Nhưng tuyến hành lang này đang bị tắc nghẽn do Nga dừng tham gia với cáo buộc Ukraine lợi dụng để vận chuyển thiết bị quân sự.
Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip hôm 2/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Ukraine cần phải đưa ra bảo đảm chắc chắn sẽ không lạm dụng hành lang cho mục đích quân sự, thì Nga mới có thể tái tham gia cam kết để dòng chảy ngũ cốc thông suốt trở lại trên Biển Đen.
Trước đó, Nga đã đình chỉ vô thời hạn việc tham gia vào thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen hôm 29/10 sau một vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào căn cứ hải quân Nga tại thành phố cảng Sevastopol, bán đảo Crimea. Quân đội Nga cáo buộc Kiev là bên đứng sau âm mưu này bằng cách lợi dụng hành lang ngũ cốc trên Biển Đen để đưa thiết bị quân sự áp sát và tấn công Crimea.
Do đó, quân đội Nga cho đóng cửa hành lang ngũ cốc trên Biển Đen với lý do không đảm bảo được an ninh do Ukraine sử dụng nó cho mục đích quân sự. Nga cũng cho biết sẽ tiến hành một cuộc điều tra chi tiết về việc vận hành hành lang xuất khẩu ngũ cốc nói trên để làm rõ các bằng chứng cho thấy nó đang bị phía Ukraine lạm dụng không đúng mục đích.
Đáp trả các cáo buộc của Nga, phía Ukraine cho rằng Nga chỉ đang “cố tình viện cớ” để rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc đã ký trước đây, chặn dòng chảy ngũ cốc của Ukraine ra thế giới. Đồng minh thân cận của Ukraine là Mỹ thì cáo buộc Nga đang cố tình “vũ khí hóa” lương thực khi dừng hành lang này.
Cả Nga và Ukraine đều là hai nhà xuất khẩu lúa mì và ngô lớn nhất thế giới nên khi hành lang ngũ cốc trên Biển Đen dừng lại, các tàu vận tải không thể hoạt động đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung mặt hàng này. Giá lúa mì thế giới lập tức có phản ứng theo xu hướng tăng trong ngày 31/10 và 218 tàu chở ngũ cốc đã bị chặn hoàn toàn không thể xuất bến hay di chuyển đưa hàng hóa qua Biển Đen.
Khi xung đột nổ ra hồi cuối tháng 2/2022, nguồn cung ngũ cốc từ Nga và Ukraine bị dừng lại do bất ổn trên Biển Đen. Để khai thông thế bế tắc, Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Liên Hợp Quốc đã nỗ lực với vai trò trung gian để Nga và Ukraine đạt thỏa thuận về Sáng kiến Biển Đen, thiết lập hành lang ngũ cốc trên biển hồi tháng 7/2022 tại Istanbul.
Kể từ khi hành lang này được thiết lập, các tàu chở ngũ cốc từ các cảng của Ukraine đã được phía Nga đảm bảo an toàn, qua đó góp phần ổn định thị trường và kiềm chế giá toàn cầu sau khi leo thang kỷ lục, đồng thời giúp ngăn chặn nguy cơ nạn đói xảy ra do thiếu lương thực ở các quốc gia nghèo phụ thuộc vào nhập khẩu mặt hàng này.
Sau 3 tháng vận hành tương đối suôn sẻ, hành lang ngũ cốc Biển Đen lại đang bị đóng lại do các cáo buộc qua lại giữa các bên. Ngoài những ảnh hưởng lâu dài đến thế giới do cuộc xung đột Nga - Ukraine nói chung gây ra, một số diễn biến cụ thể như việc đóng cửa hành lang ngũ cốc này cũng có thể gây ra những tác động ngay lập tức tới toàn cầu. Điều này càng cho thấy việc giải quyết cuộc xung đột này có ý nghĩa như thế nào với thế giới.