“Hậu trường” cho giờ Giáo dục công dân hấp dẫn

GD&TĐ - Sự chuẩn bị công phu, phương pháp giảng dạy mới mẻ, cô Trần Thị Hồng - Giáo viên Trường THPT Đông sơn 1 (Thanh Hóa) đã biến giờ Giáo dục công dân trở nên hấp dẫn, lôi cuốn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sử dụng những hình ảnh trực quan sinh động

Với phương pháp này, cô Hồng cho biết, giáo viên cần nghiên cứu kỹ nội dung bài dạy và các sách hướng dẫn giảng dạy. Cùng với đó, chuẩn bị những hình ảnh trực quan phù hợp với nội dung.

Hình ảnh có thể sưu tầm từ internet, báo chí, hoặc giáo viên có thể tự chụp về cuộc sống đời thường.

Để trình diễn các hình ảnh này, giáo viên phải nắm chắc kỹ thuật trình diễn. Khi trình diễn, giáo viên nên kết hợp với các câu hỏi kèm theo để học sinh vừa quan sát vừa suy nghĩ tìm tòi kiến thức ẩn chứa trong đó.

Giáo viên phải dành một khoảng thời gian nhất định để học sinh cả lớp có thể tiếp cận được với các hình ảnh trực quan.

Khi học sinh trả lời câu hỏi, hãy tỏ ra hài lòng với các câu trả lời và luôn luôn khen ngợi câu trả lời đúng, học sinh sẽ cảm thấy tự tin hơn 

Nếu câu trả lời sai, giáo viên nên nêu ra lý do tại sao lại sai (mà không vứt bỏ câu trả lời này), sau đó đặt câu hỏi khác để đưa học sinh trở lại đúng hướng.

“Với cách này, giáo viên phải biết thu về những hình ảnh trực quan đúng lúc và biết kết luận về hình ảnh đã đưa ra, thống nhất lại nội dung. Đây là giai đoạn cuối rất quan trọng để học sinh căn cứ vào đó điều chỉnh, bổ sung thêm kiến thức mà mình đã suy nghĩ” - cô Hồng cho biết.

Kể những câu chuyện gần gũi trong cuộc sống

Với phương pháp này, bên cạnh nghiên cứu kỹ nội dung bài dạy, giáo viên chuẩn bị sẵn sàng câu chuyện mà mình sẽ kể.

Những câu chuyện minh họa cho bài giảng pháp luật rất nhiều. Giáo viên có thể sưu tầm trên mạng, trên sách báo, hoặc cũng có thể là những chuyện giáo viên được chứng kiến trong trường lớp, trong cuộc sống.

Qua những câu chuyện đã kể, giáo viên phải biết cùng học sinh nhận xét, chốt lại vấn đề đó chính là những nội dung bài học mà giáo viên cần chuyền tải đến học sinh.

Phương pháp xử lý tình huống kết hợp với tiểu phẩm

Theo cô Hồng, đây là một phương pháp yêu cầu nhiều thời gian và công sức của cả giáo viên lẫn học sinh, nhưng nếu chuẩn bị tốt thì hiệu quả của phương pháp này rất cao, gây được hứng thú cao độ. Bởi học sinh lớp 12 rất thích được trình diễn, được tự khẳng định mình.

Đây cũng có thể gọi là phương pháp “ sân khấu” hóa giờ học, trong đó học sinh hóa vai vào các nhân vật trong một tình huống cụ thể. Tình huống ở đây là một kịch bản nhỏ do giáo viên hoặc chính học sinh soạn sẵn.

Giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị một giáo án thật tốt. Phải nghiên cứu kỹ nội dung để lựa chọn những tình huống có thể xây dựng được một kịch bản nhỏ.

Kịch bản này, theo cô Hồng, giáo viên nên phác thảo ý tưởng và phần mở đầu, phần còn lại nên để học sinh tự thảo luận trong nhóm và xây dựng tiếp, có như vậy mới phát huy được cao độ óc sáng tạo và tính tự khẳng định mình của học sinh.

Xử lý tình huống và diễn tiểu phẩm, giáo viên cung cấp các thông tin để học sinh hiểu nội dung của tình huống và chia lớp thành 2 nhóm để các em tự diễn theo sáng tạo của mỗi nhóm.

Sau khi các tổ diễn xuất để xử lý tình huống xong, giáo viên phải tổ chức cho lớp thảo luận nhanh và đánh giá cách giải quyết tình huống mà học sinh đã thực hiện.

Cuối cùng học sinh phải hiểu được nội dung của bài học thông qua tiểu phẩm một cách rõ ràng, tường tận. Các em sẽ có niềm vui của sự tự mình khám phá, tự mình thể hiện.

Những phương pháp nói trên đã được cô Hồng thực nghiệm trong lớp học mình phụ trách giảng dạy và kết quả thu về khả quan.

Học sinh học tập với không khí sôi nổi, hào hứng, tình trạng chán học, thụ động không còn nhiều. Kết quả học tập từ đó tốt hơn.

“Tính hiệu quả không chỉ thể hiện ở kết quả điểm số các bài kiểm tra cao hơn mà còn thể hiện ở việc người học dễ dàng nắm vững kiến thức đã được học, khắc sâu kiến thức trong trí nhớ vì những kiến thức này chủ yếu là do người học đã tích cực, chủ động, sáng tạo, và có hứng thú trong quá trình học tập.

Vận dụng một số phương pháp tạo hứng thú vào giảng dạy còn giúp học sinh rèn luyện được một số kỹ năng sống cơ bản như hợp tác, làm việc theo nhóm, thể hiện quan điểm ... từ đó người học có thái độ yêu mến, thích học môn Giáo dục công dân” – cô Hồng nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ