Hà Nội xén vỉa hè mở rộng đường: Cân nhắc chặt hạ, di chuyển cây xanh

GD&TĐ - UBND TP Hà Nội vừa cho phép Sở GTVT Hà Nội thực hiện việc xén vỉa hè và dải phân cách để mở rộng lòng đường trên 15 tuyến phố thuộc 12 quận nội thành. Dẫu biết đây là chủ trương đúng, cần thiết của TP nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông nhưng nhiều người cảm thấy tiếc nuối, lo lắng cho không gian xanh đô thị trước nguy cơ bị phá vỡ.

Sở GTVT Hà Nội đã rà soát, dự kiến cần di chuyển 1.900 cây xanh mở rộng lòng đường
Sở GTVT Hà Nội đã rà soát, dự kiến cần di chuyển 1.900 cây xanh mở rộng lòng đường

Dịch chuyển gần 2.000 cây xanh

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đề xuất xén vỉa hè trên 3 tuyến phố và dải phân cách trên 12 tuyến đường với chiều rộng vỉa hè trung bình mỗi bên giảm từ 7 m xuống còn 3 m. Đồng thời, xén dải phân cách 12 tuyến đường, chiều rộng xén thu hẹp dải phân cách trung bình từ 11,5 m xuống còn 4 m. Một số tuyến đường được xén dải phân cách gồm: Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Phạm Văn Đồng, Nghĩa Tân, Trần Cung, Phạm Tuấn Tài, Liễu Giai, Văn Cao... Các tuyến được xén vỉa hè bao gồm đường Tố Hữu, một số hầm chui và đảo giao thông.

Theo Sở GTVT Hà Nội, sau khi xén mở rộng, các tuyến đường này sẽ đồng bộ với trục đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng đã được xén mở rộng trước đó. Để thực hiện việc xén mở rộng đường, Sở GTVT Hà Nội đã rà soát, dự kiến cần di chuyển 1.900 cây xanh; 820 cột đèn chiếu sáng và các công trình ngầm và nổi nằm trong phạm vi thi công. Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất xén nhiều khu vực nút giao để tổ chức giao thông phù hợp với thực trạng giao thông, giảm ùn tắc giao thông.

Đầu năm 2019, Sở GTVT Hà Nội cũng lên kế hoạch xén vỉa hè nhằm mở rộng nhiều tuyến đường gồm: Phạm Hùng, Láng, Khuất Duy Tiến, Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Xiển. Để thi công cắt xén vỉa hè, dải phân cách, cơ quan chức năng phải di chuyển 371 cây xanh, chặt hạ 105 cây.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án làm đường bao giờ cũng có dải phân cách để làm quỹ đất dự trữ. Tùy theo từng thời điểm, trước đây lượng phương tiện chưa nhiều thì để quỹ đất nhiều, thời điểm lượng phương tiện tăng lên thì xem xét xén dải phân cách để mở rộng đường, phục vụ phương tiện đi lại…

Khi mở rộng đường Láng đã có nhiều cây xanh bị di dời
  • Khi mở rộng đường Láng đã có nhiều cây xanh bị di dời

Cân nhắc dịch chuyển cây xanh

Mới đây, tại nghị trường Quốc hội, chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nêu sự việc Hà Nội có dự án di dời, chặt bỏ 2.000 cây xanh để thực hiện việc xén vỉa hè và dải phân cách mở rộng trong lòng đường của Hà Nội. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc xén vỉa hè, chặt cây mà Hà Nội hiện nay đang triển khai thì trách nhiệm chính là của UBND TP Hà Nội và Sở GTVT. “Tuy nhiên, chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ phối hợp với TP Hà Nội để tư vấn, xem xét vì cây xanh đang là vấn đề rất cần thiết cho người dân đô thị”, ông Thể nói.

Quỹ Hỗ trợ & Phát triển Cộng đồng Sống bền vững đã gửi văn bản đề nghị UBND TP và Sở GTVT Hà Nội công bố thông tin dự án di dời cây xanh. Những vấn đề cần công khai bao gồm: Lộ trình quy hoạch lại các tuyến phố, thời gian, kế hoạch thi công và dự toán ngân sách; Giải pháp dịch chuyển cây xanh, những loại cây nào sẽ bị chặt bỏ, loại cây nào sẽ di chuyển, tiến độ và chi phí thực hiện (đối với những cây được di dời thì địa điểm di chuyển, kế hoạch chăm sóc cây và cơ quan quản lý sẽ như thế nào? Đối với những cây bị chặt thì nguồn gỗ sẽ được sử dụng vào mục đích gì?…); Kế hoạch phục hồi mảng xanh đối với các tuyến đường có cây bị chặt bỏ và di dời cùng với dự toán chi phí cho việc trồng lại cây mới. Theo đó, việc minh bạch các thông tin trên sẽ tạo điều kiện để các chuyên gia, các tổ chức và cộng đồng yên tâm trong việc phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả… 

Liên quan đến sự việc trên, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên ĐBQH TP Hà Nội khóa XIII cho rằng, việc mở rộng đường để giảm thiểu ùn tắc giao thông là cần thiết đối với Hà Nội. Tuy nhiên, việc xén vỉa hè, dải phân cách phải bảo đảm tỷ lệ cây xanh cho Thủ đô Hà Nội.

Bà An cũng nhìn nhận, đây chỉ là giải pháp tình thế bởi việc giảm ùn tắc giao thông liên quan đến quy hoạch tổng thể đô thị, giao thông của TP… “Chất lượng cuộc sống phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống. Với bất cứ dự án nào, TP cần đánh giá tác động xã hội, đặc biệt là tác động môi trường. Đề nghị lãnh đạo TP giám sát chặt chẽ việc thực thi của dự án, đơn vị thực hiện có đúng như cam kết hay không? Vừa mở rộng lòng đường vừa phải bảo đảm tỷ lệ cây xanh…”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Ở một khía cạnh khác, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, muốn giảm ùn tắc giao thông trước tiên, Sở GTVT Hà Nội phải giám sát các dự án xây dựng tòa cao ốc trên đất dành cho giao thông. Cùng đó, người đứng đầu TP cần ngừng lại việc cho xây nhà cao tầng trong nội đô và di dời có hiệu quả các trụ sở, cơ quan ra khu vực ngoại thành. Với đặc thù của Hà Nội các tuyến đường, hệ thống đã trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển nên việc mở rộng là điều tất yếu, nhiều đô thị trên thế giới đã phải làm. Chủ trương xén vỉa hè, mở rộng lòng đường là có căn cứ cơ sở pháp lý nhưng khi dịch chuyển cây xanh, giảm vỉa hè hoặc giảm dải phân cách thì yếu tố cây xanh của Hà Nội cũng là một vấn đề. Bởi cây xanh Thủ đô là một trong những tiêu chí bản sắc tạo nên Hà Nội, giải pháp cho cây xanh như thế nào là một vấn đề cần quan tâm.

TS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, hiện nay đề án chưa rõ ràng cho giải pháp về cây xanh. “Việc ươm trồng cây xanh như thế nào là việc cần phải làm, đảm bảo cây xanh sống, đảm bảo quỹ cây xanh của đô thị. Hà Nội cần nhận diện giá trị cây xanh cho đầy đủ, phân loại ra cho hợp lý để có giải pháp thích hợp. Toàn bộ việc nhận diện cây xanh cần phải công bố rộng rãi và nên mời thêm các chuyên gia tham gia có ý kiến…”, TS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ