Hạn chế khi rèn kỹ năng đọc
Hoạt động đọc dễ gây sự nhàm chán với lứa tuổi tiểu học, một lứa tuổi hiếu động, thích sự hoạt động tay chân. Đặc biệt, sự bùng nổ về công nghệ như máy chơi game, ipad…, càng làm cho trẻ em xa rời việc đọc.
Thạc sĩ Lê Ngọc Tường Khanh cho biết đã có một quá trình dự giờ các tiết Tập đọc và thấy rằng, việc tổ chức tìm hiểu nội dung văn bản còn nặng nề và chưa phong phú về hình thức.
Giáo viên thường sử dụng phương pháp đàm thoại để tổ chức tìm hiểu bài. Cách làm này chưa thật sự khuyến khích học sinh động não để phát triển các kĩ năng tư duy.
Đôi khi, cũng có giáo viên thực hiện các phương pháp hoặc hình thức dạy học khác như yêu cầu học sinh thực hiện sơ đồ hoá văn bản, phiếu học tập,... nhưng đây chỉ là số ít.
Như vậy, việc dạy đọc ở tiểu học trong giai đoạn hiện nay chú trọng đến kĩ năng giải mã chữ viết thành âm thanh và số lượng học sinh được đọc trong một tiết học.
Điều này làm cho việc dạy và học đọc rất máy móc và nhàm chán, ảnh hưởng đến việc rèn các kĩ năng để phát huy năng lực của người học và ứng dụng những tri thức thông qua học đọc vào cuộc sống.
Đề xuất dạy đọc theo hướng phát triển năng lực
Theo thạc sĩ Lê Ngọc Tường Khanh, dạy đọc muốn có hiệu quả cần làm cho học sinh yêu thích và nhận thấy sự có ích của việc đọc.
Để làm được điều này, trong dạy đọc, giáo viên tạo cho học sinh cơ hội được thể hiện mình, thể hiện những kĩ năng, những hiểu biết có được từ việc đọc vào cuộc sống.
Để thực hiện cách dạy phát huy tính chủ động và phát huy năng lực của người học, giáo viên hướng dẫn học sinh luôn chủ động suy nghĩ về bài đọc ngay từ tên bài nhằm rèn luyện kĩ năng tư duy về phân tích, phê phán, kĩ năng đặt câu hỏi. Giáo viên có thể sử dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ để thực hiện việc này.
Giáo viên cần hạn chế đọc mẫu, chỉ đọc mẫu khi thật sự cần thiết. Sau khi giới thiệu bài, nên để cá nhân học sinh đọc bài, trao đổi và thống nhất cách đọc trong nhóm, học sinh đọc trước lớp theo từng nội dung, từng đoạn,...
Sau đó, giáo viên có thể đọc văn bản trước lớp để giúp học sinh so sánh, đối chiếu với cách đọc của mình.
Cách làm này giúp học sinh có ý thức tự đọc và chủ động suy nghĩ cách đọc phù hợp nội dung. Có thể học sinh chọn giọng đọc chưa phù hợp, đặc biệt với các lớp 2, lớp 3, giáo viên sẽ giúp các em điều chỉnh lại.
Dù với cách làm này, giáo viên sẽ vất vả hơn, nhưng bù lại học sinh được phát huy tính chủ động, làm việc độc lập. Đây là cách làm thể hiện quan điểm “học sinh là trung tâm” của việc dạy học và giáo viên nắm được kĩ năng giài mã chữ viết của học sinh
Giáo viên cũng cần đặt những câu hỏi đơn giản, câu hỏi tức thì ngay sau khi học sinh đọc văn bản lần 1 để kiểm tra kĩ năng nhận diện từ của học sinh; khuyến khích học sinh giải nghĩa từ mới theo cách hiểu của mình để phát huy tính tích cực, chủ động và rèn luyện kĩ năng phân tích ngữ cảnh.
Đồng thời, quan tâm đến bối cảnh xã hội của văn bản, đặc biệt là các văn bản truyện; cách sử dụng từ, cách trình bày văn bản trong các văn bản miêu tả, văn bản hành chính;... để giúp học sinh hiểu văn bản một cách trọn vẹn và làm bước chuẩn bị cho việc học Tập làm văn.
Cùng với việc tổ chức hướng dẫn học sinh sơ đồ hoá đối với bất cứ văn bản nào có thể, nhất là các văn bản truyện, để rèn tư duy logic và tư duy phê phán, giáo viên nên tích hợp với các hoạt động ngoài giờ như sinh hoạt chủ điểm, sinh hoạt chủ nhiệm để học sinh có điều kiện vận dụng, chia sẻ những điều mình đã hiểu vào cuộc sống và rèn luyện thêm kĩ năng tự học, trong đó có kĩ năng đọc.