách nhiệm nói, phụ huynh vẫn còn không ít nghi ngại, thậm chí lo lắng vì thủ tục xây dựng trường lớp thường chậm trễ, khó đáp ứng kịp nhu cầu; mặt khác công tác điều tra trên địa bàn thường bỏ sót diện HS tạm trú. Còn tại TP.HCM chỉ đảm bảo đủ chỗ cho HS thường trú, trong khi chủ trương chung quy định mọi HS đúng độ tuổi đều được vào lớp một, không phân biệt thường trú hay tạm trú. Trong những ngày này, thậm chí cả một vài tháng trước, nhiều phụ huynh đã tìm cách “chạy” cho con vào trường có cơ sở vật chất tốt, sỉ số vừa phải. Tất nhiên cuộc “chạy” phải nhọc nhằn và tốn kém, chưa kể có thể làm nảy sinh tiêu cực trong môi trường GD.
Nói tóm lại, tình trạng quá tải lớp một và nạn “chạy trường” gia tăng là điều khó tránh khỏi; dù biết đây là điều mà cả ngành GD&ĐT và phụ huynh đều không mong muốn. Ngày tuyển sinh đã cận kề, hy vọng các địa phương với nỗ lực cao nhất giải quyết tốt bài toán quá tải của lứa tuổi “heo vàng”!
Lê Đông