Hậu 20/11, nói chuyện văn hóa tri ân: Nhanh, gọn, tiện?

GD&TĐ - Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để học sinh, phụ huynh tri ân công sức đóng góp của các thầy cô giáo. Tuy nhiên, trong những ngày này, vấn đề “văn hóa phong bì” lại một lần nữa được đặt ra.

Hậu 20/11, nói chuyện văn hóa tri ân: Nhanh, gọn, tiện?

Xã hội ngày càng phát triển, kinh tế đi lên thì dường như tư duy của con người cũng ngày càng thực dụng, thực tế hơn. Việc tặng quà để tri ân, cảm ơn những người thầy, người cô dạy dỗ con mình đang ngày càng nhanh, gọn, tiện gói gọn trong chiếc phong bì.

Áp lực tặng phong bì

Gần đến ngày 20/11, vợ chồng chị Hòa (Thủ Đức, TPHCM) băn khoăn đi hỏi bạn bè, hàng xóm xem nên tặng quà cô giáo như thế nào. Cậu con trai của anh chị mới đi học lớp 1 năm nay, cậu bé chậm chạp, không nhanh nhẹn như những bạn khác trong lớp. Hầu hết những người mà chị hỏi ý kiến đều có chung một đáp án: “Tặng phong bì cho nhanh, gọn, tiện”. Một người bạn thân của chị còn cảnh báo: Không tặng quà, con chị sẽ lạc lõng, nhưng đã tặng cô một lần rồi là những lần lễ tết sau buộc phải có.

Lúc đầu, chị Hòa cũng dự định tặng cô một bộ vải may áo dài, nhưng nghe nhiều người khuyên quá, chị đâm ra đắn đo, lưỡng lự, sợ rằng nếu chỉ có quà không, con mình sẽ không được cô quan tâm. Cậu bé vốn đã hay bị cô nhắc nhở vì đọc chậm, viết chậm hơn các bạn, nếu bị cô để ý thì chị lo ngại hậu quả cho con mình. Cuối cùng, vợ chồng chị quyết định tặng cô bó hoa kèm theo phong bì 1 triệu đồng với suy nghĩ: “Dù sao thì cũng thấy yên tâm hơn”.

Hai con chị Thảo (quận 3, TPHCM) cách nhau đến 14 năm. Khi cậu con trai vào lớp 1 thì cô con gái lớn của chị đã vào đại học nên chị khá lúng túng trước việc tặng quà cho cô giáo của con trai như thế nào. Chị cho biết: “Hồi con bé đầu đi học, mỗi dịp lễ 20/11 hay tết, tôi thường tự đi mua quà tặng cho cô, khi thì thỏi soi, chai nước hoa, bộ áo dài… Nhưng bây giờ nếu tặng quà đó, tôi thấy mình như lạc lõng khác với mọi người. Thú thật là đưa phong bì tiền cho cô, tôi không thấy quen, ngại nữa, nhưng hỏi các phụ huynh khác thì thấy ai cũng tặng cô như vậy. Tôi làm khác đi liệu có bị “dị” không?”.

Cuối cùng, chị cũng không thể khác mọi người, đành quy mọi thứ quà tặng thành phong bì, quà đi kèm chỉ là vật ngụy trang. Mặc dù trong lòng thật sự không thích nhưng nhìn đứa con nhỏ, chị lại tặc lưỡi cho qua, “để con không kém nhà người ta”.

Nhiều năm làm Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh một trường THCS tại quận 5, chị Nguyên cho biết, làm ở vị trí này mới thấy rõ hơn về “văn hóa phong bì” trong nhà trường. Trước đây, mọi người chỉ tặng hoa, quà cho giáo viên vào ngày lễ thầy cô 20/11 nhưng bây giờ, cứ có ngày lễ là phải có quà, từ 8/3 đến 20/10, Trung thu, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch... Điều đáng nói, món quà phổ biến nhất lại là phong bì, đến nỗi cứ mỗi lần đề xuất việc mua tặng giáo viên hoặc nhà trường một món quà ý nghĩa nào đó thì đa số phụ huynh khác phản đối vì... thiếu thực tế.

Tặng trong hoang mang

Tặng phong bì cho giáo viên, bên cạnh ý nghĩa cảm ơn, tri ân thì cũng cần thẳng thắn nói với nhau rằng, hành động này của phụ huynh với những toan tính, kỳ vọng như thể là một sự “mua chuộc” người thầy là điều có thật. Họ cũng dễ dàng bị lên án, phê phán là thiếu tôn sư trọng đạo, coi nhẹ thầy cô, tiếp tay làm “hư” giáo viên... Nhưng cần nhìn nhận một cách công bằng rằng, đằng sau chiếc phong bì này là nỗi bất an có thật của mỗi bậc làm cha, làm mẹ về giáo dục và họ phải dùng đến phong bì như một phương tiện giúp mình yên tâm hơn khi con đến trường.

Trong một lần chia sẻ, cô Nguyễn Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khai Minh (quận 1, TPHCM) kể lại câu chuyện của chính mình: Khi còn dạy học, thấy học sinh có nhiều biểu hiện bất ổn, cô mời phụ huynh lên trao đổi, hỏi chuyện... thì bất ngờ người mẹ đưa phong bì cho cô với lời xin lỗi vì đợt 8/3 vừa rồi bận quá không kịp đến thăm hỏi cô.

Cô tâm sự: “Nỗi ám ảnh là không đi phong bì thầy cô thì không yên tâm, sợ con mình không được quan tâm dường như thường trực trong tâm lý của mọi phụ huynh. Lo lắng đó ăn sâu đến nỗi kể cả khi giáo viên muốn hợp tác, hỗ trợ cũng có thể bị hiểu là “diễn” để nhắc khéo, gợi ý”.

Thầy Nguyễn Minh Nghĩa, một giáo viên đã nghỉ hưu tâm sự: “Mỗi khi có dịp gặp các đồng nghiệp trẻ, tôi đều hỏi thăm tình hình như thế nào thì bất ngờ khi nhận được câu trả lời: Cứ đến dịp lễ tết là phụ huynh “tự giác” bồi dưỡng cho giáo viên. Có khi đi cá nhân, có khi đi thành nhóm bỏ chung phong bì, bên ngoài ghi rõ phụ huynh cháu nào. Phụ huynh nào cũng đều đưa ra lý do: Bồi dưỡng để cô chăm con mình tốt hơn. Nhưng chính sự “bồi dưỡng” này dễ tạo nên sự mất công bằng trong chăm sóc, dạy dỗ trẻ. “Văn hóa phong bì” trong môi trường giáo dục phần nào làm lu mờ hình ảnh người thầy, người cô!

Bản thân phụ huynh, những người tặng phong bì cho người thầy, người cô không phải ai cũng thấy thoải mái với việc làm của mình, nhưng với thực trạng, trào lưu như hiện nay, họ không muốn đứng ngoài cuộc. Chị Thảo chia sẻ: “Ai cũng nói tặng phong bì cho tiện, gọn nhưng xét về mặt tình cảm, ý nghĩa, tôi thấy tặng quà và phong bì không giống nhau. Hành động tặng phong bì mang nặng tính nghĩa vụ, như là việc phải làm chứ không phải ở tâm thế hạnh phúc, phấn khởi vì sự quan tâm, hay được tặng quà cho người khác”.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ