Hãy rời khỏi máy tính, mẹ không có ở trên facebook

Thế giới ảo không nuôi sống bạn, mà là người Mẹ tảo tần ngoài kia.

Hãy rời khỏi máy tính, mẹ không có ở trên facebook
Hãy rời khỏi máy tính, mẹ không có ở trên facebook

10 năm trước, lễ Vu Lan, tôi tặng cho Mẹ cuốn sách. Tôi vẫn nhớ đó là cuốn "Con Bim trắng tai đen" của nhà văn Nga Trôieppônxki. Lúc ấy facebook còn chưa thấy ở Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng, nếu ngày ấy, facebook cũng phát triển như bây giờ, liệu tôi có mua tặng Mẹ cuốn sách ấy?

Hay là tôi bận đăng status trên facebook, gõ ra những dòng phím cho Mẹ, mà chẳng bước ra khỏi nhà mua cho Mẹ cái gì đó?

Hàng năm, tôi đều để ý một điều lạ. Trong những ngày như lễ Vu Lan, và hôm nay "Mother’s Day" hay các ngày của Mẹ khác như mồng 8/3, 20/10, thì số lượng status "báo hiếu" tăng chóng mặt theo thời gian.

Điều khiến facebook trở nên hấp dẫn và có sức mê hoặc chính là vì nơi đây trở thành chỗ để tôn vinh cá nhân. Và có lẽ cụm từ mà cư dân mạng sáng tạo ra mang tên: "Thả thính" chính là sự tiến hóa của cái lẽ tôn vinh này.

Hay roi khoi may tinh, me khong co o tren facebook - Anh 2

Theo quan niệm Á Đông, trong trăm cái đức, chữ Hiếu đứng đầu. Do vậy, nhiều người cũng đánh giá một con người qua chính chữ "Hiếu" ấy. Và, nhiều người trẻ đã dùng chính điều đó để thể hiện trên facebook.

Hãy nói với tôi, câu chuyện dưới đây là sự thật hay là tôi chỉ tưởng tượng cho có?

"Cô gái mặc tạp dề và chụp ảnh tự sướng. Chàng trai đeo bao tay, bịt mặt dọn dẹp rồi chụp ảnh tự sướng. Sau đó họ đăng ảnh lên facebook và viết caption: "Giúp mẹ nấu cơm /Dọn dẹp nhà cửa. Cảm thấy mệt tuy nhiên hạnh phúc vì được nội trợ cùng với mẹ".

Trong thời điểm họ chọn ra 1 trong 20 kiểu ảnh tự sướng, thì mẹ vẫn đang làm đồ ăn. Sau đó, họ chụp hình đồ ăn up lên Instagram hoặc Facebook, và caption thứ hai: "Chúc cả nhà ngon miệng, mình và mẹ có khéo tay không?"

Hãy nói với tôi, những cô nàng chàng trai sống ảo. Bạn đã từng thực hiện điều tương tự như trên bao giờ chưa?

Facebook được sinh ra, chính là để làm nơi tiếp nhận thông tin, hòng để bạn không quên ngày đặc biệt này, để bạn ra chợ làm gì đó cho Mẹ, chứ đâu phải để bạn "diễn" với thần dân facebook.

Tôi chú ý: đăng status về chữ Hiếu thì không sai. Nhưng đăng để lấy likes, đăng những câu tình cảm mà không làm gì cho Mẹ, thì đó mới là sai.

Đăng status nói yêu Mẹ làm gì, khi cần ôm Mẹ và thủ thỉ điều ấy? Đăng status nói về Hiếu làm gì, khi cần cho Mẹ một niềm vui? Chỉ khi đã làm điều gì đó cho Mẹ, rồi kể với mọi người, điều này mới được nhân rộng về một chữ Hiếu đẹp.

Hay roi khoi may tinh, me khong co o tren facebook - Anh 3

Còn nếu sáng nhắm mắt ngủ dậy lên nói những điều to tát, chụp ảnh tự sướng rồi viết caption, thì Mẹ già không ở trên facebook để bạn báo hiếu đâu. Hãy nhớ, chúng ta là phận con trong ngày Vu Lan, ngày của Mẹ.

Chúng ta không có nhu cầu kiếm cái gì trong ngày này, mà phải tạo niềm vui cho Mẹ. Những cái like cho status của chúng ta về chữ Hiếu trong ngày này không quan trọng. Nó chỉ giúp bạn vui trước, chứ không giúp mẹ bạn cười trước. Người xứng đáng cười hôm đó phải là mẹ bạn.

Hôm nay, thế giới facebook lại "náo loạn" vì "Ngày của Mẹ". Nhưng bạn có biết sự tích ngày đó được hình thành ra sao không?

Vào những năm đầu tiên của thế kỷ 20, một người phụ nữ đến từ thành phố Grafton, tiểu bang Tây Virginia, Hoa Kỳ, tên là Anna Marie Jarvis sau khi chứng kiến Mẹ mình hy sinh cả cuộc đời để kêu gọi những người mẹ khắp nơi, chăm sóc cho các thương binh của cuộc chiến hai miền Nam Bắc.

Cô đã thề trên mộ mẹ sẽ làm điều gì đó, và rồi trong vòng 7 năm từ 1907 đến 1914 đã nỗ lực không ngừng nghỉ để tạo nên ngày của mẹ mà chúng ta kỷ niệm hôm nay.

Sự tích về ra đời của ngày đó, liệu có đáng để chúng ta suy nghĩ không? Câu trả lời là có, một chữ Hiếu được tạo nên bằng hành động và nỗ lực.

Người trẻ, nếu chưa làm gì cho Mẹ. Hãy rời khỏi máy tính, và gọi điện, nhắn tin (nếu ở xa), hoặc mua gì cho Mẹ (nếu ở gần).

Thế giới ảo không nuôi sống bạn, mà là người Mẹ tảo tần ngoài kia.

Theo Soha/Trí Thức Trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ