Hàng triệu lượt nhà giáo được tuyên truyền trực tiếp về văn bản pháp luật mới

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Đa dạng, sáng tạo đưa thông tin giáo dục pháp luật đến nhà giáo

Khẳng định của Công đoàn giáo dục Việt Nam, thời gian qua đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong cơ quan, đơn vị, trường học. Công đoàn giáo dục các cấp đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, đơn vị, trường học.

Một mặt phổ biến, giáo dục pháp luật; mặt khác chủ động giám sát, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách có liên quan đến CBNGNLĐ trong đơn vị; kịp thời kiến nghị với chính quyền đồng cấp, cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết vấn đề còn tồn đọng về lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phụ cấp đứng lớp, phụ cấp khu vực, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, chế độ nghỉ hưu, thai sản và các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBNGNLĐ đã được pháp luật qui định.

Tính đến ngày 28/02/2018, Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã ban hành và phối hợp ban hành hơn 30 văn bản chỉ đạo trực tiếp về công tác tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ “phổ biến, giáo dục pháp luật” trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động.  

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống tiếp tục được vận dụng sáng tạo, phong phú, đa dạng, như: Tổ chức tư vấn pháp luật, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, phát động phong trào đọc báo pháp luật trong nhà trường, tham gia đối thoại pháp luật trực tiếp trên sóng truyền hình, mời chuyên gia pháp luật đến nói chuyện, thi đố vui, hái hoa dân chủ về kiến thức pháp luật, tổ chức sáng tác tranh, triển lãm tranh về pháp luật, tổ chức hội nghị, tọa đàm, tuyên truyền phổ biến trực tiếp qua các cuộc họp, sinh hoạt dưới cờ, treo băng rôn, áp phích…

Trong đó, có những con số rất đáng chú ý: Tuyên truyền trực tiếp quy mô hơn 150 nghìn cuộc và hàng triệu lượt CBNGNLĐ tham gia; hơn 60.000 tin bài với hàng triệu lượt người truy cập thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên website của các đơn vị; gần 20.000 cuộc thi tìm hiểu về pháp luật có sự tham gia trực tiếp của khoảng 600.000 CBNGNLĐ; 100% các đơn vị báo cáo đã phối hợp cùng chuyên môn xây dựng tủ sách pháp luật…

Đặc biệt trong năm 2015, Công đoàn giáo dục Việt Nam đã xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức Hội thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật trong hệ thống công đoàn giáo d ục Việt Nam - năm 2015”, được hưởng ứng với rất nhiều hình thức thi phong phú, đa dạng từ cấp cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Công đoàn giáo dục Việt Nam cũng cho biết, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống công đoàn giáo dục các cấp, trực tiếp là công đoàn cơ sở chưa đều khắp ở các vùng miền, cấp học, bậc học. Một số đơn vị vẫn còn mang tính hình thức, có tính kỳ cuộc, chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở công đoàn giáo dục các cấp chưa mang tính chuyên sâu. Nhiều công đoàn cơ sở chưa thành lập tổ tư vấn pháp luật…

Bố trí cán bộ nhiệt tình, kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, với mục đích cuối cùng là đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân nói chung và đội ngũ CBNGNLĐ của ngành Giáo dục nói riêng.

Do đó, ở góc độ công đoàn, để công tác này đạt hiệu quả, công đoàn giáo dục các cấp cần coi trọng và xây dựng nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp với chuyên môn, có cơ chế hợp lý, tạo cơ sở pháp lý cho việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật một cách thuận lợi, đồng bộ và có hiệu quả.

Tiếp tục xây dựng tổ tư vấn pháp luật và đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn,phổ biến, giáo dục pháp luật ở mỗi đơn vị công đoàn giáo dục các cấp để tham mưu cho lãnh đạo; phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo và vai trò của người làm công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, trường học.

Đăc biệt, cần bố trí cán bộ có nhiệt tình, có kinh nghiệm và am hiểu pháp luật phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Công đoàn giáo dục các cấp hiện có khoảng 65.000 cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; trong đó có khoảng 40.000 (chiếm 61%) là cán bộ công đoàn chủ chốt.

Tuy nhiên, hầu hết cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu là kiêm nhiệm, hạn chế về thời gian, phương pháp và tài liệu tuyên truyền còn thiếu, hình thức chưa sinh động, yếu về chuyên môn pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng tuyên truyền, chỉ có khoảng 4.000 cán bộ có chuyên môn về Luật. 

Công đoàn giáo dục Việt Nam cũng lưu ý công đoàn giáo dục các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể (cả về nhiệm vụ, kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác) để triển khai và tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện một cách thường xuyên. 

Công đoàn giáo dục Việt Nam sẽ phối hợp với Vụ Pháp chế, Thanh tra, các cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT và Ban Quan hệ Lao động, Ban Tổ chức, các Ban của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để xây dựng đội ngũ cộng tác viên giúp tập huấn, bồi dưỡng pháp luật cho đội ngũ cán bộ công đoàn giáo dục các cấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ