Hành trình đi tìm công lý qua 2 thế kỉ của tử tù Trần Văn Thêm: Xúc động với lời trăn trối của vợ

Hung thủ thực sự của vụ án ra đầu thú, ông Thêm lẳng lặng được thả về với vỏn vẹn một tờ giấy ghi: Mất sức do vết thương ở đầu. Chính sự thiếu trách nhiệm ấy mà suốt gần 1/2 thế kỉ sau ngày xảy ra vụ án, người đàn ông này vẫn phải gắn trên mình cái mác “kẻ sát nhân”.

Hành trình đi tìm công lý qua 2 thế kỉ của tử tù Trần Văn Thêm: Xúc động với lời trăn trối của vợ

Có lẽ, nếu có thế giới bên kia, ông Trần Khắc Văn cũng chẳng thể ngờ rằng, người anh họ Trần Văn Thêm mà ông từng quý trọng, yêu mến lại phải gánh nỗi oan khiên mang tầm vóc thế kỉ bởi cái chết của chính mình. Có nỗi đau nào lớn hơn bằng nỗi đau phải mang tiếng hàm oan.

Hanh trinh di tim cong ly qua 2 the ki cua tu tu Tran Van Them: Xuc dong voi loi tran troi cua vo - Anh 2

Phải mất tới 46 năm đằng đẵng, ông Thêm mới đòi lại được hai tiếng “trong sạch” cho cuộc đời mình. Ảnh: X.Thắng

Ngày trở về nghiệt ngã

Cuối năm 1975, đối tượng Phan Thanh Nhàn (59 tuổi, trú tại huyện Tam Dương, Vĩnh Phú) ra cơ quan công an đầu thú và khai nhận là hung thủ gây nên cái chết của ông Trần Khắc Văn vào đêm 24/7/1970. Trước tình tiết bất ngờ trên, Bộ Công an đã vào cuộc lật lại vụ án. Ông Thêm được cơ quan chức năng trích xuất ra khỏi phòng biệt giam để phục vụ cho công tác thực nghiệm hiện trường. Từ đây, dấu hiệu oan sai của ông Thêm đã được hé lộ. Đúng ngày 29 Tết năm 1975, “tử tù” Trần Văn Thêm được thả về với lý do: “Mất sức do vết thương ở đầu”.

Đôi mắt đỏ ngầu, chị Trần Thị Xuân (con gái cả của vợ chồng ông Thêm) kể: “Đó là những ngày giáp Tết. Trong khi người người, nhà nhà rục rịch sắm đồ thì mẹ tôi vẫn “đầu tắt mặt tối” chạy ăn từng bữa lo cho các con. Khi nhận thông tin bố được tự do, cả gia đình vui như ngày hội.

Ngày bố tôi trở về nhà, anh em họ hàng quây quần động viên, chia sẻ. Nhưng chẳng ai có thể ngờ rằng, chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng mà đằng đẵng những năm tháng về sau, bố tôi vẫn phải sống chung với cái mác “kẻ giết người”.

Gia đình tôi vẫn chịu sự ngờ vực của nhiều người dân địa phương. Thực sự, những ngày bố tôi mới về, gia đình vừa mừng, vừa tủi. Vậy là sau gần 5 năm, gia đình tôi đã được đón một cái Tết có đầy đủ các thành viên. Mặc dù bố tôi đã được trả tự do, nhưng vì chưa được các cơ quan chức năng minh oan nên nhiều năm sau này, đi đâu ông cũng bị mọi người lảng tránh vì không muốn gần “kẻ giết người”. Khi ấy, bố tôi buồn lắm, mấy mẹ con phải động viên rất nhiều”.

Gạt đi những điều tiếng cay độc đó, nhằm bù đắp lại những tháng ngày vất vả, tủi hờn mà vợ con, người thân đã phải gánh chịu, ông Thêm lao vào lao động sản xuất. Cũng trong những tháng năm đó, bà Tô Thị Nớn (vợ ông Thêm) đã sinh thêm một cậu con trai kháu khỉnh.

Nhưng niềm vui đoàn tụ ngắn chẳng tày gang khi bà Nớn bắt đầu lâm trọng bệnh. Đấy chính là hệ quả của những tháng năm căng mình làm việc, gánh chịu búa rìu dư luận khiến cho sức khỏe bà Nớn bị suy sụp. Vào một ngày đầu năm 1982, người phụ nữ có số phận nghiệt ngã đó đã vĩnh viễn rời xa chồng con.

“Trong giờ phút biệt ly, mẹ chỉ kịp nắm lấy đôi bàn tay sần sùi, đen sạm đi vì nắng mưa của bố để nói những lời trăn trối. Giọt nước mắt trào ra khỏi khóe mắt, mẹ thều thào mong bố tha lỗi vì trót đứt gánh giữa đường, để lại một đàn con nheo nhóc. Mẹ cũng không quên mong bố sống thật kiên cường để tiếp tục hành trình đi kiếm tìm 2 chữ “trong sạch” cho bản thân và cho con, cháu sau này ”, chị Xuân bật khóc nhớ lại.

46 năm mang án tử và 2 từ: “Xin lỗi”

Vợ mất, ông Thêm một mình đèo bòng 6 đứa con. Cảnh gà trống nuôi con vất vả, khổ cực trăm bề. Các anh chị em khác trong gia đình do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên cũng không giúp đỡ được nhiều. Bên cạnh việc nuôi dạy con cái, ông Thêm vẫn không quên lời trăn trối của vợ. Đó chính là động lực lớn lao nhất giúp người đàn ông quê mùa thực hiện cuộc hành trình kiếm tìm công lý.

Trong suốt chặng hành trình xuyên thế kỉ kêu oan của mình, ông Thêm đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người. Trong đó, đầu tiên phải kể đến người cháu ruột tên là Trần Văn Năm. Thời điểm đó, việc tập hợp tài liệu, chứng cứ để minh oan cho bản thân đối với ông Thêm là vô cùng gian nan. TAND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) là địa điểm đầu tiên người tù thế kỉ gõ cửa để xin lại trích lục bản án, nhưng tòa trả lời hồ sơ không còn.

Mò mẫm đi tìm công lý, ông Thêm tìm gặp lại bà Tạ Thị Minh Tâm, nguyên thẩm phán - chủ tọa phiên tòa (người đã từng kết án ông) để xin xác nhận. Bên cạnh đó, 2 cán bộ công an trực tiếp điều tra vụ án là ông Cù Văn Tiện (nguyên Phó trưởng Ban Chỉ huy Cảnh sát hình sự, Sở Công an tỉnh Vĩnh Phú) và ông Hoàng Văn Diệu (nguyên cán bộ Công an huyện Tam Dương, Vĩnh Phú) cũng đã làm đơn xác nhận họ từng điều tra vụ án của ông Thêm. Theo đó, do hung thủ thực sự ra nhận tội nên ông Thêm đã được tha tù.

Nhưng từng đấy tài liệu vẫn là chưa đủ để người tử tù Trần Văn Thêm thuyết phục được các cơ quan chức năng công khai xin lỗi, trả lại sự trong sạch cho mình. Về sau này, khi ông Năm sức khỏe yếu dần, người cháu họ khác của ông Thêm là Trần Văn Được đã tiếp nối cuộc hành trình. Và cơ duyên tới, khi ông Thêm tiếp xúc với luật sư Vũ Văn Lợi (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Sau khi xem xét hồ sơ, ông Lợi đã nhận lời trợ giúp pháp lý miễn phí cho ông Thêm. Mấu chốt của vấn đề được xác định là phải tìm cho được bản án kết tội ông Thêm. Sau nhiều nỗ lực luật sư Vũ Văn Lợi cùng ông Thêm đã tìm được tài liệu quan trọng trên được lưu giữ tại Công an tỉnh Bắc Ninh. Sau khi củng cố đầy đủ căn cứ pháp lý, ông Thêm làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Chiều 9/8/2016, cơ quan chức năng sau khi xem xét hồ sơ đã kết luận rằng ông Thêm bị oan. Sáng 11/8 vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã diễn ra lễ công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với người tử tù thế kỉ Trần Văn Thêm.

Tại buổi lễ, Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã công bố và trao quyết định đình chỉ bị can cho ông Thêm. Trong khi đó ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND Tối cao đọc lời công khai xin lỗi. Sự kiện trên cũng là dấu mốc khép lại hành trình gần 1/2 thế kỉ đong đầy nước mắt, đau thương của người tù Trần Văn Thêm đi đòi lại hai tiếng “trong sạch” cho cuộc đời mình.

Cái mác “kẻ giết người”, cùng những lời đồn đoán độc ác đã thực sự đẩy gia đình ông Thêm xuống bùn đen, đất đỏ. Hành trình kiếm tìm hạnh phúc của con cái ông cũng vì vậy mà gặp muôn vàn khó khăn. Vốn là cô gái xinh đẹp, nết na có tiếng trong vùng nhưng khi tới tuổi cập kê, chị Trần Thị Xuân chẳng có ai ngó ngàng tới. Nguyên nhân chỉ vì chị là con của “kẻ giết người”.

Một thời gian sau đó, vượt lên tất cả những định kiến, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hợp (trú cùng thôn) đã dũng cảm ngỏ lời cầu hôn với chị Xuân trong sự dị nghị của xóm làng. Gạt đi những giọt nước mắt đắng cay, họ đã cùng nắm chặt tay nhau tiến về phía trước. Giờ đây nhắc lại giai đoạn đầy đắng cay đó, chị Xuân không khỏi nghẹn ngào.

Theo GĐ&XH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.