Trong tương lai, hàng tỷ hành tinh giống Trái Đất sẽ hình thành. Ảnh: NASA/ ESA/ G. Bacon. |
Phân tích mới dựa trên những dữ liệu do kính viễn vọng không gian Hubble của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và đài thiên văn vũ trụ Kepler chỉ ra phần lớn hành tinh giống Trái Đất chưa ra đời. Hành tinh giống Trái Đất được định nghĩa là hành tinh đá quay quanh sao mẹ ở khu vực thuận lợi cho sự sống, nơi nước có thể tồn tại ở dạng lỏng.
Nghiên cứu không nhằm chứng minh tính hiếm hoi của những hành tinh giống Trái Đất bởi có hàng tỷ hành tinh ngoài hệ Mặt Trời nằm trong khu vực thuận lợi cho sự sống. Đây là một chỉ dẫn về sự hình thành của các vì sao và hành tinh trong tương lai. Những dải ngân hà đang tiến hóa trong vũ trụ sẽ còn tiếp tục sản sinh ra các vì sao và hành tinh trong một thời gian dài.
Trong khi theo dõi quá trình tiến hóa của những dải ngân hà cổ, các nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học Viễn vọng Vũ trụ Baltimore (STScI), Mỹ, nhận thấy dù tiến độ hình thành một ngôi sao rất chậm, lượng khí gas sẵn có để tạo nên ngôi sao nhiều hơn hẳn so với lúc vũ trụ bắt đầu hình thành. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, ngôi sao cuối cùng trong vũ trụ sẽ phát sáng suốt 100 tỷ tỷ năm, khoảng thời gian đủ để hàng tỷ hành tinh giống Trái Đất ra đời.
Những hành tinh giống Trái Đất hiện nay chỉ chiếm 8 % tổng số hành tinh thuận lợi cho sự sống sẽ hình thành trong suốt thời gian tồn tại của vũ trụ.
"Động cơ chính của chúng tôi là hiểu rõ vị trí của Trái Đất so với phần còn lại thuộc vũ trụ. So với tất cả những hành tinh sẽ hình thành trong vũ trụ, Trái Đất ra đời khá sớm", Peter Behroozi, một nhà khoa học hành tinh ở STScI, đồng thời là người đứng đầu nghiên cứu, giải thích.
"Vẫn còn đủ vật liệu sau vụ nổ lớn của vũ trụ để nhiều hành tinh nữa ra đời trong tương lai, ở dải Ngân hà và xa hơn thế", UPI dẫn lời Molly Peeples, đồng tác giả nghiên cứu.
Behroozi và Peeples nhận định các hành tinh tương lai chắc chắn sẽ sinh ra ở những cụm ngân hà khổng lồ và những dải ngân hà lùn, nơi nguồn dự trữ khí gas chưa được sử dụng hết.