Hệ lụy của trào lưu “anh hùng bàn phím“

GD&TĐ - Ngày nay, bao nhiêu anh hùng bàn phím trá hình đang dồn hết sức lực của họ cho những việc làm vô bổ và vô văn hóa? Không ai đếm nổi! Nạn nhân của những trò đùa ác không chỉ là người nổi tiếng mà có thể là bất cứ ai chẳng may bị các anh hùng bàn phím chú ý.

Mạng xã hội ngày càng lan tỏa rộng, nhưng bên cạnh việc mang lại tiện ích cho người sử dụng thì nó cũng trở thành virus xâm hại cuộc sống riêng tư của những nhân vật nổi tiếng.
Mạng xã hội ngày càng lan tỏa rộng, nhưng bên cạnh việc mang lại tiện ích cho người sử dụng thì nó cũng trở thành virus xâm hại cuộc sống riêng tư của những nhân vật nổi tiếng.

Hậu quả nhìn thấy bằng mắt

Có lẽ ai cũng sẽ đau lòng khi bắt gặp những dòng status như thế này: “Tin buồn, chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy vào đã củ tỏi vào hồi 17 giờ 07...” Mặc dù sự việc đã qua khá lâu, “anh hùng bàn phím”, chủ nhân của dòng status kia cũng đã nhận về bài học thích đáng, nhưng dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng vì những biến tướng nguy hại trong đời sống giới trẻ mà kẻ “tiếp tay” là mạng xã hội.

Tưởng như mạng xã hội vô hại với những người đang sử dụng nó, nhưng không! Một bộ phận giới trẻ hiện nay vì mù quáng mà không nhận ra việc lạm dụng tiện ích mạng xã hội đang “ăn bớt” phần lớn cuộc sống của họ.

Khi những anh hùng hợp sức để tạo nên kênh “truyền thông” trá hình, nạn nhân là những người bị họ mang ra cười cợt, nhưng suy cho cùng, những anh hùng bàn phím cũng trở thành nạn nhân của chính họ.

Hậu quả ra sao nếu họ không đầu tư thời gian vàng ngọc của mình cho bộ não, nếu không thường xuyên nạp kiến thức, sau này, khi bước vào đời, những anh hùng bàn phím sẽ nhận được hệ quả gì?

Câu hỏi này thuộc về người làm cha mẹ. Hãy quan tâm nhiều hơn đến đời sống văn hóa của con em mình trước khi nó trở thành sự phiền muộn của xã hội.

Mạng xã hội ngày càng lan tỏa rộng, nhưng bên cạnh việc mang lại tiện ích cho người sử dụng thì nó cũng trở thành virus xâm hại cuộc sống riêng tư của những nhân vật nổi tiếng. Một người có thể lập nhiều tài khoản để tạo ra những trang ủng hộ chị diễn viên này, phản đối anh ca sĩ kia...

Thôi thì đủ các thể loại, tạm gọi là fanpage, lập ra chỉ để các đối tượng nhàn rỗi tán gẫu với nhau là chính, chưa chắc người diễn viên được ủng hộ sẽ lấy làm mừng vì điều này, tên tuổi họ bị lợi dụng để chủ nhân của những fanpage thỏa mãn mục đích câu view và gây sự chú ý.

Những nạn nhân khốn khổ

Tất nhiên, chẳng ai biết những anh hùng bàn phím là ai vì họ trá hình. Ảnh đại diện các fanpage nghiễm nhiên là “thánh” của họ, mà cũng được biến tấu muôn hình vạn trạng. Nếu là fanpage ủng hộ thì “thánh” sẽ được xuất hiện vô cùng lung linh, nhưng chẳng may nếu đó là fanpage chống đối thì người nổi tiếng sẽ xuất hiện vô cùng “dị” bởi hình ảnh của họ được “biên tập” không thương tiếc.

Những fanpage vô bổ như thế này nhan nhản trên mạng, nào là “Ủng hộ chị A và anh B quay lại”; “Không chấp nhận chị A bên người mới”... Nội dung của fanpage cũng được những anh hùng bàn phím cập nhật liên tục để chờ đợi cơn bão “like” từ cộng đồng mạng.

Mỗi dòng status được viết ra, anh hùng bàn phím sẽ cố vặn vẹo để sáng tạo những từ lóng siêu độc đáo nhằm thu hút “độc giả” của mình.

Tiếp đến là những phản hồi cũng độc đáo không kém từ “độc giả”. Cứ như thế, câu chuyện của họ tiếp diễn hết ngày này sang ngày khác và được biến tấu sang nhiều chủ đề khác: đọc truyện kiếm hiệp gì; chơi game gì; gặp nhau ở đâu.... Trong khi đó, mục đích chính là “kêu gọi chị A về với anh B” đã bị bỏ quên một cách... đáng thương!

Chưa dừng ở đó, một khi anh hùng bàn phím phát hiện thấy đối tượng vô tội nào đó nhiều khá năng là “người mới” của anh B thì ngay lập tức “xấn xổ” can thiệp.

Không lạ khi bỗng dưng nhiều người “chẳng liên quan” bị các anh hùng bàn phím đưa lên để chỉ trích, thậm chí phỉ báng, vô cùng thiếu văn hóa!

Nguyên nhân là vì nhân vật này có chút sắc vóc, thỉnh thoảng lại xuất hiện bên thần tượng của các anh hùng bàn phím nên họ thấy nhức mắt, khó chịu và quyết định trả thù bằng cách lập fanpage chống đối. Nói đúng ra, từ “thần tượng” bây giờ có vẻ không hợp mốt, trong mắt người hâm mộ thái quá, thần tượng của họ phải là “thánh”!

Dễ hiểu vì sao người ta thường ác cảm khi giới trẻ suốt ngày bám máy tính. Nếu mục đích tốt như: tìm hiểu văn hóa, kiến thức, học tập và giải trí tích cực thì lại là việc đáng khen, đằng này, giới trẻ sử dụng tính năng của mạng xã hội để kêu gọi, hô hào những cặp đôi nghệ sỹ mới tan vỡ quay trở lại với nhau, phản đối “tình mới” của “nửa kia”... thì đúng là chuyện “giời ơi đất hỡi”, hoàn toàn vô bổ!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.