Hành khúc gian nan của giáo viên mầm non nơi biên cương

Xã MôRai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum là vùng đặc biệt khó khăn, cách xa trung tâm huyện 60 km. Người dân địa phương nơi đây chủ yếu là người dân tộc J’rai và Rơ mâm, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn nhiều thiếu thốn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao (53%).

Các cháu được tổ chức ăn, ngủ tại trường
Các cháu được tổ chức ăn, ngủ tại trường

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 78 (Công ty 78) đ­­ược Đảng, Nhà nư­­ớc, Quân đội giao nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng an ninh dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia trên địa bàn chiến l­­ược này Hiện Công ty TNHH MTV 78 có khoảng hơn 1.200 công nhân với hơn 500 hộ gia đình, có gần 1.000 các cháu học sinh thuộc các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Do đặc thù công việc thu hoạch mủ cao su, những công nhân ở đây phải làm việc trên lô từ 12 giờ đêm, đây cũng chính là thời gian họ phải gửi con đến trường. Do vậy, hoạt động của trường mầm non Công ty 78 không giống như những trường mầm non khác trong toàn ngành giáo dục. Một ngày làm việc của các cô giáo nơi đây bằng việc bắt đầu đón học sinh từ lúc 23 giờ 30 phút và kết thúc vào 18 giờ hàng ngày.

Khi con gà rừng còn chưa kịp cất tiếng gáy, thì chính tại nơi đây, đội ngũ giáo viên của nhà trường đã đến lớp để đón các cháu là con của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động thuộc Công ty 78. Các cháu gồm nhiều lứa tuổi khác nhau, cháu nhỏ nhất là 3 tháng tuổi, cháu lớn nhất là 5 tuổi, được bố mẹ đưa đến gửi các cô để thực hiện nhiệm vụ.

Thời gian của các cháu khi đến lớp, việc đầu tiên là ngủ, đến 6 giờ sáng được cô đánh thức dậy để vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Với cháu nhỏ trong thời kỳ còn bú mẹ thì được cô cho uống sữa do mẹ các cháu ủ ấm trong bình mang tới, với những cháu trong chế độ ăn cháo, ăn cơm được nhà trường tổ chức cho các cháu ăn bán trú theo chế độ dinh dưỡng và khẩu phần ăn quy định. Sau đó, các cháu được tham gia vào các hoạt động học tập, vui chơi, nghỉ ngơi theo kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ của nhà trường. Các cháu trong vòng tay cô giáo yên tâm no giấc và lớn lên từng ngày.

Một ngày ở trường của các cháu với cô không phải 9-10 tiếng như các bạn khác, mà là 18-19 tiếng. Cô cho ăn, cô dỗ ngủ, cô vệ sinh cá nhân cho bé, cô dạy cho bé tất cả mọi điều cần thiết. Bé được dạy nào là kỹ năng sống, kiến thức để bé khám phá môi trường xung quanh, làm quen với toán, văn học, chữ viết, về thẩm mỹ, hội họa, âm nhạc, phát triển thể chất…. Không những thế, bé còn được cô quan tâm, chăm sóc, trìu mến, bảo vệ như chính mẹ của bé. Tình yêu đó có cả sự dịu dàng, trách nhiệm và cả những âm thầm cống hiến cho quân đôi và tương lai đất nước.

Mỗi ngày gần 20 tiếng làm việc ở trường, nào là tiếng trẻ khóc, nào là trẻ chạy va vào nhau ngã, trẻ đánh nhau… cô phải là người dỗ dành, làm yên lòng trẻ, tạo cho trẻ một cảm giác an toàn khi ở cùng cô. Rồi việc soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học, từng mũi tiêm phòng của cháu cũng đến tay cô. Không kể những lúc cháu ốm, cô là người trực tiếp trao đổi với quân y về bệnh tình của cháu để cháu được điều trị. Các cô không có ngày thứ bảy, chủ nhật, không nghỉ ngày lễ tết, không có nghỉ hè… Tất cả mọi công việc lẽ ra chỉ trong 9 tháng một năm học, nhưng các cô làm cả 12 tháng, với khoảng thời gian 19, 20 tiếng mỗi ngày. Nhưng khi được hỏi đến công việc của mình, chẳng cô nào một lời phàn nàn. Cô giáo Trần Thị Lương ở điểm trường đơn vị Đội sản xuất số 4 trả lời “Nhà giáo không bao giờ được quên một chân lý bình thường nhưng lớn lao:“Để làm một thầy giáo giỏi, trước hết phải biết yêu điều mình dạy và những người mình dạy.  Giáo viên mầm non là một nghề rất đặc biệt, là nhà giáo nhưng không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc và hơn hết đây là nghề làm vì tình yêu.

Công nhân Đinh Thị Thoan, Đội sản xuất số 10 tâm sự: “Khi chưa có lớp học như thế này thì vợ chồng chúng tôi không thể thực hiện nhiệm vụ được, bởi vì con cái còn nhỏ vợ chồng đi làm từ lúc 12 giờ đêm thì không biết gửi cho ai. Đứa con đầu lòng vợ chồng tôi phải thay nhau một người ở nhà giữ con, còn một người đi thực hiện công việc của hai người, rất vất vả. Từ khi có lớp học như thế này, vợ chồng tôi gửi con đến lớp để đi làm mới hoàn thành được nhiệm vụ. Chúng tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều, cuộc sống cũng đỡ vất vả, căng thẳng hơn”.

Trường mầm non Công ty 78 hiện có 12 điểm trường, 485 trẻ, được chia thành 20 nhóm lớp với 50 giáo viên. Các lớp hoạt động đều đặn, ngày thường cũng như ngày lễ. Kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ công tác dạy và học của nhà trường do Công ty đầu tư trang cấp, phụ huynh gửi con đến trường không phải đóng góp bất kỳ một khoản tiền nào. Tính đến nay trường mầm non Công ty 78 đã hoạt động được 9 năm. Một khoảng thời gian không dài so với một số trường trên địa bàn nhưng với những việc làm thầm lặng, sự hy sinh của những cô giáo trường mầm non Công ty 78 đã để lại cho chúng ta nhiều điều phải suy nghĩ và trăn trở. Nhắc tới họ, chúng ta luôn cảm thấy tự hào bởi giữa thời bình đã có thêm một “hành khúc ngày và đêm” được ngân vang trong lòng người dân xã MôRai về những con người đã chọn một nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.

Một đơn vị Quân đội với nhiệm vụ của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và lao động sản xuất đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Công ty 178 đã cùng các cô giáo mầm non tạo nên niềm tin, động lực giúp người lao động yên tâm công tác, gắn bó xây dựng đơn vị, góp phần xây dựng quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Theo Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ