LTS: Thời gian qua, nhiều đồng nghiệp đã có những bài báo phản ánh cố gắng, kết quả cũng như phân tích, chia sẻ đưa ra giải pháp khắc phục những mặt còn hạn chế của ngành Giáo dục. Để bạn đọc có cái nhìn đa chiều về những đánh giá của báo giới về ngành Giáo dục, báo Giáo dục & Thời đại mở chuyên mục Nhìn sang báo bạn. Trân trọng cảm ơn các đồng nghiệp đã viết bài và cho phép chúng tôi sử dụng các bài viết.
Em Lê Văn Được (thứ nhất từ phải sang) |
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận là người thường xuyên có “tâm thư” động viên, khuyến khích học theo những tấm gương điển hình, tình yêu thương đồng loại và trên hết là lòng yêu nước.
Sau khi nghe được tin em Lê Văn Được (15 tuổi, học sinh lớp 9 trường THCS xã Thanh Ngọc, Thanh Chương, Nghệ An) dũng cảm lao xuống hồ nước sâu cứu được 5 em nhỏ khỏi chết đuối chiều 17/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã gửi thư biểu dương tinh thần dũng cảm của em Được.
Đây được xem là hành động khá kịp thời và cần thiết của Bộ trưởng Luận để biểu dương, khuyến khích tinh thần dũng cảm của học sinh trên cả nước, tiếp nối tấm gương quên mình cứu bạn của em Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7, Trường THPT Đô Lương 1, huyện Đô Lương, Nghệ An).
Nếu là người thường xuyên đọc báo, quý vị chắc hẳn sẽ nhận ra một điều, gần đây Bộ GD&ĐT thường xuyên có những hành động, việc làm khuyến khích con người xích lại gần nhau hơn, yêu thương đồng loại, cứu giúp người bị nạn. Không chỉ gửi thư biểu dương em Được, Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Luận đứng đầu còn đưa tấm gương quên mình cứu bạn của em Nam vào đề thi tốt nghiệp, tiếp đó là tấm gương chàng trai không tay chân Nick Vujicic vào đề thi lớp 10 chuyên Ngữ văn tại Hà Nội…
Đấy được xem là những khuyến khích, động viên, kêu gọi cần thiết để con người xích lại gần nhau hơn của Bộ trưởng trước nhiều vấn đề xã hội hiện nay, đặc biệt là sự xuống cấp của trách nhiệm, đạo đức. Khi tội phạm ngày càng gia tăng ở lứa tuổi học sinh, liên tiếp những vụ học sinh, sinh viên xử nhau bằng dao kiếm, án mạng trên giảng đường, học sinh đánh ghen lột quần áo rồi quay clip tung lên mạng…
Còn nhớ, chúng tôi đã không ít lần đề xuất Bộ GD&ĐT đưa môn Giáo dục Công dân thành môn học chính, môn thi tốt nghiệp vì tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội hiện nay. Trong lúc điều này còn đang được nghiên cứu thì những “tâm thư” như trên của Bộ trưởng Luận là chưa bao giờ thừa.
“Cùng với hành động quên mình cứu bạn của em Nguyễn Văn Nam, lòng dũng cảm của Được hôm nay là tấm gương sáng cho học sinh cả nước noi theo. Chúc em học tập tốt, rèn luyện tốt, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ kính yêu” - Bộ trưởng Luận viết trong thư.
Trong số các Bộ trưởng của nước ta hiện nay, ngoài Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận, chỉ có Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng là người gửi “tâm thư” khen ngợi, biểu dương những cá nhân, tập thể tiêu biểu nhiều nhất. Và đương nhiên, đi liền với những thư đó là lòng mong mỏi tấm gương được nhân rộng, và trên hết là tình yêu thương đồng loại, lòng yêu nước được phát huy.
Trong 2 năm làm Bộ trưởng Giao thông, Bộ trưởng Thăng đã có hàng chục bức thư gửi các cá nhân, tổ chức để khen ngợi hành động, việc làm của họ, như khen nhân viên gác chắn đường sắt lao mình cứu người ngay trước đoàn tàu lao tới, khen tài xế taxi giúp công an phá vụ bắt cóc trẻ sơ sinh, khen chàng trai vá đường quê nhiều năm liền, thư chúc mừng ngày nhà giáo, ngày thầy thuốc, ngày hãng hàng không tròn 1 tuổi…
Hai Bộ trưởng, lãnh đạo hai lĩnh vực khác nhau, mức tín nhiệm của Quốc hội cũng khác nhau nhiều, nhưng cùng gặp nhau ở những bức tâm thư, những động viên cần thiết trong các việc được dư luận xã hội quan tâm, và trên hết là lòng mong mỏi những tấm gương người tốt, việc tốt được nhân rộng, phát huy, để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, con người yêu thương giúp đỡ nhau nhiều hơn.
Theo Phạm Thanh
(http://phunutoday.vn/xi-nhan/trai-hay-phai/201306/tam-thu-cua-bo-truong-luan-chi-xep-sau-bo-truong-thang-2216274/)
Đầu đề do báo Giáo dục & Thời đại đặt lại