Hấp dẫn kiến thức lịch sử với hoạt động ngoại khóa

GD&TĐ - Ngoài giờ học trên lớp, học sinh cần được tiếp cận với lịch sử "tự nhiên” hơn trong những giờ giáo dục lịch sử ngoài giờ lên lớp.

Hấp dẫn kiến thức lịch sử với hoạt động ngoại khóa

Với hơn 10 năm kinh nghiệm, bản thân là một giáo viên trẻ nhiệt tình, thầy Hồ Anh Tuấn - Giáo viên Trường THPT Cầm Bá Thước (Thanh Hóa), nhận thấy như vậy.

Thực tế cho thấy, sau mỗi buổi tổ chức hoạt động như vậy, học sinh rất phấn khởi, say mê, nhiệt tình tham gia tìm hiểu lịch sử một cách tự nguyện. Qua đó, hứng thú hơn trong các giờ học trên lớp.

Với kinh nghiệm của mình, thầy Hồ Anh Tuấn chia sẻ phương pháp tổ chức thành công một buổi ngoại khóa lịch sử, cụ thể là buổi ngoại khóa nhân kỷ niệm ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12).

Xây dựng kế hoạch

Ngay từ đầu năm học, giáo viên căn cứ vào kế hoạch của nhà trường, tổ nhóm chuyên môn để lên kế hoạch tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp (NGLL) của bộ môn.

Thông thường, nhóm chuyên môn nên có những đề xuất với tổ chuyên môn và BGH nhà trường về kế hoạch tổ chức các hoạt động NGLL, kết hợp với các hoạt động chủ điểm của nhà trường trong các tháng.

Cụ thể trong tháng 12 là: Giáo dục truyền thống yêu nước lòng tự hào dân tộc thông qua hoạt động NGLL chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Xác định mục đích, hình thức tổ chức

Bên cạnh việc xác định được mục đích, yêu cầu và đối tượng tham gia các hoạt động giáo dục NGLL, một việc quan trọng giáo viên cần làm là suy nghĩ về hình thức tổ chức. 

Có thể tổ chức dưới dạng hoạt động ngoài giờ lên lớp thông qua hình thức thuyết trình và tổ chức các phần chơi tìm hiểu kiến thức cho học sinh.

Thầy Hồ Anh Tuấn đã tổ chức các phần chơi tìm hiểu kiến thức với 2 phần:

Phần 1: Bài viết về truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày hội quốc phòng toàn dân.

Phần 2: Thi tìm hiểu truyền thống vẻ vang của quân đội ta với chủ đề “hát mãi khúc quân hành” với 4 phần thi cụ thể: Nhập ngũ - huấn luyện - thử thách - chiến thắng.

Dự kiến phần thi có 3 đội chơi (đại diện 3 khối 10, 11, 12), mỗi đội chơi có 3 học sinh tham gia thi chính (5 học sinh tham gia phần thi phụ).

Phần thi “nhập ngũ”: mỗi đội chơi trả lời lần lượt 10 câu hỏi liên quan đến kiến thức lịch sử, văn học, hiểu biết chung nội dung liên quan tới lịch sử, truyền thống vẻ vang của quân đội ta.

Phần “huấn luyện”: 3 đội chơi tham gia phần thi “người chỉ huy giỏi” qua hình thức thi đội ngũ cơ bản (khẩu lệnh nghiêm, nghỉ ,bên trái, phải…đi đều.)

Phần “thử thách”: gồm 6 ca khúc cách mạng các đội chơi lần lượt nghe và giành quyền trả lời đoán đúng tên ca khúc, tác giả.

Phần “chiến thắng” – truy tìm mật mã lịch sử: Phần thi đưa ra 5 bức ảnh sự kiện liên quan tới các vấn đề lịch sử, yêu cầu các đội chơi sắp xếp theo thứ tự thời gian và logic; sau đó đội chơi phải nêu được nội dung bức ảnh và suy luận mối quan hệ giữa các sự kiện lịch sử trong các bức ảnh và đưa ra được “mật mã lịch sử”.

Thời gian tổ chức trò chơi thích hợp thông thường vào tiết chào cờ đầu tuần, tại sân chào cờ.

Một số lưu ý

Trên cở sở các bước chuẩn bị và kịch bản chi tiết của chương trình giáo viên cần thông báo rộng rãi cho học sinh các khối, sau đó tiến hành chọn 3 đội chơi ở 3 khối khác nhau;

Phổ biến và hướng dẫn cụ thể các phần chơi cho các đội chơi giúp các em có sự chuẩn bị tốt nhất;

Phối hợp với nhóm Giáo dục quốc phòng nhà trường để nhận được sự giúp đỡ về chuyên môn cụ thể qua phần thi “Huấn luyện”;

Sử dụng Máy chiếu đa năng trong các phần chơi để tăng tính hấp dẫn đặc biệt là phần thi “Thử thách”; thành lập ban thư ký để tổng kết số điểm của các đội trong các phần chơi; lựa chọn giáo viên làm MC dẫn chương trình là giáo viên có khả năng tổ chức tốt.

Theo thầy Hồ Anh Tuấn, khi được tham gia các hoạt động trên, học sinh hào hứng với môn Lịch sử hơn hẳn. Tuy nhiên, để những hoạt động như vậy được tổ chức thường xuyên, Sở GD&ĐT, trường THPT cần có những định hướng, kế hoạch tổ chức các hoạt động NGLL thông qua hình thức tổ chức các buổi ngoại khoá cho học sinh một cách phong phú hơn trong khung chương trình chung.

Đồng thời tạo điều kiện về mặt thời gian, kinh phí, các điều kiện cơ sở vật chất trong điều kiện cho phép, từ đó giúp đội ngũ giáo viên có thể hoàn thành tốt hơn công tác giáo dục nói chung cũng như việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa-NGLL cho học sinh nói riêng được tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ