“Hạnh phúc lớn nhất là chọn nghề dạy học”

GD&TĐ - 50 tuổi đời và 30 tuổi nghề, những tưởng thời gian đó đã nhạt phai cảm xúc tươi mới của lòng yêu nghề mến trẻ, thế nhưng cô giáo Nguyễn Thị Bớt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quế Lộc (huyện Nông Sơn - tỉnh Quảng Nam) vẫn giàu lòng nhiệt huyết, tận tụy với nghiệp “trồng người”.

“Hạnh phúc lớn nhất là chọn nghề dạy học”

Bên cạnh những thành tích cao đã đạt được, có lẽ với cô, niềm yêu quý của đồng nghiệp và học sinh, sự tin tưởng của phụ huynh là phần thưởng vô giá mà cô xứng đáng nhận được.

Yêu trò, say mê nghề nghiệp

Cô giáo Nguyễn Thị Bớt sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Duy Xuyên (Quảng Nam) hiếu học và giàu truyền thống cách mạng. Từ thuở bé cô ấp ủ ước ao sau này mình trở thành cô giáo, ngày ngày được đứng trên bục giảng, nên khi tốt nghiệp THPT, không chút do dự và được sự ủng hộ của người thân, cô đăng ký thi vào Trường Trung cấp Sư phạm Thanh Khê (Đà Nẵng).

Năm 1986 tốt nghiệp loại giỏi ra trường và được cấp trên phân công về giảng dạy ở Duy Hải - một xã nghèo thuộc vùng ven biển của huyện Duy Xuyên. Năm 1988, cô lập gia đình và theo chồng về công tác tại Trường Phổ thông cơ sở Quế Lộc. Trong thời gian dạy học, tình yêu nghề đã giúp cô vượt qua mọi gian lao, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được đồng nghiệp tin yêu, tín nhiệm. Nhận thấy năng lực và phẩm chất đạo đức ở cô nên sau nhiều năm làm giáo viên, cô đã được đề bạt qua một số vị trí công tác và nay là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quế Lộc.

Đếm bước thời gian, đã 30 năm trôi qua kể từ ngày bầu bạn với phấn trắng bảng đen, vẫn lộ trình, dáng người và đôi chân không mỏi ấy, ngày nào cô cũng tất bật, bận rộn với công việc được giao. Khi được hỏi, cô mỉm cười rồi trải lòng: “Những ngày đầu chập chững vào nghề, mọi thứ đều mới mẻ, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn nhưng vì yêu nghề, thương trò nên tôi bám lớp bám trường tới tận hôm nay và có thể nói, hạnh phúc lớn nhất của tôi là đã chọn nghề dạy học”.

Cũng theo cô Bớt, khi còn là giáo viên đứng lớp, những lúc học sinh chưa hiểu bài tường tận, cô tự nguyện ở lại dạy thêm giờ. Hay như nhiều trò khác có hoàn cảnh khó khăn song ham học, cô chủ động tham mưu với lãnh đạo nhà trường cùng với một số thầy cô khác tự nguyện dạy bồi dưỡng mà không nhận bất cứ khoản tiền thù lao nào từ phía phụ huynh. Không phụ công cô thầy, nhiều học sinh đã mang về vinh quang và liên tiếp ghi tên vào bảng vàng thành tích của nhà trường.

Không ngừng học tập

“Là giới nữ ở vị trí lãnh đạo cũng có nhiều mặt hạn chế. Tuy nhiên, phụ nữ có nhiều ưu thế như mềm dẻo, chăm chỉ, theo sát, tận tâm, linh động, chu đáo nên dễ tạo ra sự đoàn kết trong đơn vị” - cô Bớt cho hay. Bên cạnh đó, với phương châm học tập suốt đời nên cô không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành công việc của một người quản lý.

Để nâng cao trình độ chuyên môn, cô còn tham gia các lớp nâng chuẩn và đã hoàn thành xong chương trình đại học, lớp Trung cấp lý luận chính trị. Mặc dù với cương vị là một người lãnh đạo, nhưng lúc nào cô cũng gần gũi, thân thiện và dành thời gian quan tâm đến đồng nghiệp, học sinh. Cô luôn xác định cho mình phải đi đầu trong mọi hoạt động, gương mẫu trước tập thể hội đồng sư phạm nhà trường, quần chúng nhân dân.

Từ khi nhận nhiệm vụ mới, cô gặp không ít trở ngại và bắt tay ngay vào công tác chấn chỉnh cơ cấu tổ chức nhà trường, vận dụng linh hoạt phương pháp dạy học tích cực, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm áp dụng trong giảng dạy phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhà trường, chia sẻ cùng đồng nghiệp những vướng mắc về chuyên môn.

Đồng thời, cô không ngừng tham mưu các cấp chính quyền để xây dựng cơ sở vật chất trường học nên chất lượng dạy học từng bước được cải thiện, nâng cao. Một trong những thành tích đáng ghi nhận nhất có sự đóng góp công sức rất lớn của cô đó là: Trường Tiểu học Sơn Viên được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đầu tiên của huyện từ năm 2011.

Với sự cống hiến hết mình và trái tim bỏng cháy, tận tâm với nghề nên cô vinh dự được các cấp chính quyền địa phương và ngành tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen cao quý. Nói về các thành tích của mình, cô chỉ cười. Tâm sự về nghề lại khiến cô hoạt bát hẳn lên: “Để có một tiết dạy hoàn chỉnh, kích thích sự hưng phấn, thu hút học sinh qua từng lời giảng, mỗi người thầy cần phải đầu tư rất nhiều công sức, thời gian chuẩn bị trước đó và đôi khi còn đóng vai trò như một người bạn để sẵn sàng sẻ chia”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ