Hai mặt của cơ phó 4U9525

Việc kiểm tra sức khỏe tâm thần phi công thường không được thực hiện nghiêm túc hoặc thiếu hiệu quả

Các điều tra viên lục soát nhà của Lubitz (ảnh nhỏ) ở ngoại ô TP Dusseldorf hôm 26/3 Ảnh: AP, Reuters
Các điều tra viên lục soát nhà của Lubitz (ảnh nhỏ) ở ngoại ô TP Dusseldorf hôm 26/3 Ảnh: AP, Reuters
Cơ phó Andreas Lubitz, người bị cáo buộc cố tình để chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu 4U9525 của hãng Germanwings đâm vào sườn núi, từng phải điều trị tâm thần vì “trầm cảm nặng” 6 năm trước.

Đã cải sang đạo Hồi?

Báo Bild (Đức) dẫn nội dung tài liệu nội bộ của hãng hàng không Lufthansa (công ty mẹ của Germanwings) cho biết Lubitz, 27 tuổi, từng nghỉ nhiều tháng khi đang trong quá trình đào tạo phi công hồi năm 2009. 

Ông Carsten Spohr Giám đốc Điều hành Lufthansa - không nói rõ nguyên nhân nhưng Bild cho hay Lubitz mắc chứng trầm cảm nặng và phải trải qua 1,5 năm điều trị tâm thần. 

Theo ông Spohr, sau khi trở lại lớp huấn luyện, Lubitz vượt qua tất cả bài kiểm tra tiêu chuẩn, gồm kiểm tra tâm lý và sức khỏe. Những tài liệu liên quan đến sức khỏe tâm thần của Lubitz sẽ được chuyển cho các nhà điều tra Pháp sau khi giới chức Đức xem qua.

Không chỉ vậy, quan hệ tình cảm của Lubitz dường như cũng gặp vấn đề nghiêm trọng. Các phóng viên có mặt tại nhà Lubitz cho biết anh ta đã đính hôn và dự định kết hôn vào năm sau. 

Tuy nhiên, 2 người đã chia tay và mối tình đổ vỡ này có thể góp phần dẫn tới thảm kịch 4U9525. Ngoài ra, báo Đức PI-News tiết lộ Lubitz đã cải sang đạo Hồi trong thời gian tạm nghỉ huấn luyện bay nhưng thông tin này chưa được xác nhận.

Trái lại, bạn bè và hàng xóm mô tả Lubitz là một người “trầm tính”, “vui vẻ”, “yêu nghề”, không có biểu hiện gì cho thấy đang suy tính chuyện xấu. 

Theo những gì thể hiện trên Facebook của mình, Lubitz là người có lối sống năng động, yêu thể thao, nhạc pop… Cảnh sát Đức đã lục soát nhà của Lubitz ở ngoại ô TP Dusseldorf và nhà của cha mẹ anh ta ở thị trấn Montabaur từ đêm 26/3. Họ đã thu giữ một số vật dụng và giấy tờ có thể cung cấp manh mối về động cơ khiến Lubitz “hủy hoại chiếc máy bay”.

Trong khi đó, Liên đoàn Phi công Đức (VC) cho rằng còn quá sớm để kết luận về trường hợp 4U9525 và nên chờ đến khi tìm thấy hộp đen thứ hai ghi lại dữ liệu chuyến bay. Dù vậy, các luật sư đã bàn đến khả năng Germanwings phải bồi thường cao hơn nếu đúng là hãng này thiếu kiểm tra sức khỏe Lubitz.

Lỗ hổng kiểm tra sức khỏe tâm thần

Ngay sau khi cáo buộc nhằm vào Lubitz được đưa ra, Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) hôm 26/3 khẳng định các phi công phải thường xuyên trải qua kiểm tra sức khỏe thể chất và tâm thần. Nếu phát hiện điều gì đáng lo ngại, bác sĩ sẽ kiểm tra sâu hơn, chuyên biệt hơn, đặc biệt là tâm lý thần kinh.

Tuy nhiên, theo hãng tin AP, các phi công và chuyên gia an toàn bay nhận định quy định này thường không được thực hiện nghiêm túc hoặc tỏ ra thiếu hiệu quả. 

Theo họ, các hãng hàng không đều yêu cầu phi công kiểm tra sức khỏe tâm thần khi nộp đơn xin việc nhưng những lần khám bệnh sau khi được tuyển dụng đều qua loa.

Tại Mỹ, phi công phải kiểm tra sức khỏe thể chất định kỳ một năm hay nửa năm một lần nhưng lại không bị bắt buộc kiểm tra tâm lý. Ông John Gadzinski - Cơ trưởng tại một hãng hàng không lớn của Mỹ và là cựu phi công hải quân nước này, cho biết chưa một lần nào được hỏi han về sức khỏe tâm thần trong 29 năm qua. 

Ông Bob Kudwa - Cựu phi công hãng hàng không American Airlines - nói: “Người ta kiểm tra mắt, tai và tim, nói chung là tất cả bộ phận có thể yếu đi khi anh già hơn. Thế nhưng, họ chẳng làm gì với cái đầu của anh cả”.

Theo ông Gadzinski, phi công được yêu cầu khai báo về tình trạng tâm lý, các loại thuốc sử dụng cũng như có phiền muộn hoặc từng toan tính tự tử hay không. 

Ai không khai báo sẽ bị phạt đến 250.000 USD. Tuy nhiên, cơ trưởng này cho rằng đây không phải là biện pháp hiệu quả bởi “nếu có vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhất định anh sẽ không nói ra”.

Tranh cãi về “buồng lái 2 người”

Thông tin cơ phó chuyến bay 4U9525 của Germanwings cố tình cho máy bay đâm vào núi khi chỉ còn một mình trong buồng lái khiến một loạt hãng hàng không trên thế giới, như Norwegian Air Shuttle (Na Uy), EasyJet (Anh), Air Canada (Canada), Air Berlin (Đức)… thay đổi quy định để bắt buộc buồng lái lúc nào cũng phải có 2 thành viên phi hành đoàn. Điều này có nghĩa là 1 tiếp viên được phép tạm thế chỗ nếu 1 trong 2 phi công ra khỏi buồng lái làm việc riêng.

Dù vậy, vẫn còn những hãng hàng không, trong đó có Lufthansa (công ty mẹ của Germanwings), chưa thay đổi vì cho rằng không cần thiết. 

“Tôi thấy không cần thay đổi những thủ tục của chúng tôi. Những gì xảy ra với 4U9525 chỉ là trường hợp cá biệt” - Ông Carsten Spohr, Giám đốc Điều hành Lufthansa, cho biết. 

Phát biểu này lập tức vấp phải nhiều chỉ trích, buộc ông Spohr sau đó nói thêm sẽ tham khảo vấn đề “buồng lái 2 người” với các hãng hàng không và nhà chức trách Đức. Hiệp hội Hàng không Đức (BDL) đã thông báo trong khoang lái các máy bay ở nước này sẽ luôn có 2 người.

Bên cạnh quy tắc nêu trên, vai trò của hệ thống khóa cửa buồng lái máy bay cũng được tranh luận. Từ sau sự kiện khủng bố 11/9/2001, cửa buồng lái được gia cố để chịu được đạn súng ngắn và lựu đạn. Hệ thống khóa còn được thiết kế nhằm ngăn kẻ xấu vào buồng lái ngay cả khi họ biết mật khẩu để mở cửa từ bên ngoài. 

Tuy nhiên, thảm kịch 4U9525 cho thấy hạn chế của biện pháp này: cơ trưởng bị chính cơ phó nhốt ngoài buồng lái. Báo chí Đức đưa tin cơ trưởng phải dùng rìu phá cửa nhưng thông tin này chưa được xác nhận.

Theo nld.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ