Gia đình, bạn bè, xã hội không chấp nhận khiến LGBT co cụm lại, hỗ trợ và cùng tìm tiếng nói chung.
Vì tôi là LGBT
Mặc dù, thế giới có hẳn một ngày dành riêng cho cộng đồng LGBT nhưng đến nay, người dân ở nhiều quốc gia vẫn chưa chấp nhận sự tồn tại của họ. Ở Việt Nam, mặc dù bình đẳng và không phân biệt đối xử được quy định trong luật nhưng búa rìu dư luận vẫn chĩa về phía LGBT như đã từng xảy ra với người nhiễm HIV/AIDS nhiều năm trước đây.
Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) trên gần 2.500 người ở 63 tỉnh, thành cho thấy, cứ 3 người thì có 1 người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy mình bị phân biệt đối xử vì xu hướng tính dục và bản dạng giới trong 12 tháng trước thời điểm khảo sát, với tần suất khá cao. Nhìn chung, người chuyển giới luôn là nhóm có mức độ trải nghiệm phân biệt đối xử cao nhất, cả chuyển giới nam và chuyển giới nữ. Người song tính có trải nghiệm phân biệt đối xử thấp nhất.
Theo ông Lương Thế Huy, Giám đốc Quyền LGBT (iSEE), gia đình, trường học, nơi làm việc lần lượt là 3 môi trường xảy ra nhiều sự phân biệt đối xử với người LGBT nhất. Các hành vi phân biệt đối xử điển hình là ép buộc thay đổi ngoại hình, cử chỉ, la mắng, gây áp lực. Nặng nề hơn, nhiều LGBT còn bị người thân trong gia đình nhốt, ép buộc rời khỏi gia đình, đánh đập… Những hành vi trên diễn ra chủ yếu hướng tới việc ngăn thông tin về thành viên gia đình là LGBT bị tiết lộ ra ngoài, cố gắng thay đổi xu hướng tính dục và bản dạng giới của người LGBT bằng các biện pháp y học, tâm linh hay lối sinh hoạt và ngăn cản các mối quan hệ tình cảm của họ. 1/5 trong số người LGBT bị ép buộc đi bác sĩ, 1/4 bị ép kết hôn với người họ không mong muốn.
Trường học là nơi giới trẻ dành phần lớn thời gian của mình để hình thành nhân cách và trau dồi kiến thức, thiết lập các mối quan hệ thì với LGBT, đây lại là nơi họ thường xuyên bị bắt nạt, phân biệt, bêu riếu và cô lập. Với người đi làm, có gần 30% người từng bị từ chối việc làm vì là người LGBT. Đặc biệt, tỷ lệ người chuyển giới bị từ chối khi xin việc (59%) cao gấp ba lần so với nhóm đồng tính và song tính (19,6%). Người chuyển giới cũng bị phân biệt đối xử trong việc trả lương hay thăng tiến, khiến họ thường chỉ giữ các vị trí cấp thấp, cơ bản mà khó giữ các vị trí quản lý hoặc cao hơn. Họ cũng thường xuyên nhận được lời nhận xét, hành động tiêu cực từ đồng nghiệp, lãnh đạo và khách hàng…
Không đơn độc
Mặc dù, phần lớn xã hội chưa thừa nhận sự tồn tại của cộng đồng LGBT nhưng không vì thế mà nhóm này mất đi, thậm chí ngày một lớn mạnh bởi rất nhiều người dám sống thật với con người mình.
Bên cạnh việc các LGBT tự tìm cách khẳng định mình, có rất nhiều tổ chức, đơn vị đã thấu hiểu và đồng hành với họ. Điều này đã tác động không nhỏ đến suy nghĩ của các gia đình, xã hội. Bằng chứng là nhiều ông bố, bà mẹ thay vì né tránh nay luôn đồng hành với con. Nhiều cặp đôi đồng tính được gia đình, bạn bè chấp nhận…
Để “lôi” LGBT ra khỏi vùng tối, để họ được nói tiếng nói của mình hưởng quyền lợi cơ bản như những người khác, nhiều diễn đàn, sự kiện dành cho đối tượng này được tổ chức. Hành trình tự hào là một hoạt động được các LGBT mong đợi. Đây là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh quyền tự do yêu thương và tự do thể hiện không phân biệt xu hướng tình dục và bản dạng giới của mỗi cá nhân.
Phạm Khánh Bình, Trưởng nhóm Hà Nội Queer, thành viên của Ban tổ chức Hành trình tự hào chia sẻ: Năm 2012 khi được hỏi tại sao phải tự hào, có gì đáng để tự hào, có lẽ hầu hết cộng đồng LGBT sẽ ngập ngừng nhưng qua mỗi năm, mỗi người trong nhóm LGBT lại tìm ra cho mình một lý do để tự hào về bản thân, về những bạn bè của mình. Đó là một hành trình rất cá nhân của mỗi người để tìm ra và bước tới sự tự hào. Còn theo Chu Thanh Hà, một người chuyển giới nam, cảm giác đáng trân trọng là khi mình đứng giữa đám đông và biết mình không cô độc. Lúc này, mình thật nhỏ bé nhưng cũng thật to lớn.
Vượt qua mặc cảm là hành trình bất kỳ LGBT nào cũng phải trải qua. Khi đã tìm ra hướng đi cho mình, LGBT hãy tìm ra lý do riêng để thể hiện sự mạnh mẽ, tự hào, chứng minh cho cộng đồng thấy mình khác biệt nhưng không vô dụng, không xấu…
- Kết quả nghiên cứu cho thấy ở những không gian công cộng càng phổ biến thì lại càng có tỷ lệ người LGBT trải qua phân biệt đối xử cao hơn: nhà vệ sinh (28,7%), phòng thay đồ, phòng tắm (25%), địa điểm giải trí (24,4%), nơi mua sắm (23,9%) hay nhà hàng, quán cà phê (21,9%).
- Có khoảng 4,5% người LGBT bị tấn công bạo lực trong 12 tháng qua. Tuy nhiên chỉ 2% số đó trình báo với chính quyền, với lý do không trình báo là thấy sự việc xảy ra quá thường xuyên hoặc không tin vụ việc được giải quyết.