Hậu trường chuyện chụp ảnh tại World Cup thời hi-tech

Những công nghệ đầy sức mạnh khiến cho công việc của những tay máy kỳ cựu nhẹ đi rất nhiều.

Hậu trường chuyện chụp ảnh tại World Cup thời hi-tech
FIFA World Cup 2014, Getty Image

Richard Heathcote - Nhiếp ảnh gia của trang Getty Images - đang có mặt tại Brazil để tác nghiệp tại kỳ World Cup thứ 4 trong sự nghiệp.

Trong hành trang của ông là 3 con máy Canon 1DX (kèm ống kính), laptop, ít nhất 6 cục pin và 6 thẻ nhớ, Heathcote đã sẵn sàng để chớp lấy những khoảnh khắc quan trọng nhất trong ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, ít nhất là những khoảnh khắc liên quan đến Đội tuyển Anh mà ông được phân công theo sát.

Cùng với 9 nhiếp ảnh gia khác của Getty Images, Heathcote sẽ phải chụp khoảng 15.000 bức hình mỗi tuần trong suốt giải đấu kéo dài một tháng này. 

Về cơ bản, công việc của họ không khác nhiều so với kỳ World Cup đầu tiên của Heathcote (Pháp 1998): Mang thật nhiều máy ảnh đến các trận đấu và chụp nhiều nhất có thể. Nhưng quy trình xử lý, truyền ảnh và xuất bản ảnh tới các fan trên khắp thế giới thì hoàn toàn thay đổi theo thời gian. 

Sự tiến bộ của công nghệ đã khiến cho việc chụp ảnh trong những sự kiện thể thao trở nên dễ dàng hơn nhiều. Các nhiếp ảnh gia thể thao chuyên nghiệp như Heathcote ít tay xách nách mang lỉnh kỉnh hơn hẳn so với các đồng nghiệp tiền nhiệm, nhờ vào những tiến bộ của mạng, của bản thân thiết bị cũng như của những công nghệ phát sóng - xuất bản.

Suốt 17 năm qua, Heathcote đã tham dự 4 kỳ Olympics, 3 kỳ vô địch bóng đá châu Âu, một giải World Cup bóng bầu dục và nhiều giải golf lớn, cùng với 4 kỳ World Cup như đã nói đến ở trên. 

Ông nổi tiếng vì đã tham gia phát triển một hệ thống camera robot có khả năng chụp được những khuôn hình mà nhiếp ảnh gia người thật không thể nào làm được - chẳng hạn như từ đằng sau lưới khung thành. 

Nhưng nếu như được hỏi điều gì đã thay đổi nhiều nhất, Heathcote sẽ không ngần ngại trả lời rằng đó chính là tốc độ.

Bên đường pitch, Heathcoat sẽ nhấc con máy 1DX và ống kính 400 mm hàng khủng của mình lên, ngắm và chụp. Bạn nghĩ rằng ông sẽ rất mất thời gian chọn được bức ảnh ưng ý để gửi về tòa soạn trong lúc đang làm việc ư? Không, ông ấy không hề phải làm vậy.

Thay vào đó, Heathcote sẽ đấu từng chiếc máy ảnh một của mình với mạng Ethernet. Mỗi bức ảnh sau khi được chụp sẽ ngay lập tức được truyền qua kết nối cáp quang bằng tốc độ Gigabit/giây về một căn phòng chật kín các biên tập viên ảnh ở Rio De Janeiro. 

Hệ thống mạng cáp quang này phủ sóng đến tất cả các sân vận động tổ chức World Cup năm nay, đảm bảo rằng các biên tập viên không bỏ sót bất cứ trận đấu nào. 

Ngồi trong phòng, họ sẽ lựa chọn những bức hình mình thích, nhanh chóng viết thêm lời dẫn rồi gửi chúng về cho các tòa báo, website hoặc khách hàng trả tiền mua ảnh từ Getty Images. 

Toàn bộ quá trình từ lúc nhấn nút chụp cho đến ảnh cập bến hòm thư khách hàng chỉ mất đúng 3 phút, Getty tuyên bố.

Ở 2 kỳ World Cup trước, quy trình diễn ra chậm hơn rất nhiều, Heathcote nhớ lại. "Bạn phải lấy thẻ nhớ ra khỏi máy, tải về laptop, sau đó sử dụng mạng ở sân vận động để gửi mail về cho biên tập viên, người cũng phải ngồi ở sân vận động. Sau đó, biên tập viên sẽ gửi ảnh đi. Quy trình ngày nay cắt bỏ được rất nhiều khâu".

Tuy nhiên, sự thay đổi từ thẻ nhớ thành kết nối trực tiếp cũng chẳng là gì nếu so sánh với quy trình chụp - gửi ảnh của World Cup 1998 tại Pháp. 

Khi ấy, máy ảnh số chỉ vừa mới được sử dụng để chụp các trận đấu và chất lượng ảnh chụp ra không thể chấp nhận được với hầu hết các ấn phẩm in.

Điều đó đồng nghĩa với việc các nhiếp ảnh gia vẫn phải sử dụng máy ảnh phim rồi xử lý bằng tay ngay tại trận đấu. "Tại Pháp, tôi có máy ảnh, laptop và một máy quét film với kích cỡ bằng cái ba lô. Ngoài ra, tôi còn phải mang theo vali, bên trong là một bộ công cụ xử lý phim di động" - Heathcote nhớ lại.

Sau khi chụp, nhiếp ảnh gia sẽ phải dùng tay tháo phim ra. Hoặc họ sẽ phải cho phim vào túi và xử lý bằng máy Fuji tại chỗ rồi quay lại lấy ảnh vào cuối trận đấu, hoặc phải cất nó vào một chiếc rúi rời để giao cho các kỹ thuật viên xử lý. 

Tại kỳ World Cup năm ấy, Heathcoat vừa phải đảm nhận công việc của nhiếp ảnh gia lẫn kỹ thuật viên. "Có một khu vực đặc biệt nơi chúng tôi căng phim lên mặt trống, xử lý hóa chất, sấy khô phim, chọn phim âm bản rồi quét".

Hiển nhiên, từng ấy công đoạn thì không thể nhanh được. Bức ảnh chụp pha ghi bàn của David Beckham trong trận Anh gặp Colombia được lấy phim ra ít nhất 10 phút sau bàn thắng và mất thêm 15 phút để xử lý - sấy khô. 

Heathcote cần thêm khoảng nửa tiếng nữa để soi qua các tấm âm bản và chọn ra bức ảnh ưng ý nhất để đem scan. Đó là chưa kể khoảng thời gian cần thiết để gửi một bức ảnh như vậy qua một kết nối dial-up về cho biên tập viên.

Và do chi phí chụp ảnh số rẻ hơn nhiều so với máy ảnh phim, trung bình mỗi trận đấu World Cup, Heathcote sẽ chụp khoảng 1000-1500 bức ảnh, nhiều gấp đôi so với số lượng 600 - 700 ảnh nếu chụp bằng máy phim.

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ