Hậu phương lớn của nữ cán bộ giáo dục thành công

Hậu phương lớn của nữ cán bộ giáo dục thành công

(GD&TĐ) - Tâm sự cùng các chị, tôi không ngờ mình có thể thấm thía đến thế nỗi niềm không biết tỏ cùng ai của những người phụ nữ làm công tác quản lý. Ở đó, để thỏa mãn đam mê với công việc trồng người, các chị phải hy sinh rất nhiều, cùng với áp lực công việc là sự chênh vênh trong hạnh phúc gia đình. Câu chuyện, với các chị như một lời tri ân với người bạn trăm năm. “Không có anh ấy, chúng tôi không thể có được ngày hôm nay, không thể tiếp tục lo cho trường, cho lớp”...

Dạy học trên xã đảo thuộc huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng)
Dạy học trên xã đảo thuộc huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng)
 

Phụ tá... không lương

Cô Hoàng Thị Thuận, Trường tiểu học Sùng Đô tâm sự: Sau 10 năm công tác tại Bình Thuận (Yên Bái), tôi tình nguyện đi tăng cường trường vùng cao trong huyện, lúc đó chưa là quản lý và con cũng mới 7 tháng tuổi. Chủ nhật nào, ông chồng cũng nghỉ làm mộc, đưa vợ, con lên trường.

Đường lên trường lúc đó thật gian nan. Đường dành cho người đi bộ và ngựa, những anh đá hộc đứng làm chỗ bước cho người đi bộ khi trời mưa, cạnh đó là vết chân ngựa sâu hoắm, xe máy len lách đi qua không quệt gầm mới lạ. Hai mẹ con tôi ngồi đằng sau chỉ biết bám chặt vào người lái.

Đi qua làng người Mông, có một đoạn đường mà vợ chồng tôi đặt tên là “Bãi trâu”. Vì bọn trâu này có sự thống nhất nghiêm ngặt, đoạn nào con đầu đàn chọn làm khu vực vệ sinh thì cả đàn đều tuân thủ đúng chỗ đó để “vệ sinh đúng nơi quy định”. Trời mưa, đi qua đây tôi rất sợ vì đường lầy lội, đen lỏng như bùn. Thế là, hai mẹ con cứ ngồi trên xe để ông bố tha hồ rú ga, dùng hai chân đẩy xe cho qua chỗ bẩn. Khi lên đến điểm trường thì phân trâu bắn lên tận cổ áo. Những lần đường trơn quá cả nhà đều bị ngã, nhưng rất may là chỉ bẩn quần áo thôi. Những pha như thế chồng tôi nói là “ngã đẹp”.

Đoạn qua suối, nếu trời mưa, ông xã để thằng bé ôm cổ bố rồi cõng mẹ qua suối. Mới đầu đồng nghiệp và người xung quanh cười, mãi rồi họ cũng quen. Sau khi đưa hai mẹ con tôi sang suối an toàn, ông xã quay trở lại khiêng xe giúp các bạn đồng nghiệp khác vì họ không được chồng giúp như tôi.

Mỗi buổi sáng, ông xã tôi thường dậy sớm hơn hai mẹ con, nấu nướng rồi gọi luôn cả mấy chị em dậy ăn sáng để còn đi lớp. Rồi hai bố con đưa nhau vào bản kiếm rau, kiếm củi về cho bữa cơm trưa, chiều lại đưa nhau đi chơi để tôi soạn bài. Lúc đó đâu đã có khái niệm soạn bài trên máy tính.

Mùa đông đến, trời sương mù bay vào nhà, trong nhà ướt như ngoài sân, quần áo tã lót của thằng cu phơi mãi chẳng khô, ông xã nhà tôi lại đốt một đống củi để hong. Nhưng vì đốt lửa to quá nên quần áo của con vàng khè, toàn mùi khói.

Cuộc sống cứ như vậy từ từ trôi qua, chẳng có bạn bè đến thăm, chẳng có ti vi. Bất chợt, ai nhìn thấy bóng áo trắng nhỏ xíu đi vắt ngang qua núi thì mừng lắm, chắc là cán bộ huyện hay Ban giám hiệu của trường sang thăm mình đấy!

Thế mới nói, những cô giáo vùng cao như chúng tôi mà không có chồng, có cha mẹ chồng, cha mẹ đẻ thì chắc chắn không thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong những năm tôi trực tiếp đứng lớp, mỗi lần đi vận động học sinh đều là cả hai vợ chồng cùng đi. Vì muốn gặp được phụ huynh thì chỉ có buổi tối họ mới từ nương trở về nhà.

Đứng lớp giữ trò trên mảnh đất Mèo Vạc (Hà Giang)
Đứng lớp giữ trò trên mảnh đất Mèo Vạc (Hà Giang)
 

Quá bận rộn, tôi từng bị chồng đuổi khỏi nhà

Là Phó hiệu trưởng một trường vùng cao với nhiều điểm lẻ, có nhiều điểm tôi không thể đi xe máy đến được, có điểm phải đi bộ hàng nửa ngày, tôi đều phải nhờ ông xã đưa đi. Dù đang bận công việc chồng tôi không bao giờ từ chối.

Nếu mọi người có hỏi, chồng tôi nói: “Không đưa vợ đi, để vợ bị ngã về lại phải phục vụ thì còn mệt hơn. Đằng nào cũng đến tay mình”.

Từ cán bộ đến giáo viên vùng cao chúng tôi đều phải ra khỏi nhà từ 6 giờ sáng. Nếu dạy chiều thì hơn 6 giờ tối mới trở về nhà, lúc ấy con cái đã được tắm rửa, cơm nước đã tinh tươm. Đều nhờ vào ông chồng hoặc ông bà nội ngoại. Nhiệm vụ của tôi sau một ngày ở trường về là ăn uống xong rồi dạy bọn trẻ. Vì tôi kèm cho con, tiện giúp con của một số đồng nghiệp tin cậy gửi gắm; giúp các cháu giải toán mạng, toán nâng cao, giải quyết vướng mắc ở trên lớp.

Công việc gia đình thì tôi thực sự không thể đảm đang chu đáo. Có những thời điểm liên tục phải đi tập huấn theo chương trình Dự án “Save the Children”. Một lần, từ Hà Nội về đã rất mệt vì say xe, chào chồng không thèm trả lời, tôi biết là có chuyện.

Đúng như dự đoán, đến tối, ông chồng thân yêu đã đuổi tôi ra khỏi nhà, còn dọa nếu tôi không đi sẽ đốt nhà. Vậy là tôi đành phải lên trên cổng, kê dép, ngồi bó gối đến đêm.

Chắc không thể ngủ được, chồng tôi vào nhờ mẹ lên gọi tôi về. Nghe mẹ nói: “Mày đuổi nó đi thì kệ nó, lo làm gì”, ông chồng lại lên giường ngủ tiếp, nhưng một lúc sau lại thấy bật đèn dậy hút thuốc lào. Hai, ba lần như thế, có thể cũng thấy xót vợ nên quyết định lên cổng gọi: “Thôi, cô cứ về nhà mà ngủ, kẻo mai lại nói rằng nhà tôi đày đọa cô. Riêng cô, ngày mai tôi sẽ làm thủ tục ly dị, vì cô chỉ thích đi, không nghĩ gĩ đến con cái, gia đình”.

Chỉ đợi có thế, tôi về ngay, tối đó thì thầm với chồng rằng: “Em cũng chẳng muốn đi, em cũng mệt, cũng nhớ con, nhớ anh nhưng vì dở theo nội dung chuyên môn nâng cao chất lượng dạy học cho trẻ dân tộc thiểu số nên em phải đi, anh đừng giận nữa nhé!” (Cứ động đến chuyên môn thì dù bận việc trường thế nào, vừa đi công tác, vừa giải quyết việc trường tôi cũng vẫn tham gia, không từ chối).

Thế là chồng tôi lại xuôi, lại hết giận. Còn mẹ chồng tôi, cả đêm hôm ấy lo lắng đến mất ngủ. Bà nói: “Chỉ sợ nó hành hạ con bé”. Sáng sớm bà đã hỏi tôi, nó còn giở quẻ nữa không, đã ổn chưa?

Chuyện xích mích của hai vợ chồng tôi chỉ loanh quanh việc tôi đi làm về trễ, khiến chồng không yên tâm. Những khi chồng tôi khùng lên như vậy thì mẹ chồng, các chị chồng, em chồng phản đối và ra sức bảo vệ tôi. Tôi cảm thấy mình là một thành viên đích thực trong một gia đình lớn của nhà chồng.

Cô bạn đồng nghiệp tên Thúy, là Tổ trưởng chuyên môn khối lớp 1 kể: Mấy nay, ngày nào em cũng đi cả ngày, mẹ em kêu: “Dạo này mày có bồ ở trên trường hay sao ấy!”. Hai chị em lại cười. Vậy đấy, mẹ đẻ mình còn chẳng tin nổi nữa là chồng.

Đến nay, tròn 20 năm ở cùng chồng, tôi vẫn được chồng lấy lá sả, lá bưởi đun nước để tôi gội đầu. Khi phải đi công tác xa chồng tôi chuẩn bị cho tôi từ viên thuốc chống say. Cho đến bây giờ, nhiều khi ngồi ngẫm lại tôi thấy mình thật hạnh phúc vì được chồng thương yêu che chở. Chồng tôi thật đa năng, chăm chỉ, từ việc bếp núc, gánh vác công việc lớn bên nội, bên ngoại, cũng như mọi công to việc lớn trong gia đình. Nếu không có hậu phương, làm sao những người làm công tác giáo dục vùng cao như chúng tôi có thể đảm đương cả hai việc được.

Thế mới biết, nỗ lực, cố gắng của các chị, những người làm công tác quản lý giáo dục đâu phải chỉ là trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý! Người ta thường nói “đằng sau người đàn ông thành công là một người phụ nữ” với những nữ cán bộ quản lý ngành Giáo dục, để toàn tâm toàn ý cống hiến không mệt mỏi, không thể thiếu bờ vai vững chãi của người bạn trăm năm. 

...Lần đầu tiên đi vùng cao vận động học sinh chẳng có kết quả gì. Lần sau, rút kinh nghiệm mang theo kẹo đi chia thì khả quan hơn, song cũng chỉ được vài buổi, học sinh lại nghỉ vì mùa giáp hạt. Có cô giáo đề nghị với chồng: Thôi, hay mình nấu cơm trưa cho chúng nó đi học vậy. Vậy là, trong lúc vợ lên lớp dạy học, ông chồng lại lụi hụi đi làm về nhà nấu một nồi cơm to, cô trò học xong ăn cơm cùng nhau…

Hiếu Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ