Hàng không thế giới bắt buộc luôn có hai người trong buồng lái

Một số hãng hàng không ra quy định luôn phải có hai thành viên phi hành đoàn trong buồng lái, vài giờ sau khi giới chức Pháp cho rằng cơ phó Germanwings đã khóa cửa để ở một mình trong phòng điều khiển và cố ý đâm máy bay vào núi.

Hàng không thế giới bắt buộc luôn có hai người trong buồng lái
2015-03-26T195213Z-1995594264-4967-6358-

Một phi công đi qua máy bay của Lufthansa. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Mỹ yêu cầu luôn phải có hai thành viên phi hành đoàn trong cabin nhưng nhiều quốc gia khác không có quy định này. Họ cho phép phi công rời buồng lái, ví dụ như để sử dụng nhà vệ sinh, miễn là có một phi công tại vị trí điều khiển.

Đây chính xác là tình huống các công tố viên Pháp nghi ngờ đã xảy ra trên chuyến bay Germanwings hôm 24/3. Họ cho rằng Andreas Lubitz, 28 tuổi, đã khóa cơ trưởng ở ngoài và dường như đã thiết lập chế độ điều khiển để đâm máy bay vào núi, giết chết tất cả 150 người.

Các hãng hàng không bao gồm Air Shuttle của Na Uy, easyJet của Anh, Air Canada và Air Berlin, Đức thông báo họ đã đưa ra quy định, yêu cầu luôn phải có hai thành viên phi hành đoàn trong buồng lái, chỉ vài giờ sau công bố của công tố viên Pháp.

Canada cho biết sẽ ngay lập tức áp đặt quy tắc này với tất cả hãng hàng không. "Chúng tôi có rất nhiều hành khách lo lắng", một phát ngôn viên của Air Berlin nói.

Hiệp hội hàng không Đức (BDL) hôm qua cũng thông báo đang lên kế hoạch đưa ra quy định buồng lái hai người. Người thứ hai có thể là tiếp viên hàng không nếu cơ trưởng hoặc cơ phó ra khỏi cabin trong chuyến bay.

Người đứng đầu Lufthansa, công ty mẹ của Germanwings, Carsten Spohr, cho biết quy định này sẽ được thảo luận tại cuộc họp ngày 27/3, có sự tham dự của Văn phòng Hàng không Liên bang (LBA).

Máy bay Airbus 320 mang số hiệu 4U 9525 của Germanwings hôm 24/3 giảm độ cao nhanh chóng và lao xuống vùng núi đông nam nước Pháp khi đang trên đường từ Tây Ban Nha đến Đức. Cơ phó được cho là cố tình khóa cơ trưởng ở ngoài để gây ra vụ tai nạn.

Vụ việc có thể làm dấy lên thêm nhiều tranh luận về tương lai của bảo vệ buồng lái. Từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9, các nhà quản lý đã yêu cầu cửa buồng lái là bất khả xâm phạm khi bị khóa từ bên trong.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ