(GD&TĐ) - Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác y tế trường học trong giai đoạn tới, ngày 17-11, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 84/2009/QĐ-TTg ngày 4/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 - Tầm nhìn đến năm 2020 và tiến hành ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT về bảo vệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, HS-SV trong các cơ sở GD thuộc hệ thống GD quốc dân giai đoạn 2012 - 2020.
Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã tới dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có sự hiện diện của PGS.TS.Trần Quang Quý - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; PGS.TS.Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế; TS Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành, đoàn thể TW, các tỉnh thành, đại diện các tổ chức quốc tế, Sở GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ, TCCN trong toàn quốc...
PGS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế và PGS.TS Trần Quang Quý - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký kết Kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế và GD-ĐT. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS. Trần Quang Quý - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: “Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ sức khỏe của trẻ em, HS-SV từ nhiều năm nay luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ. Ngành Y tế và ngành Giáo dục đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ thực hiện các nhiệm vụ được giao, hướng tới mục tiêu giảm tỉ lệ mắc bệnh, tật và nâng cao sức khỏe cho HS-SV, bảo đảm cho các em được phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Quyết định 84 về Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng cho những hoạt động phối hợp liên ngành nhằm tăng cường nỗ lực chung để giải quyết các vấn đề bức xúc trong công tác dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Bản báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 84/2009/QĐ-TTg do TS Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV- Bộ GD-ĐT trình bày đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về công tác phòng, chống HIV, AIDS và giảm kỳ thị mà ba ngành Giáo dục, Y tế và LĐ-TB&XH đã làm được trong thời gian qua. Sự bắt tay tích cực vào cuộc của ba ngành đã thúc đẩy việc kiện toàn Ban Điều phối và chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS các cấp; Nghiên cứu, rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn về công tác bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Công tác giáo dục, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ được quan tâm. Các hoạt động tuyên truyền giáo dục được thực hiện lồng ghép trong giảng dạy chính khóa và hoạt động ngoại khóa với những hình thức phong phú. Nhờ đó, việc tiếp cận các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận giáo dục, và hưởng chính sách xã hội của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã được cải thiện.
Nhiều dịch vụ thiết yếu và thân thiện đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã được hình thành và ngày càng được mở rộng như hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, các dịch vụ về chăm sóc, điều trị, tư vấn cho trẻ nhiễm HIV, cung cấp thuốc ARV miễn phí cho bà mẹ mang thai và trẻ em, xét nghiệm PCR để chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... Các mô hình kết nối toàn diện, tiếp nhận và chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại các cơ sở giáo dục MN, các trường công lập được tăng cường.
Vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em nói chung và trẻ em trong các trường học về cơ bản đã giảm đáng kể. Hầu hết trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV đã được học và hòa nhập cộng đồng, không bị kỳ thị và phân biệt đối xử khi tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác...
Việc cung cấp kiến thức và hướng dẫn bảo vệ, chăm sóc trẻ; các dịch vụ chăm sóc, tư vấn, phổ biến chính sách xã hội hiện hành và các quy trình cung cấp dịch vụ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cho giáo viên, người nuôi dưỡng và người chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIVđược quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện Quyết định số 84 cũng nảy sinh nhiều những khó khăn, hạn chế, cần tìm ra những giải pháp phù hợp để khắc phục. TS Ngũ Duy Anh chia sẻ: Đó là sự hạn chế trong nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và cộng đồng, của cả cán bộ, GV, HS-SV về công tác phòng, chống HIV/AIDS, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Nhận thức và hiểu biết về Luật Phòng, chống HIV/AIDS và những quy định đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS của một số cán bộ quản lý các cấp, GV, HS và phụ huynh cũng chưa cao. Công tác truyền thông mặc dù được chú trọng song cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thay đổi hành vi, nhất là chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS...
Phần tham luận của đại biểu Phan Ngọc Tuấn - Sở GD-ĐT Hà Nội, Nguyễn Thị Phương - Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số II (Ba Vì, Hà Nội), Võ Kim Loan - GĐ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Đồng Nai, Dương Duy Hưng- Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên ...đã làm rõ nét, sinh động hơn kết quả 3 năm thực hiện Quyết định số 84, giới thiệu về mô hình giáo dục và hỗ trợ và kết nối dịch vụ chăm sóc, điều trị trẻ em bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hiệu quả tại các địa phương. Cô giáo Nguyễn Thị Hoàn - Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế, Bắc Giang) đã đưa ra những lập luận đầy sức thuyết phục về vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Kết luận hội nghị, TS. Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định Công tác chăm sóc trẻ nhiễm HIV có nhiều thuận lợi nhờ có nỗ lực của các ngành, các cấp, của những người trực tiếp làm công tác chăm sóc trẻ em có HIV. Các nguồn lực dành cho công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe trẻ nhiễm HIV không ngừng được tăng cường và có sự tham gia của các tổ chức. Tuy vậy, còn có những thách thức, nhận thức về vấn đề đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đầy đủ, công tác liên ngành và đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên ngành vẫn còn khoảng cách về số lượng và chất lượng. Việc phân biệt đối xử vẫn tạo ra khoảng cách dài. Nguồn lực còn hạn hẹp. Do đó chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, cần huy động ngày càng nhiều hơn sự tham gia của các tổ chức xã hội.
Phát biểu chỉ đạo và định hướng trong công tác bảo vệ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên và công tác phòng, chống HIV/AIDS trong trường học trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta đang thực hiện những nhiệm vụ lớn, thể hiện trách nhiệm xã hội, thể hiện sự phối hợp các cấp các ngành trong các hoạt động vì sức khỏe trẻ em. Việc sơ kết 3 năm thực hiện là bài học tốt để chúng ta có kinh nghiệm thực hiện tốt hơn nữa Quyết định 84 trong chặng đường tiếp theo. Sau hội nghị này, đặc biệt sau lễ ký kết, chúng ta phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, tốt hơn nữa, đặc biệt nhân rộng các mô hình điển hình làm tốt. Cuộc chiến chống kỳ thị với người bị nhiễm HIV/AIDS vẫn là một chặng đường dài.
Phó Thủ tướng đề nghị, các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác chăm sóc trẻ em.Tiếp tục rà soát, củng cố các văn bản pháp luật, về cơ chế, cách thức phối hợp; Tiếp tục củng cố kiện toàn tổ chức, nâng cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo công tác phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt vai trò của nhà trường.
PGS.TS Trần Quang Quý tặng bằng khen và tặng hoa cho 41 tập thể, 30 cá nhân có thành tích trong công tác phòng chống HIV/AIDS. |
Để triển khai thực hiện chương trình phối hợp giữa hai Bộ Y tế và GD-ĐT về bảo vệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, HS-SV trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2012 - 2020, PGS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế và PGS.TS Trần Quang Quý - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký kết Kế hoạch thực hiện chương trình trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Bình và lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế.
Biểu dương, ghi nhận những thành tích trong công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho HS-SV và đóng góp của các tập thể và cá nhân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và giảm kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, lãnh đạo ba Bộ đã trao Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân của Bộ trưởng Y tế cho 20 cá nhân thuộc Bộ GD-ĐT, tặng bằng khen và tặng hoa cho 41 tập thể, 30 cá nhân.có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống HIV/AIDS thời gian qua.
Kỳ Vũ