(GD&TĐ) - Những ngày này, cũng như mọi năm, khi mà bà con nông dân ở vựa thóc đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ vụ lúa hè thu thì câu chuyện bàn luận về giá lúa gạo cũng lại rộ lên trên hầu hết các phương tiện truyền thông đại chúng. Truyền hình quốc gia ngoài việc đưa tin, còn mời cả các chuyên gia về xuất khẩu lúa gạo trực tiếp lên sóng để bàn luận. Tại một hội thảo do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn phối hợp với tổ chức Oxfarm tổ chức, câu hỏi được ra là “ai hưởng lợi khi giá gạo tăng?”; và câu trả lời là cho dù giá gạo giảm hoặc tăng thì người nông dân đều thiệt.
Còn thực tế trên các cánh đồng thì gần như đã thành “chuyện thường ngày ở huyện” nhiều năm nay, hễ bước vào thu hoạch lúa hè thu thì giá lúa lại sụt giảm ở mức thấp, trong khi đó đầu ra gặp khó khăn khiến tình hình luôn căng thẳng. Các nhà đàm phán giá lúa gạo xuất khẩu cũng hoạt động tích cực nhưng phàn nàn rằng ta bị ép giá trên thị trường thế giới. Ở trong nước, Chính phủ chỉ đạo dành nhiều nghìn tỷ đồng không tính lãi để thực hiện việc thu mua tạm trữ lúa gạo; nhưng có ý kiến đánh giá, lợi ích này chưa đến được với nông dân. Nỗi lo lắng của nông dân càng chồng chất.
Một vài thông tin rút ra từ các phóng sự và một số ý kiến phát biểu tại một số hội nghị về nông nghiệp nông thôn nông dân cho thấy, những năm gần đây, lợi nhuận thu được trên 1 kg lúa suốt một thời gian dài không tăng được bao nhiêu, và trong chuỗi giá trị thóc lúa làm ra thì công sức người nông dân là 60%, nhưng phần họ được hưởng chỉ khoảng 20%, còn lại là dịch vụ thương mại và các khâu khác. Thu nhập của người trồng lúa rất thấp, có nơi ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 535.000 đồng/người/tháng. Những con số như vậy làm cho chúng ta thật xót lòng.
Giá thóc lúa trong cái nhìn của nhà hoạch định và tham mưu chính sách là vấn đề lợi ích quốc gia, lợi ích kinh tế vĩ mô. Nhưng với mỗi gia đình nông dân, đó là vấn đề đời sống thiết thân hàng ngày. Trong vô số những điều phải lo nghĩ, có lẽ một trong những điều lo nghĩ hàng đầu của những người cha người mẹ ở nông thôn là việc chuẩn bị cho con bước vào năm học mới đang đến gần. Tình hình giá thóc lúa như năm nay rõ ràng đã ảnh hưởng lớn đến túi tiền vốn ít ỏi của mỗi gia đình nông dân, trong khi hàng loạt khoản chi cho một đứa con đến trường đang chờ đợi họ.
Câu chuyện hạt thóc có liên quan đến trang vở học trò là vậy. Và có lẽ tâm trạng chung của hàng vạn phụ huynh học sinh ở khu vực nông thôn là nhà nước cần có những chủ trương thật mạnh tay, phù hợp với thực tế và thật kịp thời về giá thu mua tạm trữ, chỉ tiêu số lượng được mua tạm trữ và thời hạn tạm trữ hợp lý để họ có điều kiện xoay xở trước nhu cầu cuộc sống nhiều bề, trong đó có chuyện học hành của con cái.
Hương Nguyên