Hàn Quốc: Giá đắt theo nghiệp thể thao

GD&TĐ - Là quốc gia đăng cai Olympic mùa Đông 2018, Hàn Quốc tạo niềm hứng khởi theo đuổi ước mơ chinh phục thể thao Olympic trong giới trẻ.Tuy nhiên với một đất nước phát triển kinh tế như Hàn Quốc, theo đuổi sự nghiệp thể thao vẫn là một lựa chọn khó khăn khi mà gần như sẽ phải bỏ ngang con đường học vấn để bước vào một tương lai đầy phiêu lưu.

Hàn Quốc: Giá đắt theo nghiệp thể thao

Những đứa trẻ hy sinh tuổi thơ

Hàn Quốc đã không sản sinh ra ngôi sao thể thao nào ở sân chơi Thế vận hội mùa Đông trong một giai đoạn dài, nhưng lại đạt được thành tích ấn tượng chỉ trong một thời gian ngắn. Chưa có VĐV Hàn Quốc nào giành huy chương Olympic mùa Đông cho tới năm 1992 – năm bất ngờ giành tới 4 huy chương.

Con số này tăng lên 14, thành tích tốt nhất cho đến nay, vào năm 2010 tại Vancouver.

Thể thao mùa Đông chỉ là một lĩnh vực mà Hàn Quốc đã có một bước tiến dài trong thời gian ngắn – song hành với hành trình thoát khỏi đói nghèo thời hậu chiến những năm 1950 trở thành một trong những nước giàu nhất thế giới trong chỉ vài thập kỉ.

Để có được bước tiến thần tốc đó, người Hàn Quốc làm việc nhiều giờ hơn so với người dân các nước phát triển khác, ngủ ít hơn và các kì nghỉ cũng ngắn hơn.

Trong guồng quay xã hội đó, các VĐV cũng hiến mình cho tập luyện từ khi rất bé, hy sinh những điều cơ bản của cuộc sống như giao tiếp xã hội, vui chơi và thậm chí cả học hành.

VĐV trượt băng gốc Hàn Quốc thi đấu tại PyeongChang 2018 Yura Min, mặc dù lớn lên tại Mỹ nhưng cho biết: “Văn hoá đậm chất Hàn” đã ăn sâu trong gia đình. Từ khi còn bé, tiếng Hàn là ngôn ngữ thứ nhất trong gia đình và cha mẹ đã rèn thói quen tập luyện khắt khe từ khi còn rất nhỏ.

Min bắt đầu tập trượt băng từ 6 tuổi và dậy từ 4 giờ 30 sáng tập luyện trước một ngày học dài ở trường.

Bơ vơ khi giải nghệ

Các chuyên gia tin rằng các VĐV nhí Hàn Quốc được yêu cầu hy sinh quá nhiều tới mức bị tước đi cơ hội vui chơi bình thường.

“Không giống như các nước khác, tại Hàn Quốc không có những VĐV nhí chỉ tập luyện vì vui thích. Một khi trẻ Hàn Quốc bắt đầu tập luyện, chúng phải bỏ học hành và dành toàn bộ thời gian, từ sáng đến tối để tập luyện” – theo Chung Hee-Joon, giảng viên Khoa học Giáo dục tại Đại học Dong-A.

Thị trường việc làm Hàn Quốc cũng đang tạo nên thách thức lớn nhất. Hàng nghìn cử nhân đại học đang cạnh tranh số công việc ít ỏi ổn định và lương cao tại các công ty lớn.

Các VĐV giải nghệ rất khó tìm việc – vào giai đoạn tuổi trẻ, họ không có thời gian để phát triển những kĩ năng đáp ứng yêu cầu của chủ lao động.

Một nghiên cứu năm 2013 với 3.000 cựu VĐV do Viện Khoa học Thể thao Hàn Quốc thực hiện, cho thấy gần 1/3 VĐV được nghiên cứu thất nghiệp sau khi từ bỏ nghiệp thể thao.

“Rất khó cho các VĐV tìm được việc làm nếu không nhờ vào quan hệ của bố mẹ hoặc tham gia vào việc kinh doanh gia đình” – Chung nhận xét – “Hiện tại, VĐV có xu hướng hầu hết xuất thân từ những gia đình giàu có, những người có thể trang trải chi phí luyện tập và rủi ro liên quan”.

Tuy nhiên mọi thứ đang dần được cải thiện. Chính phủ Hàn Quốc đã lưu tâm tới những thách thức VĐV nghỉ hưu phải đối mặt và cấp nguồn lực giúp họ chuẩn bị cho tương lai – cụ thể là phát triển nhiều chương trình cho VĐV sau khi giã từ sự nghiệp như dạy Anh ngữ, đào tạo HLV, cấp học bổng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.