Tháng 10/2012, người dân xã Tân Động (Tứ Kỳ) và người dân thôn Vạn Tuế tò mò, háo hức chờ đợi một đám cưới. Họ không tò mò, háo hức sao được khi cô dâu là một người bị ảnh hưởng chất độc màu da cam, nửa khuôn mặt biến dạng, còn chú rể bị tai nạn, liệt nửa người, di chuyển bằng xe lăn và không còn khả năng làm cha.
Cho đến bây giờ, khi nhắc lại những ngày đầu mới gặp nhau, cả anh Trình, chị Vân vẫn không khỏi ngượng ngùng, nhìn nhau cười khúc khích.
Anh Trình kể: “Đúng là yêu nhau qua lời nói, mến nhau qua nụ cười. Vợ tôi mặc dù khuôn mặt không được như bao cô gái khác nhưng giọng nói của cô ấy nghe tình cảm vô cùng và đặc biệt là cô ấy rất vui vẻ, vượt qua mặc cảm. Tôi rất phục cô ấy ở điểm này. Còn sau này, khi lấy nhau rồi, cô ấy thủ thỉ là mến tôi bởi tôi có nụ cười hiền, ấm áp”.
Vậy là từ lần gặp gỡ đầu tiên do bạn bè mai mối, giới thiệu đó, họ đã có tình ý với nhau. Rồi hạnh phúc đơm bông kết trái, họ quyết tâm tổ chức đám cưới dẫu biết cuộc sống phía trước có muôn vàn khó khăn.
Ngồi bên cạnh chồng, chị Vân kể, chị chưa một ngày được đến trường, bởi khối u to mọng trên khuôn mặt khiến không ít đứa trẻ cùng tuổi khóc thét khi nhìn vào. Tuổi thơ cứ lặng lẽ trôi đi.
Khi chị vừa tròn 18 tuổi, thấy hoàn cảnh của chị, một công ty may mặc trên địa bàn cho chị vào làm. Dù còn không ít mặc cảm, nhưng chị vẫn chăm chỉ sớm tối, tận tụy với công việc.
Tuy nhiên, chị rất ít khi tham gia giao lưu cùng bạn bè nên cái tin chị lấy chồng khiến làng trên xóm dưới bàn tán xôn xao suốt nhiều tháng trời.
Nhiều người háo hức chờ đợi ngày vui của chị để được tận mắt chứng kiến hình ảnh người đàn ông dũng cảm “liều mình” xây dựng lứa đôi với người vợ bị nhiễm chất độc màu da cam.
Cửa hàng sửa chữa điện thoại đồng thời là tổ ấm của vợ chồng anh Trình. |
Đám cưới đến, hàng trăm người dân, phần lớn trong số đó là bạn trẻ, làng xóm láng giềng, người trong xã, đứng chật kín đường chào đón cô dâu, chú rể trong đám cưới đặt biệt.
Khi đoàn xe đưa chú rể và cô dâu từ Tứ Kỳ (Hải Dương) đến con đường bêtông vào thôn Vạn Tuế, hàng trăm người đứng chật lối đi vỡ òa trong niềm xúc động.
Tuy còn ngượng ngùng, nhưng cô dâu vẫn dũng cảm đẩy chiếc xe lăn đã được kết hoa tân hôn đưa chú rể vượt qua con đường đông kín người về nhà.
“Đến giờ tôi vẫn không nghĩ là mình đã có vợ, vì trước đó tôi nghĩ, mình chỉ sống một mình để không làm khổ ai, không để ai phải bận tâm chăm sóc.
Cách đây hơn 10 năm, sau một tai nạn lao động, tôi bị liệt nửa người. Từ chàng trai khỏe mạnh, tôi thành người khuyết tật, chân tay queo quắt, phải nhờ bố mẹ giúp đỡ trong sinh hoạt.
Mãi về sau này, tôi mới quen dần, chủ động hơn trong sinh hoạt của bản thân. Nay tôi đã có vợ, người bình thường mừng 5, 7 phần thì tôi phải mừng đến 15, 20 phần” - Anh Trình cười nhìn sang vợ âu yếm.
Sống như bông như hoa
Từ ngày lấy vợ, anh Trình vẫn tiếp tục công việc sửa chữa điện thoại trong gian nhà được dựng lên trên mảnh đất mượn của người họ hàng tốt bụng.
Vợ chồng anh đã cải tạo thêm gian trong để lấy chỗ nấu nướng, sinh hoạt. Ngôi nhà tuy không to, không có đầy đủ tiện nghi, nhưng luôn ấm cúng, thơm mùi cơm chín.
“Hàng ngày, tôi vẫn sửa chữa điện thoại kiếm vài chục nghìn đồng. Ngày đông khách thì kiếm được trăm hơn trăm kém, còn vợ tôi nhận hàng về thêu tay.
Mỗi ngày công thêu, cô ấy cũng kiếm được 60.000 đồng, cộng với thu nhập của tôi thì hai vợ chồng cũng đủ để trang trải, ăn tiêu và dành dụm được một ít.
Số tiền dành dụm đó không nhiều nhưng để đề phòng khi hai vợ chồng ốm đau. Vợ tôi bị chất độc màu da cam, mặt dị dạng nên hay bị ho, hen phế quản.
Quan trọng nhất là vợ chồng tôi cố dành dụm có tấm có món để xin một đứa con về nuôi. Ai mà không mong muốn được nghe con gọi tiếng cha, tiếng mẹ, nhưng giờ hai vợ chồng tôi chưa đủ điều kiện. Nghĩ vậy nên hai vợ chồng càng cố gắng” - Anh Trình tâm sự.
Là hai con người cô đơn, từng nghĩ sẽ không lập gia đình, nên khi tìm thấy một nửa của đời mình, họ đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn nhiều.
Sản phẩm thêu khéo léo của chị Vân. |
“Lấy chồng, không thể tiếp tục đi làm ở công ty may nên tôi làm công việc thêu thùa học được từ mẹ ngày còn nhỏ. Quê tôi trước kia có nghề thêu truyền thống nên tôi cũng học được nhiều kinh nghiệm thêu của những người đi trước.
Giờ tôi nhận hàng bên quê mẹ mang về thêu, thêu xong, tôi đem trả hàng rồi lại nhận hàng mới. Đây là hàng thêu xuất khẩu nên đòi hỏi phải cẩn thận từng li từng tý một nhưng không vì vậy mà tôi nản lòng.
Chồng tôi tinh ý lắm, vợ có tâm sự là biết liền. Đúng là vợ chồng lấy nhau để san sẻ với nhau mọi thứ, từ ngày về với nhau, sớm tối vợ chồng bên nhau, chồng sửa điện thoại, vợ ngồi thêu, lúc nào cũng được gần nhau, có khó khăn gì hai vợ chồng lại động viên nhau vượt qua.
Người đời thường nói “nồi nào úp vung nấy”, chúng tôi cũng biết vậy nên chưa bao giờ phàn nàn điều gì về nhau. Chúng tôi cũng chưa bao giờ giận nhau lâu quá 1 giờ, tôi có giận anh ấy thì cũng chỉ được một chốc một lát vì lý do: Anh ấy chưa chịu bỏ thuốc lào” - Chị Vân cười tươi tâm sự.
Tâm sự với chúng tôi khi năm cũ 2014 đã qua đi, anh Trình cho biết, sang năm mới anh cảm thấy rất phấn khởi vì cuộc đời không lấy đi tất cả như anh đã từng tuyệt vọng.
Anh có vợ hiền, có công việc ổn định, có gia đình vẫn luôn ở bên cạnh yêu thương, động viên. Năm mới, anh mong hai vợ chồng càng yêu thương nhau, cửa hàng điện thoại sẽ đông khách, vợ anh sẽ thêu được nhiều hàng hơn để tết năm sau vợ chồng anh có thể đón một “thiên thần” về nhà.