Câu chuyện kể về Julia - một phụ nữ sống trong trang trại với hai con nhỏ: Jedd (5 tuổi) và Jacob (1 tuổi). Mỗi sáng Julia phải buộc Jacob vào lưng để đi ra chuồng gà lấy trứng, Jedd cũng đi theo. Cậu bé lang thang nghịch ngợm mọi thứ, đuổi gà, chạm vào trứng tươi, thậm chí có lần bị mẹ bắt gặp đang nhai thứ gì đó vừa nhặt lên từ mặt đất. Tất nhiên, Julia sẽ không cho cậu tiếp tục ăn. Nhưng sau đó, cô nhận ra rằng: Jedd không hề bị bệnh khi nô đùa với gà và tiếp tục để cậu thoải mái nghịch bẩn. Liệu rằng: Julia có phải là bà mẹ vô trách nhiệm?
Trong nhiều thế kỷ qua, vi khuẩn luôn bị coi là xấu bởi thường gây bệnh, dịch bệnh, thậm chí có thể trở thành nguyên nhân gây chất người. Vì vậy, nhân loại liên tục tìm cách chống lại chúng bằng nhiều loại thuốc như kháng sinh, vaccine hay chất khử trùng để tiêu diệt triệt để hoặc ít nhất cũng làm giảm số lượng hay mức độ nghiêm trọng của các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây ra. Tình trạng chết vì vi khuẩn đã giảm mạnh ở các nước phương Tây. Tuổi thọ của người dân Mỹ đã tăng khoảng 30 năm kể từ năm 1915, phần lớn vì thành công chống lại các căn bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên, sự tiến bộ của y học luôn phải trả giá. Trong khi công cuộc chống lại vi khuẩn thành công, thì các căn bệnh mãn tính khác lại gia tăng mạnh ở các nước phát triển như: tiểu đường, dị ứng, hen suyễn, viêm ruột, bệnh tự miễn, bệnh tự kỷ, béo phì và một số loại ung thư đang ở mức cao. Tỷ lệ người mắc chứng bệnh này đã tăng gấp đôi sau 10 năm và đang có xu hướng trẻ hóa, thậm chí ngay từ thời thơ ấu.
Các căn bệnh trên đã trở thành đại dịch. Nguyên nhân được cho là có sự liên kết giữa việc xuất hiện và vắng mặt của một số loại vi khuẩn nhất định. Nghiên cứu năm 2015 được đăng tải trên tạp chí Science Translational Medicine cho thấy: trẻ 3 tháng tuổi có 4 loại vi khuẩn ở trong phân, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn. Nhưng hiện tình trạng thiếu vắng những loại vi khuẩn này ở trẻ sơ sinh đã tăng mạnh.
Ngoài ra, trong phòng thí nghiệm, những con chuột béo phì đã giảm cân sau khi nhận được những vi khuẩn đường ruột từ những con chuột gầy. Điều đó có nghĩa là thay đổi vi khuẩn trong đường ruột có thể kiểm soát bệnh tật.
Hơn thế, sức khỏe của con người còn phụ thuộc vào mức độ duy trì tính cộng đồng và đa dạng của vi sinh vật trong cơ thể. Trong những tháng đầu đời, vi khuẩn trong cơ thể ít đáng kể. Bất kỳ sự thay đổi mạnh mẽ nào cũng có thể tạo ra sự thay đổi vĩnh viễn mức độ vi khuẩn trong cơ thể và sức khỏe lâu dài.
Hầu hết vi khuẩn sẽ “dạy” tế bào cách miễn dịch. Số khác sẽ tạo ra kháng cự mạnh mẽ, chống lại những mầm bệnh. Bên cạnh đó, chức năng cơ bản của vi khuẩn là hỗ trợ điều tiết quá trình trao đổi chất. Cũng giống như các động vật khác, con người có năng lượng nhờ thức ăn được hệ tiêu hóa tiêu thụ và hấp thu.
Ngoài việc giúp tiêu hóa một số loại thức ăn mà ruột không thể làm được, vi khuẩn có thể sản xuất ra các hợp chất giúp cơ thể xác định cách sử dụng hoặc lưu trữ năng lượng trong cơ thể. Vì vậy, vi khuẩn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển hệ thần kinh và sức khỏe mạch máu.
Y học hiện đại coi hệ vi sinh vật trong cơ thể như “cơ quan mới”. Tuy nhiên, quan điểm này vẫn còn rất mới. Nhưng rõ ràng vi khuẩn có tác động mạnh đến sức khỏe con người. Các bệnh viêm nhiễm (như hen suyễn, dị ứng và bệnh viêm ruột) và các bệnh liên quan đến tiêu hóa (như bệnh béo phì và tiểu đường) thường do sự thay đổi trong hệ thống miễn dịch và khả năng điều tiết trao đổi chất, chịu ảnh hưởng từ vi khuẩn.
Hiểu được vai trò của vi khuẩn trong việc giúp trẻ nhỏ khỏe mạnh, các nhà khoa học khẳng định: chưa bao giờ trong lịch sử loài người, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được lớn lên trong sự sạch sẽ. Trong khi đó, chế độ ăn của con người đã mất đi rất nhiều yếu tố quan trọng, giúp cải thiện sức khỏe ruột, tạo điều kiện cho vi khuẩn xấu tấn công. Thậm chí, nhiều loại xà phòng kháng khuẩn đang rất phổ biến. Vì vậy, đôi khi bẩn lại có lợi cho sức khỏe.
Thực tế , trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi thường không được phép chơi ở những nơi bụi bẩn, đất cát. Nếu có, chúng sẽ được lau sạch ngay lập tức hoặc bị la: “Đừng có sờ vào đó, bẩn đấy”… Chính những thói quen này đã ngăn chặn trẻ nhỏ tiếp xúc với vi sinh vật, điều cần thiết cho sự phát triển hệ miễn dịch khỏe mạnh. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều chất béo, đường… thường liên quan đến các bệnh béo phì hoặc tiểu đường loại 2.
Một nghiên cứu năm 2010 đăng trên Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học đã so sánh hệ vi sinh vật của trẻ em sống ở vùng nông thôn Burkina Faso ở Tây Phi và trẻ em thành thị ở Italy. Chế độ ăn của trẻ nhỏ châu Phi có nhiều chất xơ từ rau, ngũ cốc và các loại đậu, không có thực phẩm chế biến. Trong khi đó, trẻ nhỏ ở thành phố ăn nhiều đường, mỡ động vật và ngũ cốc tinh chế. Kết quả: vi sinh vật trong đường ruột của trẻ nhỏ Burkina Faso rất khác và đa dạng hơn những đứa trẻ người Ý.
Điều này không có nghĩa là những đứa trẻ nông thôn có lối sống lành mạnh hơn trẻ em thành thị. Chúng giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính mà được coi là đại dịch của các nước phương Tây. Tuy nhiên, trẻ nhỏ Burkina Faso lại phải đối mặt với nguy cơ bị suy dinh dưỡng nặng.
Vì vậy, một thế giới lý tưởng là trẻ em cần được nuôi dưỡng trong cộng đồng phong phú và đa dạng vi khuẩn, không có sự đe dọa của các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng. Nhưng để làm được điều đó rất khó. Bởi hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra kết luận chính xác về cách mà vi khuẩn phản ứng với chế độ ăn uống.
Hơn nữa, những bậc làm cha mẹ bình thường không thể tự phân biệt những vi khuẩn tốt hay xấu xung quanh môi trường sống. Vì vậy, khó có thể tùy tiện để trẻ nhỏ nghịch bẩn mọi chỗ. Bởi vi khuẩn như con dao hai lưỡi: có thể cải thiện hệ miễn dịch của trẻ, nhưng cũng có thể khiến chúng bị nhiễm bệnh.
Dẫu vậy, bổ sung vi khuẩn có lợi cho ruột bằng phương pháp ăn uống cũng là biện pháp giúp trẻ nhỏ khỏe mạnh. Ví như những thực phẩm giàu protein, nhiều chất xơ như đậu lăng, đậu Hà Lan có thể dễ dàng nghiền cho trẻ sơ sinh ăn. Cố gắng cho chúng ăn những chất như khoai lang, sắn thay vì chỉ gắn bó với rau. Các thực phẩm lên men cũng khá tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ như sữa chua.
Như vậy, để con trẻ khỏe mạnh không nhất thiết phải lựa chọn kháng sinh, loại thuốc tiêu diệt vi khuẩn xấu và tốt bừa bãi. Bởi nhiều nghiên cứu phát hiện có sự liên kết giữa việc sử dụng kháng sinh trong thời thơ ấu với các vấn đề sức khỏe như béo phì, tiểu đường, hen suyễn, dị ứng, bệnh tự kỷ và bệnh viêm ruột.