Hải Phòng: Trường tiểu học Nam Sơn vận động tài trợ sai quy trình

GD&TĐ - Chưa được cấp trên phê duyệt, không được sự đồng thuận từ phía phụ huynh học sinh nhưng Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Sơn (xã Nam Sơn, huyện An Dương, TP.Hải Phòng) đã triển khai xây dựng nhiều hạng mục, công trình với chi phí lên tới trên 420 triệu đồng. Đáng nói, sau khi công trình hoàn thành, nhà trường lên tiếng kêu gọi phụ huynh đóng góp để “trả nợ”, điều này khiến nhiều phụ huynh bất bình.

Trường tiểu học Nam Sơn (huyện An Dương, TP. Hải Phòng)
Trường tiểu học Nam Sơn (huyện An Dương, TP. Hải Phòng)

Quy trình “ngược”

Theo phản ánh của phụ huynh trường tiểu học Nam Sơn, trong cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường ngày 11/10/2019, bà Trịnh Thị Xoan – Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Sơn đã thông báo những việc đã làm trong thời gian từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9/2019.

Cụ thể, trường xây dựng nhà để xe cho học sinh với kinh phí 250 triệu đồng; mua sắm loa máy, âm thanh với số tiền 47 triệu đồng; lắp đặt camera gồm: 11 mắt camera, 2 đầu thu và 1 màn hình với kinh phí khoảng 66 triệu đồng; làm nan che mặt đường thoát nước quanh sân trường với kinh phí 55 triệu đồng; thay hệ thống máng rửa tay cho học sinh là 10 triệu đồng. Tổng kinh phí để làm các hạng mục trên là hơn 420 triệu đồng.

Ngay trong cuộc họp, hiệu trưởng nhà trường đã lên tiếng kêu gọi phụ huynh ủng hộ đóng góp kinh phí cho những hạng mục công trình trên để nhà trường “trả nợ” đơn vị thi công.

Điều này đã gây bất bình trong phụ huynh học sinh. Bởi, vào ngày 19/5/2019 trong cuộc họp phụ huynh cuối năm học khi nhà trường đưa ra chủ trương tu sửa cơ sở vật chất nhưng nhiều phụ huynh không đồng tình.

Đơn kiến nghị của phụ huynh trường tiểu học Nam Sơn
Đơn kiến nghị của phụ huynh trường tiểu học Nam Sơn 

Chị Nguyễn Thị. A.T (một phụ huynh học sinh lớp 3) cho biết: Trong cuộc họp phụ huynh cuối năm trước và đầu năm học này, nhiều phụ huynh không đồng ý xây thêm nhà để xe với lý do nhà để xe của trường đã được Công ty Sơn Trường tài trợ trước đó, không cần xây thêm. Việc lắp camera ngoài sân trường không cần thiết vì trường đã có bảo vệ. Tuy nhiên, không hiểu vì sao nhà trường vẫn làm? 

Để “trả nợ” cho những công trình trên trường tiểu học Nam Sơn huy động, khối lớp 1,2 mỗi học sinh nộp 400.000 đồng; mỗi học sinh khối lớp 3,4 nộp 300.000 đồng; học sinh lớp 5 là 100.000 đồng/học sinh.

Những hạng mục như: nhà để xe, lắp camera giám sát, mua loa máy, âm thanh, làm nan che mặt đường thoái nước, thay hệ thống máng rửa tay cho học sinh đều do ông Đào Văn Vĩnh là Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh đứng ra làm.

Điều đáng nói, các quy trình vận động, tiếp nhận tài trợ của trường tiểu học Nam Sơn tuy đã được trình lên UBND huyện An Dương, Phòng Tài chính Kế hoạch, Phòng GD&ĐT, UBND xã Nam Sơn nhưng chưa được các cơ quan trên phê duyệt.

Để xác minh thông tin, ngày 16/11 phóng viên liên hệ lịch làm việc với bà Trịnh Thị Xoan- Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Sơn. Tuy nhiên, bà Xoan cáo bận với lý do đang làm công tác phổ cập giáo dục.

“Chị cũng báo cáo các bác lãnh đạo là giúp vấn đề tiếp báo chí vì nội dung chủ yếu liên quan đến địa phương. Trường chỉ có mình chị là hiệu trưởng không có hiệu phó nên bận nhiều việc”, bà Xoan cho hay.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Văn Cường- Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết: Ngay sau khi nắm được thông tin, tôi đã trực tiếp chỉ đạo nhà trường dừng ngay các khoản vận động tài trợ. Đối với chi phí hơn 400 triệu đồng mà trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh đã đứng ra làm, nếu ông ấy tặng lại nhà trường thì nhà trường lập sổ tiếp nhận. Còn không, UBND xã Nam Sơn và nhà trường kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ.

Nhà để xe của học sinh được Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra làm với kinh phí hơn 200 triệu đồng
Nhà để xe của học sinh được Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra làm với kinh phí hơn 200 triệu đồng 

Lãng phí?

Theo tìm hiểu của phóng viên, được sự kêu gọi của chính quyền địa phương, Ban Giám hiệu trường tiểu học Nam Sơn (lúc đó  bà Trần Thị Khanh làm hiệu trưởng) năm 2018, công ty TNHH Sơn Trường (quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) đã tài trợ cho trường một dãy nhà khang trang, sạch đẹp với 12 phòng học cùng khuôn viên sân trường rộng rãi tạo điều kiện tốt nhất cho con em nhân dân địa phương học tập.

Vào tháng 12/ 2018, Công ty TNHH Sơn Trường tiếp tục tài trợ cho nhà trường một nhà ăn bán trú, đồng thời xây dựng một nhà xe 2 tầng với diện tích mỗi sàn là 300m2. Học sinh được để xe trong nhà xe và không mất bất kỳ khoản phí nào.

Chính vì vậy, theo các bậc phụ huynh việc xây dựng thêm một nhà xe tại góc phía trong sân trường là lãng phí, mất không gian vui chơi của học sinh, tăng thêm gánh nặng về tài chính cho họ.

Hơn nữa, việc tổ chức ăn bán trú trong trường tiểu học Nam Sơn là rất cần thiết, vì phụ huynh chủ yếu làm việc ở khu công nghiệp không tiện đưa đón con mỗi buổi trưa. Nhưng ngày 8/9/2019, Công ty TNHH Sơn Trường tổ chức cho phụ huynh tham quan bếp ăn bán trú thì nhà trường khóa cổng không cho vào?

Trao đổi với GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Phụng- Chủ tịch UBND xã Nam Sơn cho biết: Việc tiếp nhận tài trợ là vô cùng cần thiết để tăng cường cơ sở vật chất phục vụ việc học tập cho học sinh, tuy nhiên nhà trường phải làm đúng quy trình từng bước.

Đối với công trình nhà ăn bán trú của trường được Công ty TNHH Sơn Trường tài trợ vừa hoàn thành trong tháng 9 chưa nghiệm thu, thẩm định chất lượng công trình nên chưa được đưa vào sử dụng. UBND xã sẽ cùng với phía nhà tài trợ và nhà trường bàn bạc phương án giải quyết tốt nhất để công trình nhanh chóng đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu của học sinh và mong mỏi của phụ huynh.

Được biết, trước sự việc này các cơ quan chức năng huyện An Dương đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về kiểm tra tại trường tiểu học Nam Sơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.