Khám phá mới về hơn 100 hạt giống ở khu tự trị Nội Mông, phía bắc Trung Quốc khiến các nhà khảo cổ bối rối, Seeker hôm 18/2 đưa tin. Những hạt giống này có hình dạng bán nguyệt giống hạt lựu hiện nay, nhưng viện khảo cổ ở địa phương chưa thể xác định chúng là hạt giống cây gì.
Các nhà khảo cổ tìm thấy số hạt giống trong khi khai quật một ngôi mộ cổ ở Đặng Khẩu, phía tây Nội Mông, có niên đại từ nửa cuối thời Tây Hán (năm 206 trước Công nguyên đến năm 25 sau Công nguyên) đến đầu thời Đông Hán (năm 25 - 220 sau Công nguyên).
"Một trong những lợi ích của phát hiện này là nó giúp tìm ra một giống cây trồng không còn tồn tại hoặc đã bị lãng quên từ lâu", Seeker dẫn lời Craig Barrett, phó giáo sư chuyên ngành tiến hóa thực vật tại Đại học West Virginia.
Barrett chỉ ra các nhà khoa học ngày nay rất quan tâm bảo tồn các biến thể di truyền ở cây trồng, gọi là ngân hàng hạt giống, để cứu những giống cây có nguy cơ tuyệt chủng. Hầm hạt giống ở Svalbard, Na Uy là một ví dụ điển hình với hơn 880.000 mẫu hạt giống đến từ hầu hết các nước trên thế giới.
Một lợi ích khác của phát hiện là cho phép các nhà khoa học có cái nhìn sâu hơn về chế độ ăn uống của người dân từ hai thiên niên kỷ trước.
Nhóm nghiên cứu Trung Quốc chưa đưa ra kết luận các hạt giống có thể hồi sinh hay không, dù nhiều nỗ lực trong việc phục hồi hạt giống từ thời cổ đại gặt hái thành công trong những năm gần đây. Theo Barrett, cách tiếp cận tương tự có thể áp dụng với số hạt giống mới phát hiện ở phía bắc Trung Quốc.
"Trong điều kiện thực tế, để tìm ra đây là cây gì, theo tôi nên gieo những hạt giống vào đất và quan sát chúng có nảy mầm hay không. Nhưng họ cũng có thể sử dụng cách khác", Barrett nói.
"Chẳng hạn những chuyên gia thực vật học có thể xác định được các hạt giống dựa trên hình thái học, tức hình dạng của nó. Lựa chọn cuối cùng là nghiền nhỏ các hạt giống và cố gắng xâu chuỗi một số ADN từ chúng".