Chị Hoàng Thị N. (SN 1992, công nhân) cho biết, sáng nay chị đi làm bình thường, nhưng đến nơi thì công ty không cho vào làm việc. Trong khi chị chưa có thông báo bằng văn bản nào về việc chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo phản ánh của nhiều công nhân, trước đó vào cuối tháng 10, do mưa lụt nên công ty cho công nhân tạm nghỉ 1 buổi (bằng 4 giờ công), sau đó tăng ca bù. Tuy nhiên, thời gian tăng ca đến nay hơn 2 tuần, mỗi ngày công nhân tăng ca 1 giờ. Số giờ tăng ca sau khi trừ thời gian tạm nghỉ, công nhân không được trả lương.
“Ngoài ra, nhiều chế độ như ngày lễ Quốc khánh (2/9), tiền chuyên cần, tiền hỗ trợ Covid-19 vẫn chưa được nhận. Một số người đã bức xúc nên không làm tăng ca nữa”, chị Hoàng Thị N nói thêm.
Một số công nhân khác cho hay, tối 16/11 có nhận tin nhắn của công ty thông báo tổ trường chuyền may, công nhân may “không cần đến công ty làm việc”. Vì vậy, sáng 17/11, nhiều người đã tập trung trước cổng công ty để phản đối, yêu cầu phía công ty giải thích rõ ràng.
Ngay khi nắm bắt được sự việc, lãnh đạo huyện Nghi Lộc đã xuống đối thoại với công nhân và phía doanh nghiệp, để xác minh sự việc cũng như bảo đảm quyền lợi các bên.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc (Nghệ An), sự việc sáng nay do công nhân nhận thông báo muộn về việc cho bộ phận may nghỉ, nhiều người không biết nên vẫn đi làm.
Lãnh đạo huyện Nghi Lộc cũng cho biết, đã yêu cầu phía công ty giải quyết tiền chuyên cần, tiền nghỉ 2/9 cho công nhân. Về tiền lương tăng ca, nếu công nhân làm theo sản phẩm thì trả lương theo sản phẩm, công nhân làm theo thời gian thì trả 7.000 đồng/tiếng. Đồng thời đề nghị công ty từ ngày mai (18/11) tiếp tục cho công nhân làm việc.
Về khoản hỗ trợ Covid-19 theo chính sách của nhà nước, phía công ty đã gửi kiến nghị cho tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên tỉnh chưa duyệt hỗ trợ nên công nhân chưa được nhận tiền.
Theo ông Đặng Văn Lương - Trưởng phòng Lao động TB-XH huyện Nghi Lộc, do phía Công ty may Perseption USA không giải thích rõ về việc chậm lương tăng ca khiến công nhân hiểu nhầm phải làm việc không công. Còn về tin nhắn gửi người lao động “không cần đến làm việc”, huyện yêu cầu công ty sau này có thông báo rõ ràng lý do, tránh việc công nhân hiểu nhầm.