Hành trình giảm cân: Người lớn khó một, trẻ con khó mười

GD&TĐ - Cuộc khảo sát tình trạng dinh dưỡng ở khu vực Đông Nam Á (SEANUTS) cách đây ít lâu đã chỉ ra một thực tế đáng quan ngại: Việt Nam là nước có tỷ lệ trẻ béo phì cao nhất khu vực. 

Nhiều cha mẹ gặp khó khăn khi muốn giúp trẻ giảm cân.
Nhiều cha mẹ gặp khó khăn khi muốn giúp trẻ giảm cân.

Cũng giống như đối với người lớn, nguyên nhân trẻ thừa cân, béo phì chủ yếu do dinh dưỡng bất hợp lý và ít hoạt động thể lực. Những nguyên nhân ấy lại xuất phát từ chính sai lầm của cha mẹ trong chăm sóc con, với chế độ dinh dưỡng giàu chất béo, sử dụng nhiều đồ ăn nhanh, cho uống nước ngọt có ga… Tất cả cũng vì sự nuông chiều con sai hướng, dẫn đến những cách giảm cân cho con cũng sai lầm…

Hệ lụy của sự chăm sóc quá đà

Vợ chồng anh Minh (Thanh Xuân – Hà Nội) chỉ có một cậu con trai duy nhất. Ngày bé cháu hay ốm vặt, ăn uống khó khăn dẫn đến suy dinh dưỡng thể nhẹ. Đi khám các bác sĩ, đều khuyên nên chú ý bồi bổ cho cháu. Các loại thông tin về dinh dưỡng cho trẻ, từ tư vấn trực tiếp của chuyên gia, lời khuyên của người có kinh nghiệm cho đến các thông tin trên mạng Internet… đều được anh chị tham khảo và tìm cách áp dụng, với mục tiêu duy nhất là miễn con ăn được và lên cân.

Những nỗ lực ấy cũng mang lại kết quả: Với cân nặng 17kg khi bước vào mẫu giáo lớn, hơn một năm sau vào lớp 1, cháu đã có cân nặng gần 30 kg, vượt trội so với phần lớn bạn cùng lứa. Nhưng một vấn đề không lường trước được đã nảy sinh: Lúc nào bé cũng thèm ăn, nhưng phải là những đồ ăn nhiều ngọt hoặc đồ ăn nhanh, nhất là gà chiên, bánh hamburger, xúc xích…

Đồ uống cũng nhất định phải Coca, Pepsi hay ít nhất Soda. Từ đứa trẻ cả buổi bố mẹ làm mọi cách cũng không ăn được nửa bát cơm, giờ đến bữa, chẳng cần giục giã, vèo cái đã thấy sang bát thứ hai; nhưng với điều kiện là phải cơm có thịt cá đầy đủ. “Mới lớp 3 đã 40 kg rồi. Bắt nhịn thì không được, nhìn con lúc nào cũng hau háu với đồ ăn, tội lắm”, anh Minh than thở.

Cũng loay hoay với nỗi lo thừa cân của con như gia đình anh Minh, nhưng chị Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) lại khác một chút: Cậu con đầu ngay từ bé đã bụ bẫm, chị cũng không để ý lắm đến việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bé. Con đầu cháu sớm, cả nhà lại xúm vào chăm sóc, thích ăn uống gì cũng chiều, năm nay cháu vừa học xong lớp 5, nhưng cân nặng thì như người trưởng thành, với xấp xỉ 55 kg. Trong khi đó cậu con trai thứ hai, kém anh 3 tuổi, lại còi cọc và kém ăn uống ngay từ bé, bồi bổ cách gì cũng không được; năm nay lên lớp 4 mà mới được 25 kg.

“Hai anh em hai chế độ ăn uống. Muốn giảm cân cho đứa đầu nhưng đứa sau lại cần bồi bổ. Thằng anh nhìn chế độ ăn của thằng em, bảo con bóp mồm bóp miệng kiểu gì? Trong khi thằng em thấy thực phẩm nhiều dinh dưỡng một chút là gẩy ra, không thì mắt trước mắt sau lại đẩy sang cho ông anh. Bữa ăn nào cũng phải giám sát chặt và quát nạt rát cổ, nhưng phần lớn rồi mình cũng phải thỏa hiệp bằng cách lờ đi, chứ nhìn con cái ăn uống khổ sở thế không đành lòng”, chị Mai chia sẻ nỗi khổ…

Những sai lầm phổ biến khi giảm cân cho trẻ

Tác hại của thừa cân béo phì đối với sức khỏe là không phải bàn cãi. Đặc biệt đối với trẻ, sự thừa cân béo phì còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển của các bé, cả về thể chất lẫn tâm sinh lý, do đó, việc giảm cân là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc giảm cân cho người lớn đã là khó, thì với trẻ em, điều này còn nan giải gấp bội phần. Chẳng những từ việc hầu hết trẻ không có ý thức được rằng mình cần giảm cân (sự quyết tâm tự thân, quyết định phần lớn sự thành bại của nỗ lực lấy lại dáng vóc của bất cứ ai), mà sai lầm trong cách giảm cân cho con của phần lớn các ông bố bà mẹ cũng khiến mọi nỗ lực xuống sông xuống biển.

BS L.T. Phương, nguyên BS bệnh viện 19/8 (Hà Nội) chỉ rõ; Một trong những sai lầm thường thấy nhất là cắt giảm khẩu phần ăn của con trong các bữa cơm, thay vào đó là hoa quả, thậm chí có người coi hoa quả như rau xanh đối với trẻ. Thực tế trái cây là thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ rất tốt cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, một số loại trái cây như chuối, nho, táo… rất giàu năng lượng, nhất là chứa nhiều đường, ăn nhiều cũng sẽ gây béo.

Nhịn ăn sáng càng sai. Với người lớn, sức khỏe tốt, nhịn ăn sáng đã là điều không nên, bởi khi cơ thể không được cung cấp năng lượng để sẵn sàng một ngày mới, sẽ rất mệt mỏi và không thể tập trung vào việc gì. Bất cứ đứa trẻ nào bị bỏ đói, sẽ ăn nhiều hơn vào bữa tiếp theo để bù năng lượng, như vậy chỉ khiến cân nặng càng tăng cao.

Ngay việc thực hiện chế độ ăn mà quên mất yêu cầu tăng cường vận động thì tác dụng cũng không cao. Hãy tắt ti vi hay máy tính bảng đi, mỗi ngày lên kế hoạch vận động cụ thể cho trẻ, có thể cùng bố mẹ chơi bóng đá, nhảy dây, đi bơi… “Đừng nghĩ cứ vận động là phải tập thể dục, điều này sẽ khiến trẻ có cảm giác bị đày đọa, từ đó rất sợ và tìm cách lẩn tránh mỗi khi được yêu cầu vận động”, BS Phương khuyên.

Cũng theo BS Phương, người lớn hay trẻ nhỏ khi giảm cân cũng đều có kế hoạch cụ thể, từ chế độ ăn uống đến vận động phù hợp. Điều quan trọng với trẻ sự khuyến khích động viên của cha mẹ, bởi các em chưa có ý thức được rằng cần phải nỗ lực từ bản thân để giảm cân. Thay vào đó, sự nỗ lực nên do cha mẹ mang lại, bằng những sự động viên khích lệ thiết thực như một phần thưởng nhỏ (món đồ chơi chẳng hạn) mà bé ưa thích, nếu giảm được từng này trọng lượng. Hoặc bố (hay mẹ) thi giảm cân cùng con, nhường bé “thắng” vài lần, bé sẽ rất hứng thú…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ