Hãy là người bạn tin cậy

Hãy là người bạn tin cậy

(GD&TĐ) - Tư vấn tâm lý học đường vô cùng cần thiết, là nhu cầu không thể thiếu đối với lứa tuổi ô mai, đặc biệt trong bối cảnh xã hội có nhiều biến chuyển như ngày nay. Không ít vấn đề tâm lý học trò gặp phải cũng khiến những nhà tâm lý phải “giật mình”. Không trở thành người bạn tin cậy của học sinh, tư vấn tâm lý học đường không thể phát huy tốt vai trò của mình. 

Trợ giúp tuổi ô mai

Những câu chuyện từ phòng tham vấn học đường tại hai trường THPT Trần Hưng Đạo và THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho thấy nếu học sinh nhận được tham vấn cần thiết sẽ tránh được nhiều nguy cơ phạm tội, tiêu cực, vấp ngã... Thậm chí sau khi được tham vấn các em có thể tự giải quyết được vấn đề của mình một cách tương đối triệt để, có thể giải quyết được những vấn đề tương tự nếu có nảy sinh. 

N.N.B – một học sinh THPT tâm sự: Khi em và bạn trai của mình chia tay do bạn ấy chơi với một bạn ở trường khác, em cảm thấy rất tuyệt vọng và chán tất cả mọi thứ. Sau khi gặp và tâm sự với các thầy cô trong phòng tham vấn em cảm thấy được an ủi nhiều. Bây giờ thì em nghĩ rằng người bạn như vậy không đáng để mình phải buồn.

Các trò chơi dân gian giúp học sinh giải tỏa căng thẳng sau giờ học
Các trò chơi dân gian giúp học sinh giải tỏa căng thẳng sau giờ học

Trường hợp, V.P.L học sinh lớp 11 lại khác. L đã có một bạn trai từ năm lớp 10. Nhưng vào đầu năm lớp 11 bạn trai này quan hệ với một bạn gái ở trường khác. L cảm thấy mình bị phản bội. L trở nên oán giận và thù ghét người bạn trai của mình. L có nguy cơ có hành vi phạm pháp khi nung nấu ý định thuê côn đồ trả thù người bạn trai của mình cho hả giận. Khi được thầy cô tham vấn, em đã hiểu được những sai lầm của mình cũng như những khả năng xấu sẽ đến nếu tiếp tục theo dự định của mình. Từ đó em trở lại trạng thái cân bằng, cảm thấy tự tin, vui vẻ, với bạn bè và từ bỏ ý định trả thù người bạn của mình. 

Trường hợp khác, N.T.H học sinh lớp 10 là con trai duy nhất trong gia đình. Mẹ H lấy bố em nhưng không hề biết bố H đã có một người vợ khác quê ở Thái Bình. Sau khi H được 2 tuổi mẹ mới phát hiện ra sự thật và quyết định chia tay với bố H Hiện nay mẹ H ở nhà trông xe cho khu tập thể tuy nhiên kinh tế gia đình vẫn thuộc mức khá giả vì được các cậu quan tâm lo lắng cho hai mẹ con. 

Học kỳ 1 lớp 10, H có học lực đạt mức khá giỏi, nhưng đến học kỳ hai sức học giảm xuống loại yếu. H rất thích chơi điện tử. Em thường tụ tập bạn bè hay gây rối trong lớp làm ảnh hưởng đến kết quả chung của lớp, trường. Ban giám hiệu đã phải gọi điện về nhà để nhắc nhở những vi phạm của em nhiều lần và H phải nhận quyết định chuyển trường. Khi cán bộ tư vấn đến tận nhà để tiếp xúc với H và gia đình, tìm hiểu những suy nghĩ, cảm xúc của H sau khi bị chuyển trường, dự định trong tương lai của H, các cán bộ tư vấn đã trao đổi và giúp H nhìn nhận lại một cách đúng đắn nguyên nhân dẫn đến việc em bị chuyển trường để từ đó biết chấp nhận thực tại và đề ra được những chiến lược giải quyết khó khăn của bản thân. Sau thời gian tiếp xúc với cán bộ tư vấn, H đã có nhiều biểu hiện tiến bộ, tách khỏi các bạn xấu, hàng ngày ở nhà giúp mẹ công việc. Trong học tập em cũng có nhiều tiến bộ, có quyết tâm học tốt để thi đỗ vào một trường đại học...

Trường hợp của N.N.L - một học sinh trường THCS Nguyễn Tất Thành cũng cho thấy hiệu quả cao của tư vấn học đường. Học lớp 8, L lớn lên trong một gia đình không hòa thuận, cha mẹ ly dị từ khi L còn nhỏ. Cả cha lẫn mẹ của L đều đã có gia đình và có con riêng. L sống với ông bà ngoại. Dù được ông bà thương yêu nhưng L luôn cảm thấy thiếu thốn tình cảm của cha mẹ. Khi đến lớp em luôn thu mình, không thể hòa nhập được với bạn bè, kết quả học tập kém. Khi được các thầy cô tham vấn giúp đỡ, em đã tiến bộ, vui vẻ, lạc quan, hòa nhập được với các bạn trong lớp. 

Hãy thực sự là bạn của học sinh

Hiệu quả, tác dụng của tham vấn học đường mang lại cho học trò là vô cùng lớn và cần thiết. Tuy vậy, để tư vấn học đường thực sự mang sứ mệnh là người bạn tin cậy của lứa tuổi học trò và phát huy được vai trò là cầu nối giữa các lực lượng giáo dục... không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của các cán bộ phòng tư vấn mà các nhà trường cần mạnh dạn đưa vào thử nghiệm nhiều hình thức tham vấn mới. Các hình thức tham vấn cần hướng tới mục đích tiếp cận được gần hơn với học sinh, trợ giúp các em tốt hơn, thỏa mãn được nhu cầu tham vấn của các em. Các tham vấn có thể triển khai như tham vấn trực tiếp (tham vấn nhóm, tham vấn sâu, tham vấn theo chủ đề), tham vấn qua thư, tham vấn qua điện thoại... để tránh tình trạng quá tải tham vấn bởi hầu như trường học nào cũng có sĩ số hàng ngàn học sinh nhưng chỉ có 1-2 tư vấn viên. 

Hãy là người bạn tin cậy ảnh 2
Học sinh cần được chia sẻ, tư vấn khi gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống, học tập
TS Nguyễn Tùng Lâm - Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhìn nhận: Đối với các nước phát triển thì ở trường học người ta lập ra hẳn một phòng tâm lý học đường để giải quyết sớm các vấn đề khúc mắc. Ở Việt Nam, điều này khó thực hiện hiện được ngay nên trong thời gian tới, ngành giáo dục cần phải quan tâm đến việc bổ trợ thêm giáo viên về kiến thức tâm lý để hiểu các em hơn.

Các cán bộ làm công tác tư vấn cũng cho biết, thực tế nhiều học sinh khi có nhu cầu tư vấn tâm lý nhưng chờ không đến lượt đã phải bỏ cuộc. Nhiều trường hợp không có phòng tư vấn riêng mà kết hợp ngay cùng phòng làm việc của ban giám hiệu để tư vấn cho học sinh cũng khiến học sinh chẳng dám tìm đến vì tâm lý ngại, ngượng gặp thầy cô giáo. Chính vì vậy, nhiều trường có văn phòng tư vấn hoạt động cũng như không. 

Mỗi hình thức tư vấn cũng có những tác dụng riêng. Nếu tư vấn trực tiếp trợ giúp được cho học sinh một cách cụ thể mà vẫn đảm bảo tính riêng tư... thì tư vấn gián tiếp cũng được học sinh thích thú. Những đường dây nóng, những hòm thư qua mạng... sẽ khuyến khích được học sinh chia sẻ những thắc mắc, tâm sự thầm kín nhất mà không hề ngượng ngại. Tâm lý các em cũng cảm thấy thoải mái hơn khi vấn đề của mình được chia sẻ nhưng danh tính vẫn được giữ bí mật.  

Mặc khác, tâm lý e dè của học sinh khi đến với phòng tham vấn học đường cũng là một trong những thách thức đặt ra cho các nhà tham vấn. Vì vậy, để  giải quyết vấn đề này cần tìm kiếm hình thức tham vấn phù hợp, thay đổi nhận thức, rút ngắn khoảng cách tâm lý giữa nhà tham vấn và học sinh, tích cực tuyên truyền, phổ biến về các loại hình tham vấn... nhằm làm cho học sinh cảm nhận được phòng tham vấn học đường là người bạn gần gũi và tin cậy của học trò.

Hà Linh Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ