Hàng loạt mạng xã hội Việt Nam… chết yểu: Đẻ muộn, không biết chăm thì khó lớn

GD&TĐ - Năm 2019 nở rộ các mạng xã hội (MXH) “made in Vietnam” với hàng loạt cái tên đình đám, thậm chí tham vọng “đè chết” Facebook, đánh bại Twitter. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, các MXH đó lần lượt biến mất hoặc tồn tại một cách... vô hồn.

Nhiều MXH Việt Nam ra đời nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Nhiều MXH Việt Nam ra đời nhưng chưa thực sự hiệu quả.

Nở rộ với nhiều tham vọng khủng

Tháng 6 vừa qua, MXH Hahalolo đã ra mắt với kỳ vọng sẽ “đè chết” Facebook và đánh bại Twitter. Hahalolo ra đời với tham vọng đạt 2 tỉ người dùng trong 5 năm tới, đồng thời sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ).

Vậy nhưng, ngay sau khi ra mắt, MXH này đã bị cư dân mạng ném “gạch đá” bởi chính tham vọng kiểu “quăng bom”, “chém gió”. Làm sao để đạt 2 tỉ người dùng trong khi tiện ích sơ sài, giao diện không đặc sắc và tốc độ truy cập quá chậm? Chưa kể đến nghi vấn huy động vốn giống như đa cấp cũng gây “lùm xùm” suốt một thời gian khá dài.

Tiếp đó, sáng 23/7, MXH Gapo của Công ty CP Công nghệ Gapo (Gapo Technology) ra mắt người dùng tại Việt Nam. Với tông màu chủ đạo xanh lá, giao diện của MXH này khiến người dùng dễ liên tưởng đến MXH Facebook.

Ngoài những tính năng cơ bản của một MXH như nhắn tin, post bài, kết bạn, like, share, Gapo còn có thêm tính năng trang trí bài viết, yêu cầu định danh tài khoản người dùng... Đặc biệt, MXH này sẽ tiến hành chia sẻ doanh thu với người dùng. Khi bài viết có nhiều lượt xem, người dùng sẽ được trả tiền cho nội dung mà họ đăng tải.

Không kém cạnh, ngày 16/9, MXH Lotus chào đời. Ngay sau khi ra mắt hơn 1 tiếng đồng hồ Lotus đã ngay lập tức leo lên top 1 trên bảng xếp hạng các ứng dụng miễn phí trên App store và top 4 kho tải ứng dụng của Android.

Định hướng MXH này hướng đến là muốn trở thành một ứng dụng tất cả trong một, từ tin tức đến giải trí và kết nối với người có ảnh hưởng (KOL) với người hâm mộ (fan), thậm chí là mang lại thu nhập cho người dùng (qua hình thức token). Cảm nhận ban đầu của nhiều người cho thấy các ứng dụng của Lotus khá mượt mà, trơn tru, giao diện thiết kế đơn giản và dễ nhìn.

Lo ngại về tính bảo mật

Nhiều chuyên gia nhận định, các MXH ra đời sau nếu không có gì khác biệt sẽ khó tồn tại. Nguyên nhân bởi các MXH lớn như Facebook hay Instagram đã chiếm gần như toàn bộ thị phần người dùng.

Hoạ sĩ Đào Long cho rằng, việc các MXH Việt Nam khó tồn tại do giao diện kém hấp dẫn, không thu hút người dùng. Lấy ví dụ về Lotus, anh Long nhận định: “So với Facebook, Instagram... Lotus có quá ít công cụ để biểu cảm thái độ, cảm xúc. Đây là điểm thua thiệt rất nhiều bởi Lotus cần phải có sự khác biệt nếu ra đời sau”.

Anh Long còn cho biết thêm, hiện nay vào Lotus không khác gì đang đọc một trang tin tổng hợp bởi thông tin thì nhiều mà tương tác của người dùng gần như không có. “Một MXH ra sau với mô hình ăn theo, không có cải biến thì khó cạnh tranh được” - anh Long khẳng định.

Còn anh Nguyễn Văn Tài - chuyên gia an toàn thông tin thì cho rằng người dùng đang lo sợ khi đăng nhập vào các MXH của Việt Nam. Theo anh Tài, việc các MXH Việt Nam yêu cầu đăng ký thông tin có cái lợi cũng có cái hại.

“Để khẳng định quyền sở hữu thì người dùng cần đăng ký thông tin cá nhân nhưng họ cũng rất lo sợ nếu những thông tin đó bị lộ ra ngoài. Mới đây một ngân hàng đã bị lộ thông tin của khoảng 2 triệu khách hàng. Mặc dù chưa rõ nguyên nhân nhưng người dùng rất lo ngại về tính bảo mật thông tin của các trang mạng tại Việt Nam”, anh Tài nói.

Bài học các MXH Việt Nam trước đó vẫn còn nhãn tiền, cuộc đua khốc liệt vẫn tiếp diễn, nếu không kịp thay đổi thì các MXH vừa mới chớm nở như Lotus và Gapo sẽ sớm bị chìm vào quên lãng và phải đóng cửa, một viễn cảnh đã được dự báo từ trước.

Lạc quan

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Thế Tân - Tổng Giám đốc VCCorp vẫn rất lạc quan. Ông cho rằng, các doanh nghiệp nội dung số trong nước vẫn có cơ hội chiếm lại thị trường, giành quyền chủ động thông tin từ nền tảng MXH nước ngoài.

Theo ông Tân, các nền tảng nước ngoài tuy mạnh và độc quyền, nhưng vì đặc trưng của họ chỉ là phân phối mà không có sản xuất nội dung, nên các nhà sản xuất nội dung Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để lấy lại chủ quyền thông tin. “Nếu các bên có nội dung mạnh thì có thể đàm phán và chiếm lợi thế” - ông Tân nhấn mạnh.

Còn ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, việc xây dựng MXH và công cụ tìm kiếm của người Việt sẽ đem lại lợi ích kinh tế từ nguồn thu quảng cáo số, từ đó tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước.

“Hoạt động cung cấp MXH phải có giấy phép và đó là cách bảo vệ người dùng và việc kinh doanh của chính doanh nghiệp Việt” - ông Liên nói.

Việc ra đời 5 MXH trong năm 2019 đã thể hiện rõ quyết tâm tạo dựng một MXH “Make in Vietnam” của người Việt. Tuy nhiên, nếu chỉ “đẻ” mà không đầu tư “nuôi dạy” thì thực sự rất khó để những “đứa con made in Việt Nam” cạnh tranh với những “gã khổng lồ” nước ngoài.

Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta viết một MXH mới, nhân văn hơn, thực sự coi trọng khách hàng hơn và đưa người dân làm chủ thể tri thức. Đồng thời người dùng cũng phải được chia sẻ giá trị khi tham gia cuộc chơi đó”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.