(GD&TĐ) - Ngày 6.3, quân đội Hàn Quốc cho biết họ sẽ phản công Triều Tiên và nhằm vào lãnh đạo chóp bu nếu Bình Nhưỡng tiến hành một cuộc tấn công đã đe dọa nhằm phản ứng với cái mà họ gọi là những cuộc tập trận “thù địch” giữa các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc.
Một lá cờ của Triều Tiên gần làng Panmunjom trong khu vực phi quân sự với Hàn Quốc |
Một trong những vị tướng hàng đầu của Triền Tiên, trong một lần xuất hiện hiếm hoi trên truyền hình hôm qua, cho biết Bình Nhưỡng đã phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn của mình với Washington và đe dọa có hành động quân sự chống lại Mỹ và Hàn Quốc nếu các cuộc tập trận vẫn tiến hành. Các cuộc tập trận quân sự này bắt đầu vào ngày 1.3.
Căng thẳng lại leo thang trên bán đảo Triều Tiên kể từ khi Triều Tiên, dưới thời lãnh đạo trẻ Kim Jung-un, tiến hành một cuộc thử tên lửa tầm xa vào tháng 12 năm ngoái. Tiếp theo đó là một vụ thử hạt nhân ngày 12.2, tạo ra nguy cơ có thêm những cấm vận từ Liên hợp quốc, những cấm vận này sẽ được tuyên bố chính thức vào thứ 5 sau khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí trừng phạt Bình Nhưỡng.
Đồng thời, Triều Tiên cũng tăng cường đe dọa quân sự chống lại Hàn Quốc và Mỹ, đưa ra cảnh báo từ Seoul hôm nay rằng Hàn Quốc sẽ không để yên nếu lãnh thổ của mình bị tấn công.
“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho một sự trừng phạt mạnh mẽ và kiên quyết, không chỉ chống lại nguồn gốc của sự gây hấn và các lực lượng hỗ trợ mà còn cả thành phần chỉ huy” – tướng Kim Yong-huyn của quân đội Hàn Quốc nói tại một cuộc họp báo.
Triều Tiên thường sử dụng ngôn ngữ cường điệu, tuy nhiên, họ cũng đã đánh chìm một tàu của Hàn Quốc vào năm 2012, làm 46 thủy thủ thiệt mạng và cùng năm đó, đã nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc làm chết một số thường dân.
Chịu những chỉ trích rằng phản ứng quá chậm đối với vụ nã pháo lên đảo, quân đội Hàn Quốc đã nới lỏng quy định, cho phép các chỉ huy trên mặt đất tự phản ứng với những gây hấn thay vì phải có sự cho phép từ cấp trên.
Tổng thống mới của Hàn Quốc, bà Park Geun-hye, đã cam kết sẽ xây dựng lòng tin với Bình Nhưỡng nếu Triều Tiên từ bỏ các kế hoạch hạt nhân, nhưng giờ đây bà đang gặp phải một thách thức ngay trong thời gian đầu của nhiệm kỳ 5 năm làm tổng thống.
Không còn thuyền buồm và xe đua
Những cấm vận mới được đề xuất sẽ cấm bán cho Bình Nhưỡng những thứ mà tầng lớp lãnh đạo Triều Tiên có thể mong muốn như thuyền buồm và xe đua – một nhà ngoại giao của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc giấu tên cho biết.
Năm 2009, các nhà chức trách Italia đã ngăn chặn việc bán 2 thuyền buồm trị giá hơn 10 triệu USD mà họ cho rằng sẽ phục vụ cho ông Kim Jong-il, cha của đương kim lãnh đạo Kim Jong-un.
Những cấm vận mới sẽ nhằm vào các giao dịch tài chính của Triều Tiên, thường liên quan tới việc chuyển tiền mặt để khó bị phát hiện và các hoạt động tội phạm như buôn ma túy, hàng giả.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Susan Rice, cho biết những cấm vận mới sẽ nhằm vào “các hoạt động bất hợp pháp của nhân sự ngoại giao Triều Tiên, các mối quan hệ ngân hàng của Triều Tiên và việc chuyển lượng tiền mặt lớn bất hợp pháp”.
Triều Tiện phải chịu những cấm vận vào năm 2006, theo đó cấm nhập một loạt hàng hóa sang trọng sau khi nước này thử hạt nhân lần thứ nhất.
Mặc dù bị cấm vận nhưng Bình Nhưỡng hiện có một lượng hạt nhân đủ cho khoảng 6 đầu đạn hạt nhân, Triều Tiên cũng tiến bộ đáng kể trong việc phát triển tên lửa tầm xa và đang nghiên cứu tìm cách làm nhỏ một đầu đạn hạt nhân dùng cho tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Trung Quốc ủng hộ cấm vận Triều Tiên
Trung Quốc đã ủng hộ tất cả các vòng cấm vận Triều Tiên và có nguy cơ ảnh hưởng tới mối quan hệ với liên minh của mình.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc, ông Li Baodong, nói với hãng tin Reuters rằng Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên đang lên kế hoạch cho việc bỏ phiếu cho dự thảo nghị quyết cấm vận đã được Washington và Bắc Kinh nhất trí sau 3 tuần đàm phán.
Hiện chưa rõ Triều Tiên sẽ có hành động cứng rắn nào. Nước này đã hủy bỏ thỏa thuận ngừng bắn vốn chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953 một lần trước đây và được xem là khó có thể tiến hành bất kỳ một cuộc tấn công quân sự lớn nhằm vào Hàn Quốc.
Triều Tiên thường tức giận đối với các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trên đất Hàn Quốc, đặc biệt là có sự tham gia của quân đội Mỹ - quốc gia có vai trò bảo vệ an ninh cho Seoul.
Khoảng 200.000 binh lính Hàn Quốc và 10.000 binh lính Mỹ dự kiến được huy động cho cuộc tập trận “Đại bàng non” diễn ra tới cuối tháng 4.
Hà Châu (Theo Reuters)