Theo đó, EMOTIV sẽ hợp tác với DTT để thúc đẩy và mở rộng nghiên cứu điện não đồ (EEG), cùng với các đối tác toàn cầu như Sapien Labs – một tổ chức phi lợi nhuận để mở ra những hướng ứng dụng trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, tiếp thị và các công nghệ tương tác não-máy tính.
Phát biểu tại lễ ký, CEO Công ty DTT Nguyễn Thế Trung bày tỏ kỳ vọng phòng Neuro Lab này trước hết là tạo cơ hội cho học sinh Việt Nam được tham gia các khóa học STEM liên quan tới não bộ và đây cũng sẽ là bước khởi đầu cho những kế hoạch dài hạn nghiên cứu về dữ liệu não bộ của hai công ty.
Theo bà Lê Tần - CEO của EMOTIV, sinh học số hóa là một trụ cột của Cách mạng công nghiệp 4.0, vì thế Việt Nam cần lưu ý phát huy lĩnh vực này, cụ thể là thế mạnh vào các dữ liệu đặc thù như dữ liệu về sóng não đồng thời nhấn mạnh rằng EMOTIV là công ty hàng đầu thế giới sở hữu công cụ và nền tảng dữ liệu lên đến hàng chục tỷ data point về dữ liệu não.
Các thống kê cho thấy ngành nghiên cứu về thần kinh học của con người hiện đang bị chi phối bởi một số ít quốc gia. 80% các ấn phẩm nghiên cứu về điện não đồ (EEG) vào năm 2015 đều đến từ Mỹ và Tây Âu.
Tuy nhiên, những thách thức và cơ hội về não bộ lại mang tính toàn cầu và những kết quả nghiên cứu của phương Tây có thể không dùng được cho nơi khác vì bộ não có sự đa dạng và phụ thuộc vào bối cảnh. Vì vậy phát triển cộng đồng khoa học quốc tế toàn cầu là điều rất cần thiết.
CEO của DTT đánh giá cao EMOTIV với CEO cũng là một người gốc Việt, vì những nỗ lực cùng phát triển và nâng cao năng lực của Việt Nam. Trong đó “Vòng đeo nghe não” Insight, một sản phẩm của EMOTIV được thiết kế ở San Francisco (Mỹ), phát triển tại phòng thí nghiệm của EMOTIV ở Sydney (Úc) và sản xuất một phần tại Việt Nam là một minh chứng cho nỗ lực này.
Bên cạnh đó, với kinh nghiệm có được qua quá trình triển khai các hệ thống phòng Lab (như IoT Lab), giáo dục (Học viện STEM) và y tế (Bệnh án điện tử), ông Nguyễn Thế Trung bày tỏ tin tưởng việc hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng học sinh sinh viên, cộng đồng nghiên cứu và cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam thông qua việc tiếp cận được các cơ sở dữ liệu lớn về điện não đồ và gắn kết với các nghiên cứu của hệ thống Emotiv và Sapien Labs để tiến vào công nghiệp dữ liệu não bộ.
Ban đầu phòng Lab sẽ được đặt cùng phòng thí nghiệm IoT Lab tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Học viện STEM (Tòa nhà Dolphin Plaza). Cùng với đó, hai bên cũng đã có kế hoạch mở rộng ra tại các cơ sở đào tạo Trung học và Đại học trong cả nước.
Trong năm 2016, DTT cũng là một trong bốn thành viên Sáng lập Hòa Lạc IoT Lab cùng với Ban quan lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Tập đoàn Intel và Dell Việt Nam. Phòng thí nghiệm IoT này là mô hình tiên phong kiểu mới, không sử dụng ngân sách nhà nước, hoạt động với với tôn chỉ phát triển cộng đồng IoT theo hướng cộng đồng mở và hỗ trợ khởi nghiệp.