Hàng nghìn người dân huyện biên giới Kon Tum chật vật đi tìm nước sạch

Hàng nghìn người dân huyện biên giới Kon Tum chật vật đi tìm nước sạch

Nhiều năm qua, hàng nghìn người dân tại huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) phải chật vật đi tìm nguồn nước sạch để sử dụng. Một số hộ chấp nhận bỏ ra vài chục triệu đồng để khoan giếng với hy vọng tìm được nguồn nước. Một số hộ may mắn khoan giếng có nước sử dụng, những hộ khác mất tiền “oan” vì khoan trúng lớp đá bàn.

Anh Phạm Văn Chương (xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai) cho biết, gia đình anh đã chuyển vào huyện biên giới này sinh sống được vài năm nay. Khi mới vào, do không có nước sử dụng nên anh đành chi 40 triệu đồng để khoan giếng. Gia đình anh chưa vui mừng vì có nước được bao lâu thì nguồn nước bỗng vàng đục, nhiễm phèn. Để có nước sử dụng, gia đình anh dùng nhiều biện pháp lọc, lắng nước qua đêm rồi sử dụng.

Hàng nghìn người dân huyện biên giới Kon Tum chật vật đi tìm nước sạch ảnh 1
Những điểm tập trung dân cư, huyện đặt bồn chứa nước công cộng để người dân lấy về sử dụng.

“Gia đình mua nước bình về để ăn, uống. Còn tắm rửa, giặt giũ mọi người trong nhà dùng nước giếng khoan. Tuy nhiên do nước vàng đục nên phải lọc, để lắng trong thau chậu qua đêm mới sử dụng được. Cực lắm, nhưng chúng tôi đành chịu vì còn cách gì khác nữa đâu”, anh Chương nói.

Tuy nhiên, chỉ ở được vài năm, gia đình anh Chương phải chuyển đến khu vực khác sinh sống vì lo sợ nguồn nước gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng đến chỗ mới gia đình anh vẫn phải mua nước bình về dùng.

Tương tự, gia đình chị Ksor Sem (xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) từ Gia Lai chuyển lên vùng đất cằn cỗi này sinh sống được hơn một năm nay. Tuy nhiên, gia đình khó khăn, không có đủ điều kiện để khoan giếng nên mỗi ngày chị lại đi hơn 7km gùi nước suối về sử dụng.

“Người ta có điều kiện người ta khoan giếng, mua nước bình dùng. Nhà mình nghèo, mình tranh thủ gánh nước suối thôi. Mình đi lấy nước quen rồi nên cũng không mệt lắm. Nhưng nếu được mình vẫn mong nhà nước quan tâm, hỗ trợ để bà con đỡ chật vật đi tìm nguồn nước”, chị Ksor Sem nói.

Không chỉ nhà chị Sem và anh Chương chật vật đi tìm nguồn nước về sử dụng. Hàng ngày từng tốp người, từ già, trẻ, gái, trai rủ nhau ra điểm lấy nước cộng đồng gánh nước về dùng. Do nguồn nước cấp ít nên mọi người phải tiết kiệm, chắt chiu để đủ nước dùng.

Ông Tống Tấn Lực, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia H’Drai cho hay, những năm qua do không đủ nước sử dụng nên công ty đã đầu tư 2 bồn chứa nước với dung tích 10.000 lít/bồn để hứng nước vào mùa mưa.

“Công ty cũng thử khoan giếng để lấy nước sử dụng nhưng toàn trúng đá ngầm. Do đó, mùa mưa mọi người hứng nước bỏ vào bồn chứa để mùa khô có nước sử dụng. Tuy nhiên, nguồn nước không đủ nên anh em tận dụng suối để tắm, giặt còn ăn uống sử dụng nước bồn và mua nước bình”, ông Lực tâm sự.

Về vấn đề này, ông ông Bùi Văn Nhàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai cho biết, năm nay tình trạng khô hạn kéo dài nên một số điểm dân cư bị thiếu nước trầm trọng. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương đã vận động người dân nạo vét giếng, sông suối. Bên cạnh đó, địa phương cũng lắp đặt bồn chứa nước công cộng tại các điểm dân cư tập trung phục vụ nước sinh hoạt cho bà con.

Cũng theo vị Phó chủ tịch, trên địa bàn huyện đang tiến hành xây dựng nhà máy nước sạch với tổng vốn dự toán trên 97 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, có lưu lượng 2.500m3 nước/ngày. Dự kiến đến cuối năm 2020, nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Đồng thời UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ cho huyện một số máy bơm để cấp nước cho người dân.

Theo UBND huyện Ia H’Drai, vụ Đông - Xuân năm 2019 - 2020, trên địa bàn có 26,57ha cây trồng bị thiếu nước tưới. Ngoài ra có 707 giếng nước bị khô hạn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của khoảng 937 hộ dân. Nếu tình trạng khô hạn tiếp tục kéo dài, nhiều hộ dân sẽ không có nước sinh hoạt, sản xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...