“Hàng giả vẫn là một vấn nạn”

GD&TĐ - Đó là khẳng định của ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khi phát biểu tại Hội thảo Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò doanh nghiệp, vừa được Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội.

“Hàng giả vẫn là một vấn nạn”

Tại hội thảo này, đại diện Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, riêng năm 2015, lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra 38.059 vụ; phát hiện 25.123 vụ vi phạm và xử phạt hành chính 68 tỷ đồng với tổng trị giá hàng vi phạm trên 536 tỷ đồng.

Theo Cục Quản lý Thị trường, mặc dù các cơ quan thực thi của Nhà nước đã đồng hành cùng các hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan báo chí thực hiện nhiều hoạt động phối hợp trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và đã đạt được những kết quả tích cực nhưng nhìn chung công tác chống hàng giả vẫn còn nhiều bất cập, chưa được như mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân cũng như doanh nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu do phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi, trong khi cơ chế thực thi nhiều nơi còn chồng chéo, chưa đồng bộ, chưa hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn.

Phát biểu về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, dù đã có sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương nhưng đến giờ này việc vi phạm về sở hữu trí tuệ hiện đang còn là vấn nạn và diễn biến hết sức phức tạp, mức độ vi phạm thì tinh vi. Theo ông, nguyên nhân chính là do hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến việc chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn chưa hoàn chỉnh, thậm chí là chồng chéo và các chế tài thì chưa đủ mạnh để răn đe đúng mức các đối tượng. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các địa phương vẫn còn chưa quyết liệt, thậm chí sự phối hợp của các cơ quan chức năng, nhất là tại các địa bàn biên giới cũng còn chưa tốt.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, hiện nay kể cả với người dân, suy nghĩ và thái độ về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn hạn chế, chính vì vậy, việc các cơ quan phải rà soát lại các văn bản qui phạm pháp luật cũng như phát huy hiệu quả sự phối hợp giữa các lực lượng và nâng cao được ý thức của người dân và chính các doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

Trước vấn nạn hàng giả, lãnh đạo Bộ Công Thương kêu gọi các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nói rõ những mặt hàng nào của mình bị làm giả, làm nhái và kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường để các cơ quan chức năng có thể làm rõ hơn và để ra các biện pháp cụ thể.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị các doanh nghiệp cần phải đầu tư về kinh phí và cả nhân sự cho hoạt động chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

“Qua cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã thực hiện rất tốt nhưng thời gian tới người dân cần có thái độ quyết liệt hơn với hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, qua đó thể hiện lòng yêu nước của mình cũng như giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của mình trên thị trường nội địa”, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ