Hà Tĩnh: Sau bão đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng miền núi

GD&TĐ - Do ảnh hưởng cơn bão số 3, Hà Tĩnh sáng 19/7 mưa lớn, ngập nước nhiều vùng, nguy cơ xảy ra lũ quyét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trung du là rất cao...  

Hà Tĩnh: Sau bão đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng miền núi
Hà Tĩnh: Sau bão đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng miền núi ảnh 1

Thực hiện chỉ đạo khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh về triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 3, đến 19h30 ngày 18/7 toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 555 hộ dân với 1.054 nhân khẩu ở các vùng xung yếu được đi dời đến nơi tránh trú an toàn.

Tập trung chủ yếu ở huyện Nghi Xuân (409 hộ); số còn lại ở các huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà và Thị xã Kỳ Anh.

Tại huyện Nghi Xuân, trong tối 18/7, theo lãnh đạo huyện Nghi Xuân, vào lúc 19h  cùng ngày, bất ngờ xuất hiện một cơn lốc xoáy quét qua địa bàn thôn 2, làm tốc mái hư hỏng, sập giàn che của 13 hộ dân trong thôn.
Di dời tải sản nhà cửa (Ảnh: Báo HT)
 Di dời tải sản nhà cửa (Ảnh: Báo HT)

Riêng mái nhà chính của bà Trần Thị Năm bị lốc xoáy làm sập, rất may vào thời điểm xảy ra lốc xoáy, bà Trần Thị Năm đã được chính quyền di dời đến nơi trú ẩn an toàn, vì vậy không xảy ra thương vong về người.

Ngay sau khi lốc xoáy đi qua, lãnh đạo chính quyền địa phương đã kịp thời có mặt để động viên bà con nhân dân khắc phục hậu quả, sửa chữa lại nhà và sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 3 ngay trong đêm.

Tại huyện Lộc Hà, Ông Nguyễn Tiến Tám - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà) cho biết, xã đã huy động lực lượng để gia cố 50m đê bao bảo vệ gần 40ha đất sản xuất muối và gần 150 hộ dân trước khi cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền.

Người dân gia cố đê điều tại huyện Lộc Hà
 Người dân gia cố đê điều tại huyện Lộc Hà

Đến sáng 19/7, theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, hiện nay, lũ trên các sông ở khu vực Hà Tĩnh ở xu thế lên chậm. Mực nước trên sông Ngàn Sâu tại trạm Chu Lễ ở mức 8.82m, tại Hòa Duyệt ở mức 6.27m; trên sông Ngàn Phố tại trạm Sơn Diệm ở mức 8.56m; sông La tại trạm Linh Cảm ở mức 2.84m; sông Rào Cái và Cửa Nhượng ảnh hưởng thủy triều.

Tại huyện Vũ Quang, Hương Khê nhiều đường liên xã đã bị chia cắt
Tại  huyện Vũ Quang, Hương Khê nhiều đường liên xã đã bị chia cắt 

Hiện Hà Tĩnh vẫn tiếp tục mưa rào rải rác, có nơi mưa to và dông. Mực nước trên các dòng sông Ngàn Phố, Sông La, Ngàn Sâu tiếp tục dâng cao. Nguy cơ ngập lụt ở vùng trung du là rất lớn.

Trả lời PV Báo GD&TĐ, ông Trần Đức Bá – Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, tình hình mưa lũ kéo dài, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi và trung du, đặc biệt ở các khu vực: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, các xã vùng thượng Kỳ Anh; ngập lụt ở vùng trũng và đô thị, các khu vực TP. Hà Tĩnh, Đức Thọ, Thạch Hà, Nghi Xuân, Can Lộc, Cẩm Xuyên, các xã thuộc vùng thấp trũng thuộc các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang…

Mực nước tại các dòng sông đã dâng cao, đường liên xã tại huyện miền núi ngập băng, chia cắt
 Mực nước tại các dòng sông đã dâng cao, đường liên xã tại huyện miền núi ngập băng, chia cắt

Để đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương, lực lượng công an các cấp đã thay nhau trực 24/24 giờ. Bên cạnh đó, tại các địa điểm tiếp đón người già, trẻ em, chính quyền các xã cũng đã bố trí cơm nước và chuẩn bị sẵn thuốc men hỗ trợ điều trị các bệnh thường gặp trong những ngày tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ