Hàng loạt hãng bay Mỹ thay đổi sau bê bối của United Airlines

Nhiều hãng hàng không Mỹ đang cải tổ lại quy định và cách giải quyết trường hợp đặt vé quá mức sau bê bối cưỡng chế hành khách xuống máy bay của hãng United Airlines.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Theo Reuters, phản ứng mạnh từ dư luận sau vụ United Airlines cưỡng chế hành khách gốc Việt xuống một chuyến bay để nhường chỗ cho phi hành đoàn đã khiến ngành hàng không Mỹ chia rẽ về cách xử trí một chuyến bay bị đặt vé lố. Một số hãng bay thay đổi chính sách, trong khi một vài hãng khác thì chấp nhận trả nhiều tiền hơn cho khách tự nguyện bỏ ghế.

Chuyện đặt vé lố có thể sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Quốc hội Mỹ khi họ tổ chức các buổi điều trần về hoạt động của ngành công nghiệp hàng không trong những tuần tới. Ủy ban Giao thông Vận tải ở Quốc hội đã triệu tập giám đốc điều hành United Airlines Oscar Munoz để làm chứng tại buổi điều trần, nhằm xác định “những việc có thể được thực hiện để cải thiện trải nghiệm hàng không”.

Hôm 27.4, hãng United tăng mức đền bù cho hành khách tự nguyện bỏ vé lên tối đa 10.000 USD. Hãng bay có trụ sở ở Chicago cho biết việc này là để giảm bớt tình trạng đặt vé lố và việc không tự nguyện bỏ vé “về càng gần mức 0 càng tốt”. Cũng trong ngày hôm đó, United đạt thỏa thuận với ông David Dao, người bị lôi kéo thô bạo xuống chuyến bay hôm 9.4, song điều khoản của thỏa thuận không được tiết lộ.

Cùng lúc, hãng Southwest Airlines cho hay họ sẽ không để tình trạng đặt vé lố tiếp diễn. Đây là doanh nghiệp có tỷ lệ phải buộc hành khách bỏ vé lớn nhất trong các hãng bay Mỹ năm 2016, theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải Mỹ. Trước sự cố của United Airlines, Mỹ chỉ có một hãng bay lớn là JetBlue ghi rõ trong chính sách rằng họ không có các chuyến bay bị đặt vé lố.

Một số nhà lập pháp đang kêu gọi thêm các quy định hàng không mới. Nhìn chung, các hãng bay Mỹ ngày càng ít gặp tình trạng phải buộc hành khách bỏ vé vì chuyến bay bị đặt vé lố dù họ đang có tỷ lệ ghế được bán ngày càng cao. Năm 2016, hệ số tải, thước đo tính toán số ghế trên máy bay có hành khách ngồi, của các hãng Mỹ là 84%, nhiều hơn so với mức 80,8% năm 2010. Cùng giai đoạn, các hãng bay cũng giảm 42% tỷ lệ từ chối cho khách lên máy bay bị đặt vé lố.

Một số hãng hàng không khác, trong đó có Delta Air Lines, không giải quyết triệt để tình trạng đặt vé lố, song lại tăng mức bồi thường cho khách tự nguyện bỏ vé lên 9.950 USD. American Airlines, hãng bay lớn nhất thế giới, thì cập nhật điều khoản vận chuyển và cho biết họ sẽ “không buộc một hành khách đã lên tàu bay phải đi xuống để nhường chỗ cho một hành khách khác”.

CEO Delta Air Lines Ed Bastian cho hay: “Tiết kiệm quá mức là quy trình kinh doanh hợp lệ. Theo tôi, câu hỏi được đặt ra không phải là tình trạng đặt vé lố có diễn ra hay không mà là các hãng bay sẽ giải quyết tình huống chuyến bay bị đặt vé lố như thế nào”.

Theo Thanh Niên

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...