Kinh doanh vận tải gần như tê liệt
Chiều 16/3, Phóng viên Báo GD&TĐ có mặt tại Bến xe khách Hà Tĩnh ghi nhận hàng loạt xe khách đang đậu dãy dài trong bến. Ông Bùi Phan Lương – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Hà Tĩnh nói: “Thời điểm này xe đường dài nằm kín bãi. Cả tháng nay các nhà xe dường như ngừng hoạt động hẳn. Mùa dịch, khách không ai đi”.
Theo ông Lương, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khách đi lại rất ít. Tuần qua hành khách giảm 70 – 80%, số đầu xe xuất bến nơi đây cũng giảm 50 – 60%. “Nhiều nhà xe nói với tôi chạy là lỗ, mà lỗ nhiều quá. Giờ chạy cũng chết mà không chạy cũng chết”, ông Lương chia sẻ.
Cũng theo ông Lương, bình thường tại Bến xe Hà Tĩnh có 85 – 95 đầu xe chạy tuyến đường dài ra Bắc, trong đó chủ yếu ra Hà Nội. Thế nhưng, hiện nhiều nhà xe đã tạm dừng hoạt động hoặc giảm đầu xe hoạt động. Cụ thể, trong ngày 13/3 có 57 đầu xe hoạt động, ngày 15/3 có 50 đầu xe hoạt động, còn ngày 16/3 gần như ngừng hẳn.
Theo ông Lương, hiện các nhà xe Thiên Hà, Trần Châu, Phú Quý, Dũng Minh đều đã giảm số xe hoạt động. Ngày 12/3 có một xe đã làm thủ tục xuất bến nhưng chỉ được 2 khách nên hủy không chạy. Có xe xuất bến chỉ được 5 khách nên chạy được một đoạn rồi quay về. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện một số nhà xe ở huyện Hương Sơn, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng đã thông báo tạm ngừng hoạt động.
Ông Phó Đức Minh, Giám đốc Công ty TNHH Dũng Mạnh (nhà xe Dũng Minh - PV) cho biết, so với năm ngoái, thời điểm này nhà xe hoạt động liên tục. Không có thời gian cho nhân viên nghỉ ngơi. Bởi nhu cầu của khách đi lại đông. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, loại hình vận tải đường dài của công ty chịu ảnh hưởng lớn, xe ngừng hoạt động, nhân viên phải cắt giảm.
“Năm 2019, 1 tháng có 240 chuyến, thu gần 400 triệu đồng/tháng, năm nay chưa đầy 1/2. Lái xe chính (phụ), nhân viên văn phòng của công ty buộc phải cắt giảm hoặc cho nghỉ việc tạm thời. Cũng để đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhà xe chỉ duy trì 1 chuyến/ngày nhằm vận chuyển hàng hóa, du khách đi lại cần thiết.
Phía công ty đảm bảo mọi yêu cầu về công tác phòng chống dịch bệnh như kê khai tên tuổi, địa chỉ của khách, tiêu độc, khử trùng phương tiện và người… khi xe vận chuyển. Thời điểm này, ngành nghề nào cũng khó khăn, nhưng đối với kinh doanh vận tải gần như tê liệt, nguồn thu mất hẳn”, ông Minh than thở.
Điểm bán vé xe khách cũng không có nhân viên phục vụ |
Giảm thuế phí cứu doanh nghiệp
Ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch Hiệp hội Vân tải ô tô Hà Tĩnh cũng cho hay, do ảnh hưởng dịch Covid–19 từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lẽ ra là mùa cao điểm đi lại nhưng hoạt động chuyến xe của các công ty tại Hà Tĩnh gần như ngừng hẳn hoạt động. Các công ty lỗ nặng.
“Phía hiệp hội vừa có Công văn số 995 gửi UBND tỉnh về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch. Các đơn vị kinh doanh vận tải hầu hết đều giảm hiệu suất hoạt động. Phương tiện kinh doanh chỉ hoạt động cầm chừng, các tuyến vận tải đều giảm sâu.
Từ kinh doanh taxi, xe giường nằm tuyến cố định, xe hợp đồng, xe buýt, cho đến vận chuyển hàng hoá đều khó khăn. Các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động cầm chừng đạt hiệu suất 20 - 30%” – ông Toản thông tin.
Ông Toản cũng nói thêm, 90% doanh nghiệp vận tải tại Hà Tĩnh mất cân đối thu chi khi doanh thu đầu vào giảm đến hơn 70%, nhưng các khoản chi phí đầu ra như chi phí nhân công, lương lái, phụ xe, chi phí nhiên liệu hay các khoản phí, thuế, lãi vay ngân hàng... họ vẫn đang phải chi trả.
Để cứu ngành vận tải trong lúc này, nhiều doanh nghiệp mong phía ngân hàng có thể giãn nợ vay cho họ đối với các hợp đồng vay vốn đầu tư phương tiện vận tải, giảm phí BOT, ổn định giá xăng dầu và nhất là để giảm chi phí cho doanh nghiệp vận tải thì rất cần cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà.
Cụ thể, yêu cầu Cục Thuế, các chi cục thuế Hà Tĩnh xem xét giảm thuế doanh thu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xe hợp tác kinh doanh (xe thương quyền), giãn thời gian nộp thuế kinh doanh cho các đơn vị kinh doanh vận tải.
Các ngân hàng trên địa bàn xem xét hỗ trợ giảm lãi suất vay, giãn nợ cho các đơn vị kinh doanh vận tải để các đơn vị ổn định sản xuất, kinh doanh. Kiến nghị với Chính phủ sử dụng Quỹ Bình ổn giảm giá xăng dầu để giữ ổn định kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Miễn, giảm phí cầu, đường cho các đơn vị kinh doanh vận tải trong tình hình điều kiện kinh doanh vận tải gặp khó như hiện nay. Tạm ngừng thu phí bảo trì đường bộ cho các đơn vị vận tải trong điều kiện các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.