Hàng loạt công trình nước sạch bị bỏ hoang

GD&TĐ - Tình trạng nhiều công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bỏ hoang sau khi được đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động chưa bao lâu, khiến người dân thiếu nguồn nước sạch sử dụng sinh hoạt.

Thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt khiến cuộc sống thường ngày của người dân vô cùng
khó khăn
Thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt khiến cuộc sống thường ngày của người dân vô cùng khó khăn

Điều đáng quan tâm là, những công trình nước sạch đều có nguồn kinh phí xây dựng hàng tỷ đồng, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn rất khó khăn. Vấn đề này không chỉ gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước, mà còn gây bức xúc trong nhân dân.

Lãng phí công trình tiền tỷ

Năm 2013, công trình cung cấp nước sạch tại thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành) được xây dựng với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng. Công trình do Trung tâm nước sạch và Tư vấn thủy lợi Quảng Nam (Sở NN&PTNT Quảng Nam) đại diện làm chủ đầu tư.

Công trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người dân địa phương nơi đây khi mà bao năm qua tình trạng thiếu nước sạch để sinh hoạt của người dân là hết sức bức bách.

Bởi vậy, khi công trình được đầu tư xây dựng, chính quyền và người dân vô cùng phấn khởi, mong đợi đến ngày công trình khánh thành.  Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm đưa vào sử dụng, công trình nước sạch này đã ngừng hoạt động.

Đến nay, các hạng mục bể chứa, bể lọc, đài nước cao gần 20m, đường ống dẫn nước hư hỏng, nằm ngổn ngang, hoang phế. Tình trạng của công trình nước khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Định (trú thôn Vĩnh An, xã Tam Xuân 2) bày tỏ: Đối với người dân nghèo chúng tôi, có nguồn nước sạch để sử dụng hằng ngày là một niềm mơ ước.

Bởi vậy, khi có dự án nước sạch, người dân chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Tuy nhiên, chúng tôi không hiểu vì sao một công trình nước sạch có số tiền xây dựng lớn như vậy lại không phát huy được hiệu quả. Nguồn nước mà công trình cung cấp lại có mùi hôi tanh, đục ngầu, người dân chúng tôi không thể sử dụng.

Theo ông Trần Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành), công trình dự án nước sạch đóng tại thôn Thạch Kiều có tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng, vốn đối ứng của nhân dân 1,2 tỷ đồng do Trung tâm Nước sạch và tư vấn thủy lợi Quảng Nam (Sở NN&PTNT Quảng Nam) đại diện chủ đầu tư xây dựng. Công trình nhằm cung cấp nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho khoảng 800 hộ dân các thôn Bà Bầu, An Khuông, Vĩnh An, An Đông và Phú Khuê Đông.

Ông Xuân cho hay: Khi công trình mới đi vào hoạt động rất hiệu quả, nhưng được khoảng 1 năm sau bị người dân phản đối do nguồn nước kém chất lượng, nước nhiễm phèn, đục ngầu, rác thải và không đảm bảo vệ sinh.

Vấn đề đã được xã Tam Xuân 2 kiến nghị nhiều lần với đơn vị chủ đầu tư, tuy nhiên nguồn nước từ công trình cung cấp vẫn không đảm bảo sau khi được khắc phục, sửa chữa. từ đó, người dân không còn sử dụng nên công trình bỏ hoang trong thời gian qua.

Người dân khốn khổ vì thiếu nước sạch

Tình trạng tương tự này cũng diễn ra tại huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam). Do đầu tư, khai thác không hiệu quả nên nhiều công trình nước sạch ngưng hoạt động, xuống cấp.

Cụ thể như công trình nước sạch tại xã Bình Định Nam được xây dựng năm 2009 với kinh phí hơn 600 triệu đồng bao gồm đường ống, đào khoan giếng, trạm cấp nước.

Năm 2010, công trình được đưa vào sử dụng, tuy nhiên vì không đủ lượng nước cung cấp nên chỉ hoạt động một thời gian ngắn thì ngưng hoạt động.

Hay công trình nước sạch tại thôn 6 (xã Bình Lãnh) được đầu tư xây dựng năm 2014, tuy nhiên công trình nước sạch chỉ hoạt động được 3 tháng thì ngưng hoạt động vì không còn nguồn nước cung cấp.

Hiện công trình nước sạch bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nhà làm việc, bể lọc và 2 bể chứa đều đã lên mốc, hoen rỉ. Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại thôn Xuân An (xã Bình Định Bắc), công trình nước không phát huy hiệu quả nên trong thời gian qua hàng ngàn người dân vẫn phải dùng nước nhiễm phèn.

Theo ông Nguyễn Quang (Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình), hiện nay, trên địa bàn huyện Thăng Bình có 12 công trình nước sạch nhưng có đến một nửa đã ngừng hoạt động. Nguyên nhân chính của thực trạng này là do nguồn nước không đảm bảo, không đủ kinh phí sửa chữa, duy trì hoạt động nên đành phải bỏ hoang.

Đa số công trình nước sạch này được tài trợ xây dựng, chính vì vậy chính quyền xã không trực tiếp quản lý, thêm vào đó điều kiện tự nhiên cũng rất khó tìm ra mạch nước ngầm dùng lâu dài.

Từng được xem là mô hình làng lập nghiệp điển hình trong quá trình xây dựng và phát triển đời sống kinh tế mới vùng cao, nhưng từ năm 2009, Làng Thanh niên lập nghiệp A Sờ (nay đổi thành thôn A Bông thuộc xã Mà Cooih, Đông Giang, Quảng Nam) được bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý thì khung cảnh của làng ngày càng trở nên xơ xác, tiêu điều.

Dọc các tuyến đường trong làng, hai bên là những vườn cây um tùm cỏ dại. Lác đác vài ba ngôi nhà mở cửa, số còn lại bỏ hoang hoặc khóa cửa im lìm. Nhiều ngôi nhà không mái, tường cửa rách toác, phơi nắng ngấm nước lâu ngày đã mục nát. Hệ thống đường nhựa và bê tông trong làng hầu như đã xuống cấp, đi lại rất khó khăn.

Đường dây điện được lắp đặt đến mọi khu vực trong làng nhưng có tuyến không còn đóng điện và có tuyến điện từ khi hoàn thành đến giờ chưa một lần đóng điện.

Công trình nước tự chảy mấy năm nay đã hư hỏng không còn hoạt động. Để có nước sinh hoạt người dân phải tự làm bể hứng nước mưa, đi chở nước suối, thậm chí ra tới trung tâm xã lấy nước về dùng.

Dẫn chúng tôi đi xem các công trình nước sinh hoạt trong làng, ông A Lăng Diên - Trưởng thôn A Bông - cho biết: “Hệ thống công trình nước tự chảy, các bể nước đã được dự án phát triển làng đầu tư xây dựng tiền tỷ nhưng đến nay đều không còn hoạt động, nước không có lấy một giọt.

Mỗi ngày người dân phải mất 4 - 5 lần đi chở nước mà mỗi lần đi là mỗi lần vất vả, khó nhọc vô cùng, bởi thế, người dân ở đây thường ví nước như xăng”.

Trải qua nhiều nhiệm kỳ làm Trưởng thôn Làng Thanh niên lập nghiệp A Sờ, A Lăng Diên không khỏi ngậm ngùi khi chứng kiến ngôi làng từng được ngợi ca về một hình mẫu trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế miền núi, trở thành một ngôi làng tan hoang, xơ xác, các công trình dự án thì xuống cấp, ngừng hoạt động.

Còn những người dân từng một thời đến với làng chất đầy niềm tin, hy vọng “lập thân, lập nghiệp” nay lần lượt bỏ làng ra đi.
Trước những thực trạng hết sức cấp bách đó, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Nam, cùng các ban, ngành chức năng cần sớm có hướng xử lý, giải quyết nhằm giúp dân ổn định cuộc sống, an tâm phát triển sản xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.