Vậy sự sống có tồn tại trên những hành tinh đó hay không? Nhờ tâm huyết của một nhà vật lý nổi tiếng và tiền tài trợ của một tỷ phú Nga, các nhà khoa học bắt đầu cuộc tìm kiếm những sinh vật thông minh ngoài khoảng không vũ trụ.
Đó là một trong những cuộc hồi sinh ngoạn mục nhất trong những năm gần đây. Chương trình Tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất SETI được tái khởi động sau 4 năm chính thức dừng hoạt động. Chính nhà bác học nổi tiếng người Anh Stephen Hawking cùng nhà tỷ phú Nga Yuri Miner đã phục hồi Chương trình này.
Nhà tỷ phú đã đầu tư 100 triệu USD để lập Dự án Breakthrough Listen với sự tham gia của các nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực tìm kiếm sự sống trong vũ trụ, trong đó có thể kể đến Giáo sư Frank Drake ở Đại học Cornell (Mỹ), người sáng lập SETI. Mục đích của Dự án vẫn là tiếp tục tìm kiếm các nền văn minh ngoài Trái đất.
“Chúng tôi tin rằng sự sống xuất hiện trên Trái đất một cách hoàn toàn tự phát và điều này phải lặp đi lặp lại nhiều lần trong vũ trụ” - Giáo sư Stephen Hawking cho biết như vậy.
Ông cho rằng, chúng ta đã tiến đến rất gần sự kiện phát hiện nền văn minh ngoài Trái đất. Rất khó phủ nhận điều đó bởi một trong những phát hiện quan trọng nhất của thập niên này là tìm thấy hành tinh rất giống Trái đất trong vũ trụ xa xôi.
Đây không phải là thiên thể cuối cùng – các nhà khoa học ở Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) khẳng định. Liệu trên đó có sự sống hay không? Sắp tới đây các nhà khoa học sẽ bắt đầu tìm câu trả lời.
Ước mơ tìm thấy “những người anh em”
Lịch sử tìm kiếm những nền văn minh ngoài vũ trụ bắt đầu từ những năm 50 thế kỷ XX. Các nhà khoa học đã biết rằng trong vũ trụ có rất nhiều ngôi sao tương tự như mặt trời, và họ cho rằng các ngôi sao đó cũng có thể có các hành tinh mà trên đó có những sinh vật sinh sống. Các nhà khoa học cũng hi vọng, chúng ta có thể nhận được dấu vết sóng điện từ do các nền văn minh lạ trong vũ trụ phát ra.
Thí nghiệm khoa học đầu tiên nhằm tìm kiếm tín hiệu các nền văn minh ngoài Trái đất được Giáo sư Frank Drake (người Mỹ) thực hiện vào năm 1960. Sử dụng kính viễn vọng điện từ đường kính 26 m, ông đã ghi nhận được nhiễu điện từ đến từ lân cận hai ngôi sao tương tự mặt trời là Tau Ceti và Epsilon Eridani. Các nhiễu này được một máy ghi âm thông thường tái tạo lại.
Tuy nhiên, Giáo sư Drake không nghe thấy điều gì đặc biệt. Thế nhưng ước mơ tìm thấy các sinh vật vũ trụ thông minh vẫn còn đó và ngày càng có nhiều nhà khoa học tham gia vào nghiên cứu này, để đến cuối cùng người ta đặt cho công trình nghiên cứu cái tên SETI (Từ tiếng Anh: Search for Extraterrestrial Intelligene – Tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất).
Một trong những dự án được thực hiện bởi Đại học Ohio (Mỹ). Trường Đại học này đã đầu tư xây dựng kính viễn vọng điện từ đặc biệt có tên là Big Ear (Tai lớn), chuyên phục vụ cho việc tìm kiếm các tín hiệu từ vũ trụ xa xôi.
Vào năm 1977, thiết bị này đã ghi nhận một tín hiệu khác thường, đặc biệt mạnh, đến từ chòm sao Nhân Mã (Sagittarius), nơi mà theo các quan sát hiện tại thì không có lấy một hành tinh hay ngôi sao nào cả.
Các nhà khoa học gọi tín hiệu đó là WOW!, bởi đó chính là từ viết thêm bên lề bản in từ máy tính của một tình nguyện viên tham gia Chương trình SETI.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được bản chất của tín hiệu WOW! này. Điều đặc biệt là sau đó họ không nhận thêm được tín hiệu nào như thế nữa!
Những hành tinh mới ,những hi vọng mới
Vào năm 1984, Viện SETI được thành lập với nhiệm vụ điều phối các hoạt động nghiên cứu, tuy nhiên, nó không mang lại nhiều thành công. Các nhà khoa học không tìm thấy dấu vết của sự sống trong vũ trụ.
Trong suốt nhiều năm, chúng ta nghĩ rằng Trái đất là hành tinh duy nhất có sự sống. Những hi vọng mới đã bắt đầu xuất hiện sau khi Giáo sư Aleksander Wolszczan (người Ba Lan) phát hiện những hành tinh đầu tiên ngoài Hệ Mặt trời. Ông phát hiện những hành tinh này một cách tình cờ trong lúc nghiên cứu một dạng sao gọi là sao pulsar.
Giáo sư Wolszczan quan sát thấy những rối nhiễu trong các sóng điện từ, phát ra từ sao pulsar và cho rằng một hành tinh nào đó đã gây ra hiện tượng đó. Ngày nay, dạng rối nhiễu này được nhìn nhận trong ánh sáng phát ra từ ngôi sao.
“Đó là phương pháp transit, dựa trên quan sát những mảng mờ tối tạm thời trên nền ngôi sao, mà chúng ta đã biết là do các hành tinh đi ngang qua mặt ngôi sao gây nên” – Nhà thiên văn học Jerzy Rafalski ở Trạm quan sát thiên văn Torun (Ba Lan) - cho biết như vậy.
Chưa ai nhìn thấy những hành tinh đó, nhưng chúng ta biết chúng có thể có hình dạng như thế nào. “Những kính viễn vọng và quang phổ kế hiện đại nhất được sử dụng để quan sát các ngôi sao đã cho chúng ta biết khá nhiều về điều kiện trên bề mặt những hành tinh đó, chẳng hạn như nhiệt độ và các thành phần hóa học của bề mặt hành tinh” – ông Jerzy Rafalski giải thích.
Khi các nhà nghiên cứu quan sát kỹ lưỡng các thế giới vừa được phát hiện, sự phấn chấn của họ nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng: Các hành tinh mới không phải là cái nôi của sự sống. Phần lớn các hành tinh đó hóa ra là những quả cầu khổng lồ chứa đầy khí độc, lớn hơn sao Mộc vài ba lần. Chúng không gợi nhớ Trái đất một chút nào!
Sau đó thì còn tồi tệ hơn. Các nhà thiên văn học phát hiện những thế giới mà chúng ta, những người Trái đất, có thể gọi là những địa ngục. Chẳng hạn, họ xác định được rằng trên hành tinh COROT-2b (quay xung quanh ngôi sao COROT-7 trong chòm sao Kỳ Lân) có những cơn mưa đá cuội kỳ lạ, nhiệt độ bề mặt hành tinh lên tới 2.000 độ C và bề mặt nó được bao phủ bởi nham thạch.
Trái lại, hành tinh OGLE-2005-BLG-390L do Giáo sư Andrzej Udalski ở Đài quan sát thiên văn Warsaw (Ba Lan) phát hiện lại là hành tinh lạnh nhất. Nhiệt độ trên bề mặt của nó ở mức -220 độ C (âm 220 độ C). Nguyên nhân là hành tinh này quay xung quanh một ngôi sao lùn đỏ - tức là ngôi sao đã tắt và phát ra rất ít bức xạ nhiệt.
Trái đất mới
Trong những điều kiện như nói ở trên thì không một sinh vật nào có thể tồn tại nổi. “Chúng ta chấp nhận rằng sự sống có thể xuất hiện trên hành tinh nếu như nhiệt độ bề mặt của nó dao động giữa 0 độ C và 60 độ C - ông Jerzy Rafalski cho biết - Điều kiện này cho hi vọng về sự tồn tại của nước ở dạng lỏng, sự xuất hiện của đại dương và bề mặt đất đá”.
Cuối năm 2011, Chương trình SETI chính thức chấm dứt hoạt động.Tuy nhiên, Viện SETI vẫn không đóng cửa. Trong thông báo cách đây 4 năm, các nhà khoa học viết rằng họ vẫn tiếp tục thu thập dữ liệu và điều phối Chương trình SETI@Home, trong đó những người truy cập Internet trên thế giới sử dụng năng lực tính toán của máy tính cá nhân để phân tích dữ liệu lấy từ các kính viễn vọng.
Sau gần một phần tư thế kỷ miệt mài tìm kiếm các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời (ngoại hành tinh), cuối cùng, vào tháng Bảy năm 2016, NASA công bố về phát hiện ngoại hành tinh đầu tiên rất giống Trái đất. Ngoại hành tinh này có ký hiệu là Kepler - 452b, ở cách Trái đất khoảng 1.400 năm ánh sáng.
Nó quay xung quanh ngôi sao rất giống mặt trời của chúng ta. Các nhà khoa học dự đoán, nhiệt độ bề mặt hành tinh dao động từ - 21 độ C (ở những nơi lạnh nhất) đến 7 độ C (ở những nơi ấm nhất).
Nếu trên hành tinh Kepler - 425b có nước thì nước đó cũng có thể tạo thành đại dương như ở trên Trái đất. Hành tinh Kepler - 452b rất giống Trái đất, lại “già” hơn Trái đất 1,5 tỷ năm, nên nhiều nhà khoa học cho rằng có thể có một nền văn minh thật sự phát triển tồn tại trên hành tinh này.
Những “thám tử” mới trong vũ trụ
Giáo sư Geoffrey Marcy ở Đại học California - Berkeley (Mỹ) cho biết nhờ sự trợ giúp của Giáo sư Hawking và tiền tài trợ của nhà tỷ phú người Nga, công việc nghe ngóng tín hiệu từ vũ trụ sẽ được đẩy mạnh hơn. Theo mong muốn của nhà tỷ phú Yuri Milner, số tiền 100 triệu USD do ông tài trợ sẽ được chia ra làm 3 phần.
Phần thứ nhất dành cho công việc thuê kính viễn vọng điện từ, phần tiếp theo để trả lương cho các nhà thiên văn, còn phần cuối cùng dành để phát triển những công nghệ mới, giúp công việc tìm kiếm các tín hiệu lạ từ vũ trụ đạt hiệu quả hơn.
Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả. Vào năm 2017, kính viễn vọng siêu hiện đại TESS (Transiting Exoplanet Survey Satellite) chuyên dùng để tìm kiếm các ngoại hành tinh mới, sẽ được đưa lên quỹ đạo. Kính TESS sẽ tập trung rà soát các ngôi sao sáng nhất và gần mặt trời nhất, tìm kiếm dấu vết các hành tinh đi ngang qua phía trước các ngôi sao chủ.
Trong năm 2018, kính viễn vọng không gian James Webb cũng được đưa lên quỹ đạo quanh Trái đất. Các nhà khoa học hi vọng, kính James Webb sẽ cung cấp nhiều chi tiết về các hệ hành tinh đã được phát hiện và về nhiệt độ bề mặt, khí quyển trên các ngoại hành tinh.