Hàng loạt học sinh nghỉ học do cúm mùa

GD&TĐ - Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An có số lượng học sinh nghỉ học do cúm tăng đột biến. Cá biệt có lớp học cô giáo phải dừng không dạy bài mới để đợi các bạn nghỉ ốm đi học trở lại.

Bác sĩ tại khoa Bệnh nhiệt đới (BV Sản nhi Nghệ An) thăm khám cho bệnh nhi
Bác sĩ tại khoa Bệnh nhiệt đới (BV Sản nhi Nghệ An) thăm khám cho bệnh nhi

Cô dừng dạy bài mới do học sinh nghỉ ốm quá nhiều

Trong 2 tuần cuối tháng 12, hàng loạt học sinh Trường Tiểu học Thanh Chi, huyện Thanh Chương (Nghệ An) xin phép nghỉ ốm với lý do cúm, sốt virut.

Cô Phan Thị Anh Lan - Hiệu trưởng nhà trường lo lắng nói: "Lúc cao điểm, số lượt học sinh nghỉ học của toàn trường là 88 em/tuần. Tuần trước có giảm hơn một chút nhưng vẫn có tới 73 lượt em nghỉ học. Hiện trung bình mỗi lớp vẫn đang có 5 – 6 học sinh vắng mặt vì bị ốm".

Trong đó cá biệt lớp 1A có hôm nghỉ tới 13 cháu, chiếm hơn 1/3 số học sinh cả lớp. Vì thế cô giáo chủ nhiệm buộc phải dừng dạy bài mới, cho các em đi học ôn tập bài cũ. Đợi đến khi sỹ số lớp đông đủ hơn, các bạn nghỉ ốm quay trở lại lớp mới tiếp tục dạy học bình thường.

Nhiều giáo viên liên tục nhận tin nhắn của phụ huynh xin phép cho con nghỉ học do cúm
 Nhiều giáo viên liên tục nhận tin nhắn của phụ huynh xin phép cho con nghỉ học do cúm

Cũng theo cô Phan Thị Anh Lan cho biết, những năm trước vào thời điểm giao mùa thường xảy ra tình trạng học sinh cảm cúm. Tuy nhiên, chưa có năm nào có số lượng học sinh nghỉ ốm nhiều và kéo dài như năm nay. Điều này khiến các cô rất lo lắng cho tình hình sức khỏe học sinh.

Tại TP Vinh cũng xảy ra tình trạng tương tự, đặc biệt là bậc tiểu học. Cô Phạm Thị Cẩm Tú - nhân viên y tế học đường – Trường Tiểu học Lê Mao thông tin: Hầu hết học sinh của trường xin nghỉ học là do bị cúm mùa. Ngày nhiều nhất lên tới 54 học sinh nghỉ học. Số học sinh bị cúm nằm rải rác ở các lớp, nhưng cũng có lớp lên tới 9 – 10 em nghỉ học.

Về phía nhà trường thường xuyên nhắc nhở đến từng học sinh các lớp chú ý giữ vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, giữ ấm cơ thể.

Bệnh viên liên tục tiếp nhận bệnh nhi mắc cúm A và cúm B
 Bệnh viên liên tục tiếp nhận bệnh nhi mắc cúm A và cúm B

Theo cô Tú, cúm do vi rút là bệnh lây qua đường hô hấp nên dễ lây lan. Bệnh thể không xuất phát từ trường học mà các cháu bị lây ở môi trường bên ngoài như: siêu thị, khu vui chơi, trong khu chung cư… sau đó lại lây chéo trong lớp học.

Mặt khác, cúm do virut nên không có thuốc điều trị mà chỉ có thuốc cắt giảm triệu chứng. Nếu học sinh có sức đề kháng tốt có thể khỏi trong vài ngày, em nào sức đề kháng yếu hơn thì thời gian ốm kéo dài đến cả tuần.

Bệnh viện liên tục tiếp nhận bệnh nhi mắc cúm

Hơn 1 tháng nay, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng liên tục đón bệnh nhân mắc cúm. Theo thống kê của bệnh viện, tính riêng trong tháng 12/2019, có tới hơn 2.100 lượt bệnh nhi đến khám bệnh, chủ yếu là bị cúm A và cúm B. Trong khi đó, con số bệnh nhi đến khám tại bệnh viện vào tháng 11/2019 là 577 lượt.

Trường hợp cúm nhẹ, sức đề kháng của bệnh nhi tốt, các bác sĩ thăm khám và cho về nhà theo dõi. Tuy nhiên cũng có những trường hợp phải ở lại điều trị, chủ yếu nằm ở khoa Bệnh nhiệt đới.

Bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Nhiệt đới, BV Sản Nhi Nghệ An
Bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Nhiệt đới, BV Sản Nhi Nghệ An

Ghi nhận vào ngày 30/12, tại khoa Bệnh nhiệt đới (BV Sản Nhi Nghệ An) đang có 94 bệnh nhi điều trị. Nhiều gia đình có 2 con cùng nhập viện do bị cúm. Ngày cao điểm, có giường bệnh phải nằm ghép 2 – 3 bệnh nhi.

Chị Cúc (trú tại Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An) cho biết: “Cả 2 con gái sinh đôi bị cúm nhập viện. Vì vậy vợ chồng đều phải túc trực ở đây, thay nhau chăm sóc con”. Trước đó, trong tháng 12, tại Khoa Nhiệt đới đã có 523 bệnh nhi sức khỏe ổn định và ra viện.

Không chỉ ở TP. Vinh, tại các địa phương khác, bệnh cúm cũng đang gia tăng. Các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện liên tục tiếp nhận bệnh nhân đến khám và nhập viện điều trị.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa Đông và mùa Xuân.

Để phòng bệnh cúm thì quan trọng nhất đảm bảo vệ sinh cá nhân; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vắc-xin cúm mùa phòng bệnh; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ