Hai “mùa” đồng hành - tiếp lửa...

GD&TĐ - Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” vừa có “hai mùa” đồng hành – tiếp lửa thành công. Và, năm thứ ba của Giải đang được tiếp nối, trong bao niềm hứng khởi hướng đến một “mùa” mới sẽ tiếp tục “bội thu”...

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao giải Nhất cho các tác giả đoạt giải tại lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” 2019
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao giải Nhất cho các tác giả đoạt giải tại lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” 2019

Đồng hành từ những trân trọng

“Với giải thưởng này, Ban tổ chức mong muốn được gửi đến những người làm báo sự trân trọng với nghề nghiệp và tác phẩm của họ” – Đó là một trong những mục tiêu quan trọng mà giải thưởng của Giải Báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” hướng đến trong suốt hai “mùa” 2018, 2019 và cả những “mùa” sau...

Rõ ràng, với mục tiêu ấy, dù là một giải còn rất “trẻ” thế nhưng Ban tổ chức luôn tạo sức hút “đi vào lòng người” – một sức hút đặc biệt “hấp dẫn” đối với đội ngũ những người làm báo thừa sự nhạy cảm, tinh tế...

Vậy, những “sự trân trọng” ấy là gì? Đó là những buổi họp báo khởi động Giải với những lời phát biểu ấm áp, thân tình của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa (họp báo khởi động Giải năm 2018), Thứ trưởng Lê Hải An (họp báo khởi động Giải năm 2019) gửi tới các cơ quan báo chí, các nhà báo...

Như Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã trân trọng đề nghị và gửi gắm kỳ vọng vào những trang viết tâm huyết, trách nhiệm “chất lượng về giáo dục và vì giáo dục”: “Trong hơn 70 năm xây dựng và phát triển nền Giáo dục cách mạng Việt Nam, báo chí đã luôn chia sẻ, đồng hành, phát hiện và đưa tin đa chiều các vấn đề đời sống giáo dục. Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018 nhằm lựa chọn, tôn vinh những nhà báo, phóng viên, những tập thể, cá nhân có tác phẩm báo chí hay viết về sự nghiệp giáo dục. Tôi trân trọng đề nghị các cơ quan báo chí, các nhà báo, tác giả trên khắp mọi miền đất nước tích cực hưởng ứng Giải; bằng tâm huyết, trách nhiệm của những người làm báo chân chính, hãy viết những tác phẩm báo chí có chất lượng về giáo dục và vì giáo dục...”.

Hay như tại lễ phát động Giải năm 2019, Thứ trưởng Lê Hải An, khi ấy, cũng vui mừng chia sẻ về sự thành công của Giải ngay từ lần tổ chức đầu tiên và nhấn mạnh đây sẽ là sân chơi dành cho những nhà báo tài năng và tâm huyết với ngành Giáo dục: “Chúng tôi cảm nhận được sự sẻ chia, quan tâm sâu sắc của phóng viên với ngành Giáo dục.

Để tiếp tục tri ân, tôn vinh những nhà báo, phóng viên; những tập thể, cá nhân có tác phẩm báo chí chất lượng viết về đề tài giáo dục, Bộ GD&ĐT tổ chức Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2019. Bộ GD&ĐT mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các cơ quan báo chí truyền thông để Giải thực sự là sân chơi của những nhà báo Giáo dục tài năng và tâm huyết với ngành”.

Đó là sự hối thúc các cơ quan báo chí, các nhà báo hưởng ứng tham gia Giải với những góc nhìn đa chiều về ngành Giáo dục để “hướng đến niềm tin, chính nghĩa, lẽ phải và điều tốt đẹp trong xã hội”, như lời của nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Đó là sự lắng nghe những ý kiến đóng góp của các tác giả về công tác tổ chức cũng như việc mở rộng biên độ đề tài của Ban tổ chức, như cách nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại đã gợi mở: “Ngoài việc phát hiện những tấm gương đổi mới, sáng tạo trong dạy – học và những tấm gương giáo dục tiêu biểu thì những bài phản biện chỉ ra những mặt hạn chế là rất đáng trân quý”.

Đó còn là việc Ban tổ chức luôn mời giám khảo theo tiêu chí “là các nhà báo chuyên nghiệp, uy tín sau mới đến vị trí quản lý” để “cầm cân nảy mực” một cách khách quan, công tâm tại hội đồng sơ khảo lẫn hội đồng chung khảo.

Chẳng hạn như: Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái – Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân, TS Trần Bá Dung – Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo, nhà thơ Bùi Sỹ Hoa – Phó Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhà báo Nguyễn Thu Hà - Phó Trưởng ban Thời sự (VTV1), nhà báo Đỗ Quốc Khánh, Trưởng ban Khoa giáo (VTV2) Đài Truyền hình Việt Nam, nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Trưởng ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV)...

Và tất cả các bài viết đều được ban giám khảo trân trọng, khi là “những bài báo chưng cất từ cuộc sống của hàng triệu thầy trò cả nước, những con chữ thấm đẫm mồ hôi nước mắt, tình yêu, sự vất vả của hàng trăm đồng nghiệp của mình khắp cả nước” – Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái đánh giá.

Đặc biệt là những lễ trao thưởng cho hai “mùa” Giải luôn được tổ chức trang trọng cùng giá trị giải thưởng không nhỏ về cả vật chất lẫn tinh thần, khi tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 500 triệu đồng cùng với một giải đặc biệt là một chuyến đi Anh quốc.

Sự trang trọng này được lan tỏa trên làn sóng truyền hình trực tiếp đem đến cho khán giả cả nước những ái mộ trước tài năng cũng như tâm huyết của người làm báo với sự nghiệp Giáo dục nước nhà.

Chẳng thế mà nhà báo Lê Thị Hằng – Ban Văn hóa xã hội (VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam) đã bày tỏ rằng, Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” không chỉ là một hình thức tôn vinh những người cầm bút viết về giáo dục, mà còn là sự trân trọng những đứa con tinh thần cũng như sự ghi nhận về năng lực, sự cống hiến của Ban tổ chức dành cho các nhà báo.

Nhà Báo Hồ Quang Lợi trao giải Ba cho các tác giả đoạt giải tại lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” 2019
 Nhà Báo Hồ Quang Lợi trao giải Ba cho các tác giả đoạt giải tại lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” 2019

Tiếp lửa bởi vinh danh xứng đáng

Bằng sự đồng hành của những trân trọng ấy, vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi cả hai “mùa” Giải luôn thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí, các cây bút viết về ngành Giáo dục ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Ngay ở “mùa” đầu tiên, năm 2018, chỉ trong vòng 4 tháng đã có hơn 700 tác phẩm dự thi thuộc 4 loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình gửi tới Ban tổ chức để tranh tài. Hay ở “mùa” 2 – năm 2019 số lượng tác phẩm dự thi tăng gần gấp rưỡi khi cán mốc con số 1.000.

Và, số lượng tác phẩm của các loại hình báo chí gửi về dự thi hai “mùa” Giải đã không đơn giản dừng lại ở những con số cơ học. Trái lại, chúng đã luôn khiến hội đồng sơ khảo, hội đồng chung khảo “đau đầu” khi phải đưa ra những quyết định không mấy dễ dàng giữa những tác phẩm một chín một mười.

“Dù mỗi thành viên Ban giám khảo đã luôn lao động hết sức vất vả (chấm ngày chấm đêm) theo chuyên môn sâu của mình, thế nhưng cũng đã không khỏi “đau đầu” khi phải cân nhắc chấm chọn giải thưởng. Nhất là tác phẩm đoạt giải A và giải B luôn có khoảng cách rất gần, không có sự chênh lệch nhiều về chất lượng cũng như công sức, tâm huyết của các nhà báo. Thế nhưng, giải thưởng khi được công bố luôn đem lại sự đồng thuận của tất cả mọi người”, nhà báo Triệu Ngọc Lâm chia sẻ.

Quả vậy, ở “mùa” giải đầu tiên, với tỉ lệ “chọi” 1/10, 74 tác phẩm nổi trội về đề tài, hình thức thể hiện của các loại hình báo chí vào vòng chung khảo, Ban tổ chức đã chấm chọn và trao giải cho 43 tác phẩm. Ở “mùa” giải lần 2, với tỉ lệ “chọi” 7/100, 71 tác phẩm được Ban tổ chức chấm chọn vào vòng chung khảo để từ đó trao giải cho 44 tác phẩm xuất sắc nhất.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, với tinh thần dân chủ luôn được phát huy cao độ ở mỗi hội đồng giám khảo với những trao đổi, tranh luận không kém phần “nóng bỏng” nên cuối cùng kết quả của giải thưởng ở mỗi “mùa” luôn đạt được sự thống nhất 100% của các thành viên Ban giám khảo.

Cũng chính sự “cầm cân nảy mực” đầy trách nhiệm ấy của Hội đồng giám khảo mà giải thưởng của cả hai “mùa” Giải khi được công bố luôn đem đến cho người làm nghề báo cũng như công chúng sự ghi nhận và hài lòng. Và, các tác phẩm được vinh danh đều rất xứng đáng như thế đã góp phần tiếp lửa cho những người làm báo hôm nay hăng say dấn thân với nghề hơn nữa.

Có thể nhìn lại các tác phẩm giành giải A của “mùa” đầu tiên như: Tác phẩm báo in “Chuyện nghề, chuyện đời của những giáo viên vùng cao Tây Bắc” (nhóm tác giả Đỗ Nam Thắng, Lê Đông Hà và Trần Duy Văn - Báo Quân đội nhân dân) – tác phẩm này đồng thời được nhận giải Đặc biệt; tác phẩm truyền hình “69713=69731” (tác giả Huỳnh Sỹ Cường, VTV7, Đài Truyền hình Việt Nam); tác phẩm phát thanh “U Hương của những học sinh khiếm thị” (tác giả Nguyễn Trần Anh Thu, Ban Văn hóa - xã hội VOV2 Đài Tiếng nói Việt Nam); tác phẩm báo điện tử “Những người thầy ngày lên bục giảng tối đi đánh cá nuôi học trò” (nhóm tác giả Đặng Thị Chung, Đặng Văn Phú và Trần Duy Hưng – Báo Lao động điện tử).

Sang đến “mùa” thứ hai giải A là những tác phẩm: “Tự chủ đại học - xu thế cần nhân rộng” (nhóm tác giả: Lê Tuấn Anh, Ngô Hương Sen, Đoàn Xuân Kỳ, Thị Thu Phương (báo in - Báo Nhân dân); “Hành trình 30 năm thay đổi số phận trẻ bụi đời của nhà giáo 74 tuổi” (nhóm tác giả: Lê Thị Hằng, Kiều Thanh Phượng, Trần Bá Duy, Trần Nguyễn Anh Thu, Cao Thị Phương Lan (báo điện tử - Báo VietNamNet); “Lớp học trên Nóc Ông Ruộng” (nhóm tác giả: Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Bá Trung, Hồ Nữ Thị, Nguyễn Tài Việt (truyền hình - Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam); “Chuyện về những người thầy thắp lửa” - Nhóm tác giả: Lê Thị Hằng, Kiều Thanh Phượng, Trần Bá Duy, Trần Nguyễn Anh Thu, Cao Thị Phương Lan (phát thanh - VOV2 - Đài Tiếng nói Việt Nam) - tác phẩm này đồng thời được trao giải Đặc biệt.

Có một điều cần nhắc đến ở đây là, nếu như, ở “mùa” giải đầu tiên phần nào còn khiến các nhà báo “lấn cấn” với những băn khoăn, không biết những tác phẩm có góc nhìn phản biện đối với ngành Giáo dục liệu có được tôn vinh hay không thì đến “mùa” giải thứ hai những “lấn cấn” ấy đã được hóa giải. Các nhà báo đã thực sự vui mừng khi trong cơ cấu giải thưởng không thể thiếu những tác phẩm có góc nhìn gai góc.

Điển hình như, loạt bài “Bất cập trong quản lý Nhà nước về giáo dục”, loạt bài nêu những bất cập trong thực hiện chính sách tuyển dụng, hợp đồng giáo viên...; tác phẩm “5 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục: Thành tựu và thách thức”; tác phẩm “Giáo dục đại học: Bao giờ mới gỡ bỏ phân biệt công – tư?”; loạt bài: “Thâm nhập đường dây gian lận chứng chỉ”... “Các nhà báo đã luôn bám sát đời sống, bám sát những chuyển động của ngành Giáo dục.

Ở “mùa” 2019, một số vấn đề “nóng” của giáo dục đã được các tác giả đưa vào tác phẩm, mà không chỉ trong các tác phẩm đoạt giải mà cả những tác phẩm vào chung khảo cũng đề cập đến như các vấn đề: Sách giáo khoa, tự chủ của các trường đại học, tuyển dụng, đãi ngộ giáo viên...” – TS Trần Bá Dung – Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam ghi nhận.

Và, những tác phẩm có góc nhìn phản biện, đa chiều đều được Hội đồng giám khảo, Ban tổ chức đánh giá cao và vinh danh bằng những giải thưởng quan trọng. “Từ sự ghi nhận này, chúng tôi đã “cởi bỏ” được tâm lý gửi các tác phẩm gai góc dự Giải chỉ là có thêm... màu sắc.

Điều này mang đến cho chúng tôi những bất ngờ cũng như niềm tin để tiếp tục gửi gắm những đứa con tinh thần được chúng tôi viết đầy tâm huyết tới Giải ở những “mùa” tiếp sau”, nhà báo Đặng Chung, một trong nhóm tác giả của Báo Lao động điện tử đã thực hiện loạt bài “Thâm nhập đường dây gian lận chứng chỉ” và giành giải C bày tỏ.

Tổng Biên tập Báo GD&TĐ Triệu Ngọc Lâm trao giải “Nhân vật ấn tượng” tại lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” 2019
 Tổng Biên tập Báo GD&TĐ Triệu Ngọc Lâm trao giải “Nhân vật ấn tượng” tại lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” 2019
“Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thường niên; Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị được Bộ giao thường trực tổ chức thực hiện. Giải lựa chọn và tôn vinh những tác phẩm xuất sắc nhất viết về giáo dục, vinh danh những tác giả âm thầm đứng sau mỗi tác phẩm báo chí viết về giáo dục, cũng là âm thầm đứng sau sự nghiệp Giáo dục”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba

Kiev khẳng định không có Kế hoạch B

GD&TĐ - Ngoại trưởng Ukraine cho biết, Kiev không có kế hoạch B cho cuộc xung đột với Nga nếu Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho nước này.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…