Hé lộ lối thoát cho khủng hoảng Syria

Hé lộ lối thoát cho khủng hoảng Syria

(GD&TĐ) - Xung đột Syria đang có những diễn biến mới. Sáng kiến chuyển giao toàn bộ vũ khí hóa học Syria cho cộng đồng quốc tế nhằm tránh cuộc tấn công quân sự của Mỹ do Nga đề xuất đã trở thành chủ đề được bàn luận nhiều nhất tại Washington trong ngày thứ Hai (9/9). Mặc dù bày tỏ thái độ hoài nghi về tính khả thi của nó, các quan chức Mỹ cho biết, họ sẽ nghiêm túc xem xét đề nghị của Nga. Theo các nguồn tin, sáng kiến của Nga sẽ được thảo luận ở Nhà Trắng, ở đồi Capitol và rất có thể nó sẽ là yếu tố quyết định việc có tấn công Syria hay không.

Nghiêm túc xem xét 

Ngay sau đề xuất của Moskva và sự đồng thuận nghiêm túc của Damascus trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Syria Walid Muallem tại Moskva hôm 9/9, các đại diện Nhà Trắng bình luận về vấn đề này đã đạt con số kỷ lục.

“Chúng tôi muốn xem xét nghiêm túc đề xuất của Nga. Tất nhiên chúng tôi sẽ thảo luận với người Nga. Chúng tôi hoan nghênh quyết định và hành động chuyển giao vũ khí hóa học của chính quyền Syria”- Tony Blinken- Phó cố vấn phụ trách an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ nói với các phóng viên. Tuy nhiên, ngay sau đó Tony Blinlen đưa ra hàng loạt khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch này.

Theo ông, hơn 20 năm qua cộng đồng quốc tế đã không thuyết phục được Syria tham gia hiệp ước cấm sử dụng vũ khí hóa học. Cũng theo lời Tony Blinken thì Syria là một trong những “kho” vũ khí hóa học lớn nhất thế giới. Vũ khí hóa học nằm rải rác trên khắp đất nước, chính vì vậy cần khoảng thời gian nhất định để có thể thu gom - Tony Blinken nhận định.

Tony Blinken cũng cho rằng Mỹ cần phải tiếp tục tạo áp lực lên chính quyền Syria. Trả lời những câu hỏi của báo giới rằng đề xuất của Nga có thể trì hoãn hành động can thiệp quân sự vào Syria, người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney khẳng định: Không thể. “Trước khi thảo luận với Nga, chúng tôi tiếp tục làm việc với Quốc hội”- Jay Carney nói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho rằng Mỹ không quá phụ thuộc vào sự hợp tác của chính quyền Syria. “Vào thời điểm này chúng tôi thấy hoài nghi (...). Assad bỏ ngoài tai lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế. Cần phải xem xét tất cả những gì ông ta đã làm trong những năm gần đây liên quan đến vũ khí hoá học” - Marie Harf nói.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại London ngày 9/9
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại London ngày 9/9

Đường thoát hiểm  

Ngày 9/9, phát biểu trong cuộc họp báo tại London, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố: Tổng thống Syria Bashar Assad có thể tránh được cuộc tấn công quân sự nếu trong tuần tới chấp nhận cung cấp toàn bộ vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế - Reuters đưa tin.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và giải thích rằng đây không phải là đề xuất của ông. Cũng trong cuộc điện đàm này, John Kerry thông báo với Sergei Lavrov rằng Washington vẫn giữ thái độ nghi ngờ khả năng thực hiện ý tưởng này. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, sáng kiến của Nga không thể là một lý do để trì hoãn những nỗ lực vận động Quốc hội Mỹ thông qua một chiến dịch quân sự chống lại Syria.

Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng và là ứng cử viên sáng giá cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 Hillary Clinton cho rằng đề xuất của Nga là bước đi quan trọng trong việc giải quyết vấn đề nan giải - vũ khí hoá học ở Syria. Phát biểu tại Nhà Trắng trong khuôn khổ diễn đàn bảo vệ động vật hoang dã, Hillary Clinton khẳng định, đề xuất của Nga là bước đi quan trọng nhưng không thể là “cái cớ” để trì hoãn hành động đối với Syria khi bạo lực đang diễn ra ở nước này.

Cuộc tranh luận về đề xuất chuyển giao toàn bộ vũ khí hóa học Syria cho cộng đồng quốc tế nhằm tránh cuộc tấn công quân sự của Mỹ có sự tham gia của “người khổng lồ” trong ngành ngoại giao Mỹ - cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger (90 tuổi). Trả lời phỏng vấn CNN, Kissinger ủng hộ giải pháp tấn công Syria và khẳng định Obama thỉnh cầu Quốc hội Mỹ là sai lầm.

Henry Kissinger khẳng định: “Cuối cùng chúng ta (Mỹ) và Nga đã thiết lập được các mục tiêu chung, bởi chúng ta đang phải đối mặt với các vấn đề như Syria, nơi tôi cho rằng hai nước có cùng nhiệm vụ - đấu tranh với thế giới Hồi giáo cực đoan”.

Điều dễ nhận thấy rằng sáng kiến của Nga là quá rõ ràng. Chẳng phải Washington từng tuyên bố rằng họ tấn công Syria với mục đích ngăn chặn Bashar Assad sử dụng vũ khí hoá học chứ không có ý định lật đổ chế độ này? Nếu vũ khí hoá học ở Syria được chuyển hết cho cộng đồng quốc tế thì Mỹ có cớ gì để tấn công Syria?

Theo các nhà phân tích, quyết định chuyển giao toàn bộ vũ khí hoá học của Syria cho cộng đồng quốc tế để chặn đứng cuộc tấn công quân sự tốn kém và đổ máu của Mỹ là giải pháp tối ưu. Nếu chính quyền Bashar Assad bị lật đổ và vũ khí hoá học ở Syria rơi vào tay các phần tử Hồi giáo cực đoan mà nòng cốt là Al-Qaeda thì hậu quả còn khủng khiếp hơn nhiều. 

Tuy nhiên, không ít các nhà phân tích cho rằng tuyên bố của John Kerry tại London hôm 9/9 đã “hé lộ” một lối thoát an toàn mà giữ được danh dự cho nước Mỹ với tư cách là một siêu cường.

Anh Phương  (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.