Hầu hết người Việt Nam sử dụng khẩu trang sai cách

Hầu hết người Việt Nam sử dụng khẩu trang sai cách

Khẩu trang y tế và khẩu trang N95 có điểm gì khác biệt?

Trước diễn biến dịch bệnh do virus Corona đang ngày một phức tạp, nhiều người đang "săn lùng" khẩu trang N95 như một loại thần dược, có thể cản được mọi virus cũng như bụi mịn. Thực tế, cái tên N95 bắt nguồn từ chính khả năng của loại khẩu trang này, nó có thể ngăn chặn ít nhất 95% các hạt bụi mịn trong không khí (các hạt có kích thước siêu nhỏ đến 0.3μm). Tuy nhiên, khẩu trang N95 lại không lọc được những chất có tính dầu bao gồm sơn, xăng dầu (vd: Khí gas), hoá chất công nghiệp, ami-ăng, mùi hôi thối.

Khẩu trang y tế bằng vải không dệt thông thường có 3 lớp với công dụng khác nhau:

- Lớp ngoài có đặc tính chống thấm nước, giúp ngăn cản hiệu quả các hạt chất lỏng văng ra khi người bệnh hắt hơi, ho, thở mạnh... Mặt ngoài thường có màu xanh blue nhạt để dễ phân biệt, đeo khẩu trang đúng là để lớp màu quay ra ngoài.

- Lớp trong luôn có màu trắng rất dễ phân biệt với lớp ngoài. Mặt vải quay vào trong, sát với da mặt nên phải tinh khiết mịn màng, không xơ sợi sùi lông gây khó chịu. Ngoài ra, lớp trong phải có tính thấm nước nhằm hút mồ hôi tạo sự thoải mái cho người sử dụng.

- Lớp giữa có tác dụng ngăn các hạt dịch văng bắn và phải lọc được bụi, vi khuẩn. Đây chính là lớp quyết định chất lượng khẩu trang. Một lớp lọc "đúng chuẩn" phải để không khí dễ đi qua, tạo sự thoáng khí cho người dùng, nhưng lại phải có kết cấu đủ để lọc được các hạt bụi, vi khuẩn có kích thước cực nhỏ.

Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, người dân ngoài cộng đồng có thể dùng khẩu trang y tế thông thường, không nhất thiết dùng khẩu trang N95, thậm chí có thể dùng khẩu trang vải giặt hàng ngày. Còn với người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân nhiễm virus Corona hoặc những người đi vào ổ dịch cần trang bị khẩu trang chuyên dụng N95 và các loại khẩu trang chuyên dụng đặc biệt khác.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết khẩu trang y tế về nguyên tắc dùng một lần, không dùng lần hai, còn khẩu trang vải có thể giặt hàng ngày, dùng xong một ngày người dân có thể giặt phơi khô và hôm sau lại tiếp tục dùng.

Theo ông Phu, đeo khẩu trang phòng chống bệnh hô hấp rất tốt nhưng chúng ta phải xác định ở mức độ nào, nguy cơ nào, trường hợp nào, lúc nào thì dùng khẩu trang. Hiện nay, dịch chưa lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, người dân nên dùng khẩu trang ở nơi có nguy cơ lây lan cao như khi đi phương tiện công cộng, đến bệnh viện...

Bộ Y tế khuyến cáo chỉ những người chăm sóc, điều trị bệnh nhân, đi vào ổ dịch mới dùng khẩu trang N95, mặc đồ bảo hộ đặc biệt. Trong trường hợp bình thường người dân có thể chỉ cần dùng khẩu trang y tế thông thường, không nhất thiết dùng mặt nạ N95, thậm chí có thể dùng khẩu trang vải giặt hàng ngày.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, virus Corona với kích thước khoảng 150 - 200nm (nano mét) và virus cúm Influenza A có kích thước 80 -120nm, các virus này chủ yếu cư trú trong giọt nước bọt lớn, có thể dễ dàng bị giữ lại bởi các khẩu trang y tế thông thường với khả năng lọc hiệu quả các hạt có kích thước trên 5 micro mét.

Dùng khẩu trang y tế đúng cách sẽ ngăn chặn các giọt nước bọt lớn có chứa virus văng ra từ người bệnh qua việc hắt xì hoặc ho, nên sẽ ngăn chặn virus rất hiệu quả. Điểm then chốt mà các chuyên gia khuyến cáo là người dân cần đeo khẩu trang chắc chắn và kín kẽ ở vùng mũi, miệng; một khi đã đeo khẩu trang, hãy đeo liên tục vì khi đeo khi không sẽ kém hiệu quả.

Đeo khẩu trang thế nào cho đúng để phòng dịch, bệnh?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, người dân khi đeo khẩu trang cần đeo che kín cả mũi và miệng. Tránh sờ tay vào khẩu trang khi đeo.

Đối với khẩu trang y tế thông thường, cần đeo mặt xanh ra ngoài, mặt trắng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên, phần nếp gấp của khẩu trang hướng xuống dưới để các giọt bắn, dịch tiết có bám vào cũng sẽ trôi xuống. Nếu đeo ngược, các giọt dịch tiết này sẽ đọng lại trên các nếp gấp và làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra, thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay.

Đối với khẩu trang vải thông thường nên thường xuyên giặt sạch khẩu trang với xà phòng để dùng lại và thường xuyên rửa tay với xà phòng để phòng bệnh.

Rửa tay cũng phải đúng cách

Một biện pháp phòng tránh hữu hiệu khác nữa là rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Ước tính 80% tổng số ca bệnh truyền nhiễm thông thường lây qua tay. Rửa tay giúp giảm 21% nguy cơ nhiễm trùng qua đường hô hấp, tuy nhiên 97% số người qua khảo sát rửa tay không đúng cách

Cần thiết phải rửa tay trước, trong, và sau khi nấu ăn; trước khi ăn; trước và sau khi điều trị vết thương; trước và sau khi chăm sóc người ốm; sau khi đi vệ sinh (đại tiện và tiểu tiện); sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi; sau khi thay tã hoặc và vệ sinh cho trẻ đã sử dụng nhà vệ sinh; sau khi chạm vào động vật, thức ăn gia súc hoặc chất thải động vật; sau khi chạm rác.

Rửa tay đúng cách là rửa tay với xà phòng, đúng quy trình, dưới vòi nước sạch chảy. Các bước rửa tay thường quy bao gồm:
Bước 1: Làm ướt hai lòng bàn tay bằng nước, lấy xà phòng vào lòng bàn tay. Chà 2 lòng bàn tay vào nhau.
Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón.
Bước 4: Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay).
Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái).
Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.
Rửa tay ít nhất trong 30 giây, mỗi thao tác lặp lại ít nhất 5 lần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ