Những hồ nước màu xanh dương trên bề mặt sông băng Nam Cực. Ảnh: Digital Globe.
Theo Science Alert, một nhóm nghiên cứu Anh phát hiện gần 8.000 hồ màu xanh dương kỳ lạ khi phân tích hàng trăm hình ảnh vệ tinh và dữ liệu khí tượng về sông băng Langhovde ở phía đông Nam Cực trong giai đoạn 2000-2013.
Một số hồ trên bề mặt sông băng dường như ăn sâu xuống lớp băng bên dưới, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính bền vững của toàn bộ thềm băng. Thềm băng là những phiến băng dày trôi nổi hình thành ở nơi sông băng hoặc khối băng lớn chảy xuôi bờ biển.
Các nhà nghiên cứu từng cho rằng vùng phía đông Nam Cực không bị ảnh hưởng trước hiện tượng ấm lên toàn cầu, nên chỉ tập trung nghiên cứu phần bán đảo ở phía bắc, nơi nhiệt độ khí hậu và đại dương có dấu hiệu tăng nhanh trong những năm gần đây.
Sự tan rã của thềm băng phía đông Nam Cực rất khó phát hiện. Trong kết quả công bố hôm qua trên tạp chí Geophysical Research Letters, nhóm nghiên cứu ở Anh nhận định việc thiếu hiểu biết về tác động của hồ nước trên mặt sông băng sẽ khiến các nhà khoa học khó dự đoán hậu quả.
"Đông Nam Cực là phần lục địa được cho là tương đối ổn định suốt thời gian dài", Washington Post dẫn lời Stewart Jamieson, nhà băng hà học ở Đại học Durham, Anh, một thành viên nhóm nghiên cứu. "Ở đây không có thay đổi đột ngột. Nơi này rất lạnh và chỉ gần đây, những hồ nước trên mặt sông băng đầu tiên mới được phát hiện".
Nhóm nghiên cứu cho rằng nguyên nhân hàng nghìn hồ nước đột ngột xuất hiện ở phía đông Nam Cực chỉ sau ba năm là do biến đổi khí hậu. "Chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện của những hồ nước tỷ lệ thuận với nhiệt độ khu vực. Số lượng hồ, diện tích hồ và độ sâu của hồ, tất cả đều ở mức tối đa khi nhiệt độ tăng cao nhất", Jamieson nói.
Khi nhiệt độ tăng lên trong những tháng mùa hè, các hồ nước hình thành trên bề mặt sông băng. Chúng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và biến mất khi nhiệt độ khu vực giảm trở lại vào mùa đông.