Khởi nghiệp tại Trung Quốc cách đây bốn năm, công ty Dakele được đánh giá có nước đi khôn ngoan khi tung ra thị trường dòng sản phẩm có ngoại hìnhgiống iPhone nhưng giá rẻ.
Nhà sản xuất này phát hành thiết bị đầu tiên chỉ bốn tháng sau khi thành lập, với giá 160 USD. Nhờ vậy, Dakele luôn tăng trưởng gấp đôi so với năm trước đó và nhanh chóng được coi là đối thủ của Huawei hay Xiaomi. Nhiều người cho rằng điện thoại Dakele 3 phát hành năm ngoái là bản sao tốt nhất của iPhone 6.
Tuy nhiên, con đường của Dakele trở nên gập ghềnh và bong bóng của thương hiệu này bắt đầu xì hơi, khi những "ông lớn" tại Trung Quốc bắt đầu tung ra các chiến lược tầm cỡ. Huawei vung tiền chi 300 triệu USD cho quảng cáo và làm thương hiệu, trong khi đó Xiaomi giảm giá sản phẩm và nhanh chóng bắt kịp các công nghệ tiên tiến để đưa lên smartphone của mình.
Rắc rối với một nhà cung cấp và gây quỹ buộc thương hiệu non trẻ Dakele phải đóng cửa vào tháng 3/2016. Theo Bloomberg, khoảng một nửa trong số 300 doanh nghiệp sản xuất smartphone Trung Quốc có thể phá sản trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, sức mua giảm và nền kinh tế tăng trường chậm lại.
"Ngành công nghiệp di động đã thay đổi nhanh chóng và tàn nhẫn hơn so với dự kiến", Giám đốc điều hành Dakele Ding Xiuhong chia sẻ. "Khi bắt đầu, chúng ta khó có thể tìm ra nhiều chiến lược và các giải pháp để vượt qua thử thách".
Doanh số bán smartphone ở Trung Quốc bùng nổ đầu thập niên này khi thu nhập của người dân tăng, trong khi đó giá linh kiện sản xuất như chip và màn hình giảm mạnh, đồng thời các nhà mạng liên tục giảm giá. Thị trường ngập tràn các thương hiệu nội với tiềm lực mạnh từ Huawei, Lenovo hay Xiaomi, đến các công ty nhỏ chẳng hạn Dakele, Tecno Mobile và Gionee.
Theo hãng nghiên cứu Canalys, sản lượng điện thoại thông minh mỗi năm tăng gấp đôi từ năm 2010 đến hết năm 2012. Trong khi đó, giá trị của Xiaomi nhảy vọt lên 45 tỷ USD khi thương hiệu này bắt đầu mở rộng bán smartphone tại Ấn Độ, quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Động thái khác là Lenovo đã chi 2,91 tỷ USD để mua Motorola, trong nỗ lực nâng tầm thương hiệu ra toàn cầu.
Năm 2011, chỉ có bốn trong số 10 thương hiệu di động hàng đầu tại Trung Quốc là doanh nghiệp nội. Con số này vào năm 2015 tăng lên thành tám.
Mức tăng trưởng doanh số smartphone tại Trung Quốc. |
Một làn sóng đã thoái trào. Điện thoại thông minh không còn mới lạ tại đây và hầu hết các thương hiệu Trung Quốc đều nhắm vào phân khúc trung và thấp cấp, nhóm đối tượng không thường xuyên nâng cấp smartphone như những người chọn iPhone hay Samsung Galaxy.
Jack Ding, một người bán điện thoại ở Bắc Kinh được hai năm. Trong tủ của ông bày khoảng 20 thiết bị khác nhau trong đó chủ yếu là sản phẩm nội như Huawei, Lenovo hay ZTE. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh không mấy khởi sắc. "Tôi không chỉ bán điện thoại mà sống", Ding chia sẻ. Trong khoảng 20 phút, chỉ có một khách đến mua một chiếc thẻ nhớ với giá 120 yuan (khoảng 400 nghìn đồng).
Nền kinh tế chung của Trung Quốc đang bị đình trệ với tốc độ tăng trưởng năm ngoái về mốc thấp nhất kể từ năm 1990. Thị trường smartphone tại đây năm 2015 chỉ tăng trưởng 2%, mức thấp nhất từng ghi nhận bởi Canalys. Trong khi đó vào năm 2011 con số này là 150%. Hậu quả là một nửa trong số các nhà sản xuất di động tại đây có thể phải đóng cửa, nhà phân tích James Yan thuộc Counterpoint nhận định.
"Thị trường sẽ tự sàng lọc và ổn định ở khoảng 150 doanh nghiệp", ông Yan nói. "Một số thương hiệu nhỏ vẫn tồn tại, nhưng nhiều công ty như Dakele, sẽ bị phá sản".
Trong khi các hãng nhỏ cạnh tranh thì những tên tuổi lớn liên tục mở rộng thị trường. Hai thương hiệu hàng đầu của Trung Quốc là Xiaomi và Huawei chiếm tổng cộng 30% thị phần nội địa tính đến năm 2015, trong khi đó Apple và Samsung là 22%.
Thị phần các thương hiệu smartphone tại Trung Quốc. |
"Sẽ khó khăn hơn ngay cả với các doanh nghiệp lớn như Huawei hay Xiaomi bởi thị trường ngày càng bão hòa", nhà phân tích Lu của Gartner cho biết. "Để tiếp tục tồn tại, những công ty này sẽ phải mở rộng sang phân khúc giá rẻ và cạnh tranh với các thương hiệu nhỏ hơn".
Xiaomi chỉ bán được 181 nghìn smartphone tại Trung Quốc trong năm 2011. Con số này tăng vượt bậc lên 64,9 triệu thiết bị trong năm 2015, theo Canalys. Cùng khoảng thời gian trên, tăng trưởng của Huawei ở mức 7 lần đưa doanh số lên 63 triệu máy. Trong năm 2015, các công ty Trung Quốc đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển smartphone.
"Chúng tôi đã nhìn thấy và dự đoán được sự khốc liệt của thị trường smartphong Trung Quốc thời gian gần đây", nhà phân tích Joe Kelly chia sẻ. "Bạn phải có khả năng phát triển sản phẩm khác biệt so với những máy khác, nếu không bạn sẽ bị đè bẹp".
Cùng với đó, các nhà sản xuất Trung Quốc đang tìm đường vượt ra khỏi quê hương. Tại Ấn Độ, Xiaomi có khoảng 3,2% thị phần so với Apple là 0,9%. Châu Phi cũng là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp di động Trung Quốc ngắm tới.
Transission Holdings, nhà cung cấp nổi tiếng tại châu Phi với các thương hiệu như Tecno Mobile, Itel Mobile và Infinix Mobility, đã có khoảng 2.600 nhân viên tại đây trong tổng số 8.000 nhân lực. Công ty dự kiến sản xuất khoảng 80 triệu thiết bị trong đó 35% dành cho thị trường châu Phi.
"Chúng tôi có lợi thế nhờ sớm cất cảnh đến mảnh đất mới", giám đốc tiếp thị của Transission cho biết. "Nếu tiếp tục ở lại Trung Quốc, có thể chúng tôi đã chết".